Bất ngờ: Người dân ở TP.HCM và Đồng Nai có tuổi thọ cao nhất cả nước

Tổng cục Thống kê cho biết trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước, người dân ở 5 địa phương có tuổi thọ trung bình trong giai đoạn 2016-2020 ở mức cao là Đồng Nai, TP.HCM (cùng 76,5 năm); Bà Rịa – Vũng Tàu (76,4 năm); Đà Nẵng (76,1 năm) và Tiền Giang (75,9 năm).

Địa phương có số tuổi thọ của người dân ở mức thấp là Lai Châu, Kon Tum, Hà Giang, Điện Biên và Quảng Trị.
“Nhìn chung tuổi thọ trung bình của các địa phương tăng dần qua các năm. 56 địa phương có tuổi thọ tính từ lúc sinh năm 2020 cao hơn năm 2016; chỉ có 3 địa phương không thay đổi và 4 địa phương có mức giảm”, Tổng cục Thống kê nêu trong báo cáo về chỉ số phát triển con người, công bố ngày 31/3.

Người dân TP.HCM có chỉ số sức khỏe cao nhất cả nước
Theo đó, những địa phương có tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh không thay đổi hoặc giảm chủ yếu là do biến động mạnh về cơ cấu dân cư trên địa bàn, thể hiện rõ ở tỷ suất nhập cư, xuất cư cao trong những năm 2016-2020.

Đáng lưu ý, hầu hết địa phương có tuổi thọ tăng với mức cao nhất trong những năm vừa qua là địa phương có tuổi thọ thấp, sinh sống ở miền núi, vùng cao.

Do tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh tăng nên chỉ số sức khỏe của các địa phương đều đạt khá cao. Năm 2020, người dân ở TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu có chỉ số sức khỏe cao nhất cả nước. Trong khi người dân ở địa phương có chỉ số sức khỏe đạt mức thấp hầu hết tập trung trên địa bàn trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.

Về chỉ số giáo dục, Tổng cục Thống kê chỉ ra việc này được tính dựa trên chỉ tiêu số năm đi học bình quân và số năm đi học kỳ vọng. Nhìn chung, hai chỉ tiêu này phần lớn địa phương duy trì được mức tăng.

Những địa phương có số năm đi học bình quân và số năm đi học kỳ vọng đạt cao tập trung chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng và một số địa phương vùng Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung.

Phần lớn các địa phương vùng Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, trung du và miền núi phía Bắc có số năm đi học bình quân và số năm đi học kỳ vọng tuy tăng qua các năm, nhưng vẫn ở mức thấp.

Những địa phương có chỉ số giáo dục thấp tập trung trên các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới; phản ánh tình trạng bất bình đẳng về tiếp cận dịch vụ giáo dục ít được cải thiện. Chỉ số giáo dục năm 2016 của Hà Nội gấp 1,79 lần Lai Châu và gấp 1,63 lần Hà Giang. Đến năm 2020, các tỷ lệ này vẫn còn ở mức cao, tương ứng là 1,74 lần và 1,57 lần.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top