24 ca C+ lây nhiễm cộng đồng, Bộ Y tế đề xuất giãn cách xã hội đối với TP.HCM

 Tại cuộc họp khẩn ngày 8/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề xuất TPHCM chọn địa điểm áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng, thay vì Chỉ thị 15 như hiện nay và quyền quyết định là của địa phương.


Cụ thể, bệnh nhân 2002 (41 tuổi, ở phường 15, quận Tân Bình). Bệnh nhân 2003 (30 tuổi, ngụ phường Trung Mỹ Tây) và bệnh nhân 2004 (28 tuổi, phường Thạnh Lộc, cùng quận 12). Bệnh nhân 2005 (32 tuổi, ngụ phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1).

Sau khi Bộ Y tế công bố 4 ca mắc mới COVID-19 (dân gian hay gọi là C+) là BN 2002, 2003, 2004, 2005 đều là nhân viên bốc hàng tại sân bay Tân Sơn Nhất, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM đã tổ chức họp khẩn với các quận huyện theo hình thức trực tuyến.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC), thành phố vừa ghi nhận thêm 24 ca dương tính với SARS-CoV-2. Những người này đã được đưa đi cách ly, điều trị ở Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.

Tại cuộc họp trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch đã lan ra cộng đồng thì TPHCM phải chọn địa điểm áp dụng tinh thần Chỉ thị 16 của Thủ tướng, thay vì Chỉ thị 15 như hiện nay. Những nơi nguy cơ cao, có người nhiễm thì áp dụng Chỉ thị 16. Như vậy, chúng ta mới đi nhanh hơn dịch.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng việc áp dụng này do TPHCM quyết, Bộ Y tế chỉ gợi ý đề xuất.

Theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng về áp dụng các biện pháp cấp bách chống dịch COVID-19, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng.

Liên quan đến 24 trường hợp nghi mắc COVID-19, nhiều nơi trên địa bàn TPHCM đã được phong tỏa tạm thời. Cụ thể: 5 trường hợp ở quận Gò Vấp là F2 của “bệnh nhân 1979”. Hiện, UBND quận Gò Vấp đã phong tỏa chung cư 44 Đặng Văn Trung, phường 6, với 304 căn hộ và 900 nhân khẩu; hẻm 251 Quang Trung, phường 10, có 100 nhà, 720 nhân khẩu. Ngoài ra, phong toả các khu vực có 7 trường hợp ở quận 12 và 7 trường hợp ở quận Bình Tân, gồm 5 người ở khu nhà trọ tại phường Tân Tạo A, liên quan bệnh nhân sân bay Tân Sơn Nhất; 2 người ở phường Bình Hưng Hòa, liên quan Quán lẩu dê số 475 đường Lê Trọng Tấn, phường Sơn Kỳ, Tân Phú. Hiện khu nhà trọ ở phường Tân Tạo A và khu nhà ở Bình Hưng Hoà cũng được phong toả.

Ngay khi có tin ca nghi nhiễm Covid-19 là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất, lực lượng chức năng đã phong tỏa 2 lớp rào chắn khu Mả Lạng với khoảng 2.000 người.

Theo người dân, việc phong tỏa của lực lượng chức năng được thực hiện vào khuya hôm qua do quận 1 nhận được thông tin một người dương tính Covid-19 (bệnh nhân 2005 là một trong 4 ca ở sân bay Tân Sơn Nhất mà Bộ Y tế công bố sáng nay) sống tại đây.

Chung cư Felix Homes (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) với hơn 300 hộ dân vừa được lực lượng chức năng phong toả vì có trường hợp mắc COVID-19. 

Trưa 8/2 (27 Tết), toàn bộ chung cư Felix Homes nằm trên đường Nguyễn Văn Dung (phường 6, Gò Vấp) đã được phong toả, cách ly hơn 300 hộ dân vì có trường hợp liên quan đến bệnh nhân mắc COVID-19.

Ngoài ra, các quán ăn, cafe từ đầu đường Nguyễn Văn Dung giao với đường Nguyễn Oanh vào đến khu vực chung cư cũng được yêu cầu tạm ngưng nhận khách, chỉ bán mang đi.

Chỉ trong 3 ngày, 6-8/2, TP.HCM liên tiếp phát hiện nhiều ca mắc Covid-19 liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất. Ngành y tế hiện vẫn chưa xác định được nguồn của chuỗi lây nhiễm này. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long dự báo số ca mắc còn có thể nhiều hơn nữa.

Nhận định về tình hình dịch bệnh mới tái bùng phát ở TP.HCM, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh kiêm Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho rằng công tác kiểm soát dịch cần phải làm nhanh hơn nữa.

“Tình hình này thì cực hơn nhiều, khoanh vùng phải nhanh hơn, xét nghiệm nhiều hơn và người dân phải hợp tác hơn”, bác sĩ Khanh chia sẻ. 

F0 chưa chắc là người nhiễm bệnh đầu tiên

Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM sáng 8/2, PGS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết đã xuất hiện một số trường hợp F2 dương tính nhưng F1 lại âm tính.

Phân tích điều này, bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng cần tính đến khả năng F1 đó không phải là F1. Cụ thể, trường hợp được cho là F1 thật ra có thể là nguồn lây bệnh đầu tiên cho người khác. Và đến thời điểm được xét nghiệm, trường hợp này đã khỏi bệnh.

“Có thể người được cho là F1, F2 thật ra chính là F0 đầu tiên, sau đó một số trường hợp đã khỏi bệnh nên xét nghiệm ra âm tính. Đừng chỉ nghĩ cụm đầu tiên là ở sân bay Tân Sơn Nhất. Nếu cứ coi như vậy sẽ chậm. Bây giờ, việc quan trọng là tìm ra các cụm lây nhiễm và khoanh vùng”, bác sĩ Khanh nhận định.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top