Bs Nguyễn Văn Tuấn – Tỉ lệ bình phục từ covid ở Việt Nam quá thấp?

 

Biểu đồ trên: Tỉ lệ hồi phục (tính đến ngày 5/9/2021) ở các nước trong vùng và Ấn Độ. Việt Nam có tỉ lệ bình phục thấp nhứt so với các nước trong vùng. Biểu đồ dưới: Tỉ lệ tử vong tính trên số ca bình phục ở các nước trong vùng và Ấn Độ. 

Một điều ngạc nhiên là trong trận dịch này, tỉ lệ người nhiễm và bình phục ở Việt Nam chỉ 55%, rất thấp so với trung bình thế giới (~90%).

Con số tử vong ở Việt Nam, tính đến nay, đã lên đến 12793 người. Ở Thái Lan, con số tử vong là 12631 người, nhưng Thái Lan có số ca nhiễm cao gấp >2 lần Việt Nam. Do đó, bị nhiễm covid ở Việt Nam xem ra có nguy cơ chết cao hơn Thái Lan rất nhiều.

Tuy nhiên, còn một con số khác ít ai chú ý: số ca bình phục. Số ca bình phục, nếu được ghi nhận chính xác, có thể phản ảnh phác đồ điều trị hay/và năng lực và chất lượng của hệ thống y tế của một nước.

1. Tỉ lệ bình phục thấp

Tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 511,170 ca nhiễm/dương tính, và số người bình phục là chỉ 55% (n = 282516). Con số 55% này rất thấp nếu so với tất cả các nước trong vùng và Ấn Độ (dao động từ 85% đến 97%).

Điều này cho thấy nếu chúng ta tính toán tỉ lệ tử vong trên số ca nhiễm có lẽ không tốt mấy. Cách khác là tính trên số outcome. Mà, outcome thì có 2 loại: chết và bình phục. Nói cách khác, cách tính tỉ lệ tử vong thực tế hơn là:

số ca tử vong / (số ca tử vong + số ca bình phục)

Biểu đồ dưới đây cho thấy tỉ lệ tử vong ở Việt Nam (4.3%), cao nhứt so với tất cả các nước trong vùng. Số ca nhiễm ở Thái Lan (1.26 triệu) và Mã Lai (1.82 triệu), nhưng hai nơi này có tỉ lệ bình phục xấp xỉ 90%, và do đó, tỉ lệ tử vong khá thấp: chỉ 1.1%.

Phân tích như thế mới thấy Việt Nam bị nặng nề nhứt. Tỉ lệ bình phục là một chỉ số phản ảnh một phần về năng lực và chất lượng của hệ thống y tế, và những con số này có thể nói lên rằng hệ thống y tế của Việt Nam có vấn đề trong việc đáp ứng đại dịch.

2. “Chết vì virus” hay “chết với virus”?

Không biết ở Việt Nam thì sao, nhưng ở Úc này đa số (hơn 70%) những ca tử vong covid là có các bệnh đi kèm. Bệnh đi kèm phổ biến nhứt là

viêm phổi

bệnh đường hô hấp khác

suy đa tạng

suy thận mãn tính

ung thư

tiểu đường

mất trí nhớ (dementia)

Điều này có nghĩa thực tế là rất khó xác định covid19 là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp của tử vong. Chẳng hạn như một bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối và sau đó bị covid19 và chết, thì theo qui định hiện hành bác sĩ phải ghi là “Chết vì covid19”. Nhưng rất có thể bệnh nhân chết vì ung thư, và covid19 chỉ là thủ phạm bồi thêm. Tôi hay ví von là bệnh nền như là súng đã lên đạn, và covid19 là nó bóp cò.

Tỉ lệ những bệnh đi kèm ở những ca tử vong ở Úc. Trong số những ca tử vong với covid, 41% bị chứng mất trí nhớ, 32% mắc bệnh tim mạch, 17% tiểu đường, 16% cao huyết áp, 15% bệnh đường hô hấp, 12% ung thư và ~7% bệnh xương khớp. Nguồn: https://www.abs.gov.au/articles/covid-19-mortality-0 
Do đó, trong các bài viết tôi dùng mệnh đề “tử vong có liên quan đến covid”, chớ tôi không viết “tử vong vì covid”.
Thật thú vị, hôm kia một quan chức y tế Úc mới nhận ra điều này, và bang NSW từ nay trở đi sẽ dùng mệnh đề “chết với virus” (“die with virus“), chớ không phải “chết vì virus” hay “die from virus”).
Tôi nghĩ đó là một phát kiến sáng suốt dù hơi trễ. Tôi thì đã dùng cách nói này từ năm ngoái. Từ nay trở đi, chúng ta nên học cách “live and die with the virus” — “sống và chết cùng với virus“.
_____
Số liệu về bệnh nền ở các ca tử vong ở Úc: https://www.abs.gov.au/articles/covid-19-mortality-0
Đổi cách nói về tử vong và covid: 
https://www.dailymail.co.uk/news/article-9937169/Coronavirus-Australia-NSW-Health-switches-recording-deaths-instead-Covid.html
https://www.facebook.com/t.nguyen.2016 
Trên trang web https://nguyenvantuan.info/ bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn tự giới thiệu như sau: 
Chức vụ chánh của tôi là Senior Principal Fellow (còn gọi là Australia Fellow) thuộc Hội đồng Quốc gia về Y tế và Y khoa Úc. Ngoài ra, tôi còn giữ chức Giáo sư về loãng xương thuộc Khoa Y, ĐH New South Wales; Giáo sư Y khoa tiên lượng thuộc ĐH Công nghệ Sydney (UTS); và Giáo sư kiêm nhiệm về dịch tễ học và thống kê học thuộc ĐH Notre Dames. Ở Việt Nam, tôi được bổ nhiệm hay trao chức danh Giáo sư xuất sắc của ĐH Tôn Đức Thắng, Giáo sư Danh dự của ĐH Dược Hà Nội, và giáo sư thỉnh giảng ở một số đại học Âu châu và Á châu.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top