Bán 2 triệu một bộ sản phẩm, “thần dược xứ Mường” trả thưởng nhiều để làm gì?

Những khóa học làm giàu hướng dẫn kinh doanh đa cấp của vợ chồng Trương Thành Nhân – Ngọc Bích (Bích Nguyễn) vì sao nên đưa vào diện quản lý và kiểm soát khẩn cấp?

Xem bài: Thuốc đông y đã loạn quảng cáo còn thêm bán hàng đa cấp

Năm 2004, lần đầu thuật ngữ “bán hàng đa cấp” được ghi nhận trong hệ thống pháp luật Việt Nam tại khoản 11 Điều 3 Luật Cạnh tranh. Hơn 10 năm sau, theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam, tính đến hết năm 2015, cả nước có 67 doanh nghiệp được cấp phép bán hàng đa cấp. Đến tháng 10/2017, chỉ còn 36 công ty bán hàng đa cấp được cấp phép đủ điều kiện hoạt động. Còn hiện tại, theo số liệu công bố trên Cổng thông tin của Cục quản lý cạnh tranh – Trang thông tin quản lý bán hàng đa cấp, hiện có 31 doanh nghiệp đăng kí kinh doanh nhưng vừa có 3 đơn vị chấm dứt hoạt động. Trong số 29 đơn vị này, không có đơn vị nào thuộc về Công ty TNHH Thuốc gia truyền Xứ Mường. 

Ông Trương Thành Nhân chụp hình với các học viên tham gia vào hệ thống phân phối thuốc xứ Mường

Điểm khác biệt lớn giữa công ty bán hàng đa cấp (tên tiếng Anh: Multi-Level Marketing) chân chính so với các công ty đa cấp bất chính là có chương trình trả thưởng đúng luật hay không, có bộ tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh được triển khai thực hiện, và giám sát công khai, minh bạch. Song song đó là chính sách trả hàng với giá cả, điều khoản thanh toán rõ ràng, chính sách hoa hồng minh bạch, hàng hóa đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật Việt Nam. 
Những dấu hiệu nhận biết hình thái “bán hàng đa cấp bất chính” gồm có: Sản phẩm không tốt, không có chứng chỉ chất lượng, giá bán rất cao, không tương ứng với giá trị thực; Xem việc tuyển dụng là hoạt động chính nhằm nuôi lợi nhuận từ số lượng người tham gia chứ không quan tâm đến kết quả phân phối; Đặc biệt nghiêm trọng là hoạt động bắt người tham gia phải đóng tiền, dụ dỗ cho vay tiền để tham gia hệ thống, làm người tham gia hệ thống bị mắc nợ…
Nhìn vào thực tế của hệ thống đa cấp của Công ty TNHH thuốc gia truyền xứ Mường do cặp vợ chồng Trương Thành Nhân và Ngọc Bích vận hành, có thể thấy những dấu hiệu khá rõ ràng về biến tướng từ hình thức này. 
Bảng giá thuốc công bố có giá cao ngất ngưỡng nhằm lôi kéo chị em phụ nữ tham gia vào hệ thống phân phối sẽ có giá mua thấp bất ngờ. 
Bảng tính giá thuốc Điều Kinh của Công ty TNHH thuốc gia truyền xứ Mường cho các thành viên phân phối. Giá cho thành viên mua lẻ (Chi nhánh) giá 390.000 đồng, còn giá bán lẻ ở bảng trên là 600.000 đồng. Cao gần gấp đôi!
So sánh giá thuốc bán lẻ xứ Mường và giá đi vào hệ thống đa cấp. Thuốc kén đặt phụ khoa giá cho nhà phân phối “Chi nhánh” thấp nhất là 370.000 đồng nhưng giá bán lẻ 600.000 đồng. Nếu lên được đến đại lý cấp cao nhất, giá còn 270.000 đồng. Như vậy, thực tế giá thuốc xứ Mường đang được bơm thổi quá cao nhằm gây dựng hệ thống phân phối đa cấp chứ không phải đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng. 
Những lớp học đào tạo bán hàng được tổ chức thường xuyên
Thổi phồng kết quả kiếm tiền bạc tỷ là cách vợ chồng Trương Thành Nhân và Bích Nguyễn tự đưa mình lên đẳng cấp “linh hồn thủ lĩnh”
Đối với những thành viên không có tiền đã được khuyến khích mượn nợ để tham gia vào hệ thống phân phối đa cấp
Sự thật về “thủ lĩnh linh hồn” của hệ thống đa cấp thuốc gia truyền xứ Mường là ai?
Nhiều học viên sau khi tham gia các khóa học của “chuyên gia” Trương Thành Nhân không khỏi nghi ngờ về kiến thức mà anh ban phát và cách tô vẽ tương lai bạc tỷ. Thật ra, Trương Thành Nhân không lạ gì trong giới học… giả. 
Vào cuối tháng 3/2017, tên tuổi Trương Thành Nhân từng nổi danh khi làm Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư quốc tế ICC Hà Nội (ICC) chi nhánh tại TP.HCM, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Hạng A Việt Nam (232 Nguyễn Văn Hưởng, P.Thảo Điền, Q.2, TP.HCM) đã bị khoảng 100 học viên về việc nhận tiền và hứa đưa các học viên sang Nhật Bản làm việc. Không thực hiện lời hứa, ông Nhân bị học viên đòi tiền tại trụ sở, công an phải vào cuộc.
Các học viên vây quanh đòi tiền tại trụ sở công ty của ông Trương Thành Nhân vào năm 2017 (Ảnh báo Thanh Niên)
Trước những hoạt động trên của Công ty TNHH thuốc gia truyền xứ Mường trong lĩnh vực phân phối đa cấp nhưng chưa có giấy phép đăng kí với Bộ Công thương và Cục quản lý cạnh tranh, đồng thời đã xuất hiện nhiều dấu hiệu không lành mạnh trong các hoạt động và chính sách phân phối, Báo Pháp luật VN yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan nhanh chóng kiểm tra và có câu trả lời cho bạn đọc!

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 40/2018/NĐ-CP để thay thế cho Nghị định 42/2014/NĐ-CP trước đó về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (Nghị định 40). Với nhiều điều kiện thay đổi trong đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, Nghị định 40 mang lại hi vọng mở ra một giai đoạn phát triển mới ngành hàng này, tạo ra môi trường minh bạch hơn cho những công ty chân chính hoạt động.

Thứ nhất, Nghị định mới cấm sử dụng hình thức kinh doanh đa cấp để huy động tài chínhtrái phép, hướng đa cấp đi đúng bản chất là hình thức phân phối hàng hóa, không bị lợi dụng cho những hình thức trái phép khác.

Thứ hai, về điều kiện đăng ký hoạt động BHĐC, doanh nghiệp phải ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng tối thiểu 10 tỷ đồng trở lên thay vì 5 tỷ như nghị định cũ. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Thứ ba, Chương trình đào tạo cơ bản dành cho người tham gia bán hàng đa cấp phải đảm bảo thời lượng đào tạo tối thiểu 8 tiếng. Công tác đào tạo cơ bản nàyphải được thực hiện trước khi người tham gia BHĐC được cấp Thẻ thành viên và phải do người được doanh nghiệp chỉ định là Đào tạo viên giảng dạy. Doanh nghiệp sẽ cử người học tại cơ sở đào tạo có chương trình được công nhận. Chỉ những người hoàn thành bài kiểm tra và được Bộ Công Thương cấp xác nhận kiến thức đào tạo kiến thức pháp luật về BHĐC mới được doanh nghiệp lựa chọn và chỉ định làm Đào tạo viên.

Thứ tư, quy định về cấp phép cho hội nghị, hội thảo, đào tạo về BHĐC cũng thay đổi đáng kể. Theo quy định tại Nghị định 40, các chương trình hội nghị, hội thảo, đào tạo về BHĐC có sự tham dự của từ 30 người trở lên hoặc có sự tham dự của từ 10 người tham gia bán hàng đa cấp trở lên, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thông báo tới Sở Công Thương tối thiểu 15 ngày làm việc trước khi thực hiện.

Thứ năm, doanh nghiệp BHĐC phải có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia BHĐC, trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động BHĐC của doanh nghiệp. Hệ thống công nghệ thông tin này phải được vận hành trên máy chủ đặt tại Việt Nam.

Thứ sáu, số lượng hành vi bị cấm của doanh nghiệp BHĐC cũng rút gọn và tập trung vào các hành vi tiêu biểu (giảm từ 18 xuống còn 13). Trong đó, đáng chú ý nhất là quy định về thực hiện khuyến mại. Theo đó, Doanh nghiệp bị cấm thực hiện khuyến mại sử dụng mạng lưới gồm nhiều cấp, nhiều nhánh mà trong đó người tham gia chương trình khuyến mại có nhiều hơn một vị trí, mã số hoặc các hình thức tương đương khác.

Thêm vào đó, người tham gia BHĐC còn có quyền trả lại hàng hóa đã mua từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bao gồm cả hàng hóa được mua theo chương trình khuyến mại, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng.

Nguồn: Bộ Công thương 

Nhóm Phóng viên Kinh tế – Báo PLVN
Link: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/ban-2-trieu-mot-bo-san-pham-quotthan-duoc-xu-muongquot-tra-thuong-nhieu-de-lam-gi-3487/



Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top