Khi đồng vốn cần xoay vòng để đảm bảo duy trì cuộc sống hàng ngày cho nhân viên và gia đình, những ông chủ thường dễ tính trong việc quyết định bán cổ phần hoặc bất động sản. Đó là lúc người mua được giá hời.
Bất động sản bán tháo
Gần cuối năm 2013, Trần Như Trung – Phó Giám đốc công ty TNHH Savills Việt Nam, tuyên bố xanh rờn: “Năm 2014 là năm đáy của bất động sản!”. Từ đó đến nay, thị trường BĐS gần như chưa tìm ra lối thoát nào ngoài liều thuốc tinh thần từ gói 30.000 tỉ tưởng tượng.
Đầu năm 2014 vừa đến, thị trường BĐS lại “lên cơn” đói thuốc vì số lượng nhà tồn kho không biết bán thế nào. Theo thống kê của giới thạo tin BĐS, con số hàng tồn căn hộ từ các dự án đã lên đến 20.000 căn, riêng HN và TP.HCM chiếm hơn 2/3. Cùng với lượng hàng tồn, các chủ đầu tư phải è cổ trả lãi suất từ 14-15%/ năm.
Trong vài trò người mua nhà đầu năm, người viết bài được một cò đất ở Bình Thạnh khuyên nên mua nhà đã được phân lô bán nền vì giá rẻ hơn nhà đất riêng của người dân và cũng dễ mua hơn. Rõ ràng, lượng hàng tồn từ dự án thật sự cần khách và sẵn sàng bán rẻ hơn cho bất kì ai có nhu cầu thật.
Nhận xét về đáy của thị trường BĐS, nhiều chủ dự án cao cấp và đất phân lô bán nền vẫn còn hoan hỉ vào tương lai do việc đặt mua giữ chỗ khá thành công. Tuy nhiên, với phân khúc căn hộ đã hoàn thành, giá từ 10 triệu đến 16 triệu/m2 rất ít người mua thành công. Thậm chí, đối với phân khúc nhà xã hội, giá từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng/m2 và diện tích căn hộ nhỏ dưới 50m2 cũng không phải dễ bán. Như vậy, đáy của thị trường BĐS đầu năm 2014, có khả năng đã chạm đến phân khúc trung bình.
Ngược với tình trạng các dự án bán lẻ đến tay người sử dụng khó khăn, việc thương lượng và ngã giá san nhượng dự án diễn ra khốc liệt. Dự án 4s Linh Đông của công ty Thành Trường Lộc được đánh giá cao như một riverside giá rẻ. Giữa năm 2013, dự án này đã được Đất Xanh độc quyền phân phối.
Thế nhưng, không lâu sau đó, đến cuối năm 2013, Đất Xanh nhanh chóng thoái vốn từ các công ty con và san nhượng luôn 4 dự án khác. Đất Xanh chuyển nhượng dự án khu dân cư Tân Vũ Minh – Bình Dương với giá 70 tỷ đồng và bán hết cổ phần tại công ty con Lý Khoa Nguyên, thu về 41,7 tỷ đồng. Cũng trong thời gian đó, Licogi 16 đã công bố chuyển nhượng dự án Sky Park Garden, công ty cổ phần Xây dựng và phát triển đô thị Bà Rịa – Vũng Tàu chuyển nhượng toàn bộ dự án chung cư Bàu Sen.
Trong lúc nhà dự án đang quá rẻ, nhà riêng cũng quá khó khăn khi bán. Một người bạn muốn bán ngay căn nhà nhỏ trong hẻm để giải quyết nợ lương nhân viên đã rao với giá thấp hơn 30% giá mua năm ngoái đã không thể bán được nhà trong suốt 6 tháng cuối năm 2013. Cò đất khuyên anh nên hạ xuống 50% cho dễ bán. Căn nhà từ 1,2 tỉ đã nhanh chóng bán với giá… 650 triệu đồng. Ngày đặt bút kí giấy bán căn nhà, anh bạn đã suýt khóc vì tiếc. Khi vội mắc tội chuyện thường!
Năm 2014, nếu thị trường BĐS thật sự chạm đáy, chắc chắn giá sẽ rẻ và là cơ hội cho người có tiền mua được giá hời. Tuy nhiên, bán tháo với giá quá rẻ sẽ làm mất cơ hội tái đầu tư, mất đi tiền đề cho sự phát triển kinh tế trong tương lai.
Chứng khoán bất ngờ nổi sóng thần
Sau 3 năm ngủ mơ, bất ngờ tuần vừa qua, chứng khoáng đã đạt đỉnh khi khớp lệnh giao dịch 14.096 tỷ đồng, gần với kỷ lục đạt đỉnh 16.596 tỷ đồng trong tuần 13/12-17/12/2010. Đáng lưu ý, trong tuần giao dịch kỷ lục này thanh khoản được duy trì khá đều qua các phiên. Trừ phiên đầu tuần 10/2 giao dịch ở mức hơn 2.100 tỷ đồng giá trị khớp lệnh, 3 phiên cuối tuần thị trường vẫn đạt quanh ngưỡng 3.000 tỷ đồng.
Trong bất kì thị trường nào, khi các đợt giao dịch đạt đỉnh liên tục luôn là điều đáng quan tâm. Nhất là trong thời gian vừa qua, số lượng cổ phiếu trong nước có giá rẻ mạt giao dịch mãi không ai mua đã tạo tâm lý chung kéo giá các cổ phiếu xuống và kéo thị trường vào cơ khát bán tháo khi có khách. Những lúc này, giống như thị trường BĐS, ai có tiền mặt tha hồ lựa chọn và ép cho ra giá hời.
Nhìn vào thị trường tiền tệ hiện tại, nhiều doanh nghiệp lắc đầu vì tiền mặt khan hiếm. Không ít người đứng ngoài cuộc lo lắng với con số khớp lệnh công bố và hoài nghi vào tính xác thực. Vậy thì số tiền khớp lệnh mua cổ phiếu là từ dòng tiền ngoại chăng? Câu trả lời hoàn toàn sai! Trong tổng giá trị khớp lệnh 14.096 tỷ đồng tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài chỉ đóng góp xấp xỉ 1.010 tỷ đồng, chiếm hơn 7%. Vì vậy, những câu hỏi khó hiểu nhất tuần qua của thị trường chứng khoán: Tiền ở đâu nhiều vậy? Vẫn còn người có nhiều tiền thế sao? Bây giờ mua cổ phiếu lời hơn đất chăng?
Tuần vừa qua, phiên giao dịch ngày 20/2, trên sàn HSX khối lượng giao dịch đạt 259.679.130 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ được chuyển nhượng có tổng trị giá 4.031,64 tỷ đồng. Có thể xác lập đây là ngày giao dịch đạt đỉnh nhất từ trước đến nay trên sàn. Tìm hiểu thêm, ngày giao dịch này đã bắt đầu từ những tin đồn vỡ trận chứng khoán vì sự điều chỉnh từ các công ty chứng khoán. Thế là các phiên giao dịch bán tháo diễn ra trong cảnh hỗn độn hoảng loạn. Sự thành công của 4.000 tỷ đồng chuyển nhượng nằm ở chỗ này: Có kẻ loan tin, có người bán tháo và có hàng loạt nhà đầu tư trong nước chờ sẵn nhảy vào hốt hết.
Nhìn bề ngoài, thị trường chứng khoáng tưởng như an toàn nhất nhưng qua các phiên giao dịch tuần qua, rõ ràng đã lộ rõ sự mong manh dễ vỡ. Nếu thị trường chứng khoán vỡ ngay lúc thị trường BĐS xuống đáy, người tưởng mua được giá hời cũng vỡ mộng có nghĩa tất cả tiền còn sót lại trong người dân và các nhà đầu tư đang đổ vào chứng khoáng sẽ bốc hơi, chuyện gì sẽ xảy ra?
Nói một cách bay bổng hơn, thị trường đáy rất dễ là mồ chôn tập thể cho các tay lướt sóng đang vui mừng tưởng đã trôi đến đất liền, ai ngờ lại lênh đênh trở ra ra đại dương một mình!