Thị Nghè là một địa danh có bề dày lịch sử gắn liền với vùng đất Gia Định – Sài Gòn từ hơn 200 năm qua. Thị Nghè xưa là vùng đất cao được bao quanh bởi sông Sài Gòn và nhiều con rạch, nằm trên đường thiên lý Bắc Nam được lập từ năm 1748. Vùng Thị Nghè xưa là nơi có ruộng tịch điền, có đàn xã tắc, có miếu thờ Thần Nông, đàn Tiên Nông (nay là khu vực Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè), có Văn Thánh miếu thờ Khổng Tử, Trường tỉnh Gia Định (nay là khu vực Văn Thánh)… Trên địa bàn Thị Nghè xưa cũng đã từng có các cơ sở công nghiệp như hãng chén (nay là Công ty Sứ Thiên Thanh), hãng dầu Phú Mỹ, hãng ô tô buýt (nay là Trường Phú Mỹ, gần cầu Ngô Tất Tố)…
Rạch Thị Nghè được tính từ cầu Nguyễn Văn Trỗi đến sông Sài Gòn, dài chừng 4,5 km. Trong Gia định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức mô tả rạch Thị Nghè chi tiết như sau: “Sông Bình Trị, tục gọi là sông Bà Nghè ở địa phận tổng Bình Trị, về phía Bắc Trấn, từ sông Tân Bình quanh sau trấn lỵ đến cầu Ngang, ngược dòng lên tây độ bốn dặm rưỡi đến cầu Cao Miên (tức cầu Bông hiện nay), chảy về tây bắc độ hai dặm đến chợ Bà Chiểu, chảy về nam độ bốn dặm đến Phú Nhuận, sáu dặm rưỡi nữa đến cầu Huệ là cùng nguyên. Nơi đây có nhiều ao vũng…”.
Trước khi có tên gọi Bà Nghè, Thị Nghè thì tên rạch được người Khmer gọi là Prêk Kompon Lu, sau đó người Việt gọi là rạch Nghi Giang, rạch Bình Trị. Cầu Thị Nghè và chợ Thị Nghè đều do bà Nguyễn Thị Khánh cho xây dựng từ đầu thế kỷ 18. Đến năm 1838 cầu được sửa chữa lại. Bấy giờ chợ Thị Nghè là nơi giao thương rộn rịp bậc nhất nhờ thuận tiện giao thông thủy lộ. Năm 1837, Sở thuế Thị Nghè đã thu được số tiền thuế cao nhất nhì Nam Kỳ bấy giờ với hơn 13.000 quan tiền. Nhưng sau này thời thuộc Pháp, với sự phát triển nhanh chóng của TP Sài Gòn, những ngôi chợ lớn nằm ở vị trí đắc địa như Bình Tây, An Đông, Hòa Bình… trở thành chợ đầu mối giao thương thì chợ Thị Nghè, cũng như chợ Bà Chiểu gần đó, đều thuộc tỉnh Gia Định, chỉ phát triển ổn định là những ngôi chợ bán lẻ dành cho người tiêu dùng trong khu vực thôi. Nhưng chợ Thị Nghè, cầu Thị Nghè lại là những địa danh gắn liền với lịch sử Gia Định – Sài Gòn trong hàng trăm năm qua.
Cầu Thị Nghè là cây cầu bắc qua rạch Thị Nghè, nối quận 1 và quận Bình Thạnh. Cầu có chiều dài 105,2 mét, rộng 17,6 mét. Có dải phân cách giữa 4 làn xe chạy. Cầu xưa kia do bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân xây để chồng tiện đường qua Sài Gòn làm việc
Ảnh: lovesaigon1698@gmail.com