Nếu môi trường kinh doanh của doanh nghiệp đang có nhiều biến động và chiến lược phát triển định hướng quá ngắn, thiếu một hướng đi bền vững thì chuyện nảy sinh những nhân viên cần lấy thành tích, tranh thủ cơ hội là chuyện hiển nhiên không tránh khỏi. Đặc biệt ngân hàng được coi là trái tim của nền kinh tế muốn trong sạch và thanh lọc bộ máy, rất cần những con người có TÂM huyết thực sự. Chữ TÂM không chỉ là hành vi ứng xử có đạo đức trong kinh doanh mà còn là nhân tố quan trọng trong việc hoạch định chiến lược phát triển bền vững tại mỗi doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng.
1. Môi trường kinh doanh và cái TÂM trong sáng
Hiện nay, để duy trì hoạt động kinh doanh đã khó, thực hành đạo đức trong kinh doanh nhằm đạt hiệu quả là chuyện khó hơn. Bởi lẽ “thương trường là chiến trường”, ở đó con người không ngại dùng mọi thủ đoạn, mọi cách thức để đạt được mục đích của mình.
Vì vậy, để thực hiện TÂM trong kinh doanh, các doanh nghiệp, ngân hàng không những phải đưa ra các chiến lược phát triển lành mạnh mà cần phải xem xét tài trợ dự án đó có lợi cho xã hội, cho đất nước, có gây thiệt hại môi trường sống hôm nay và mai sau hay không? Đã có biết bao cảnh báo về môi trường mà hậu quả là lũ lụt, là những dòng sông chết vì chất thải công nghiệp như vụ nhà máy Vedan xả nước thải chưa qua xử lý gây đầu độc con sông Thị Vải trong 14 năm… cùng những thiệt hại khác.
Một số người kinh doanh không có “tâm”, chỉ biết làm sao kiếm được nhiều tiền, họ đã bị lòng tham chi phối trong kinh doanh. Ai cũng vậy dù làm kinh doanh hay bất kỳ công việc gì mà không tôn trọng đạo đức con người, không mang lại lợi ích cho mình và cho người khác thì sớm muộn gì cũng mang rắc rối cho bản thân, cho người xung quanh và cho toàn xã hội. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta xem thường họ mà đó là bài học để chúng ta ngăn ngừa bản thân, không vấp phải.
Người làm trong môi trường kinh doanh với cái TÂM trong sáng, lợi mình lợi người, thấy được những quy luật, những chuyển biến của cuộc đời và ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày thì người đó sẽ có nhiều niềm vui trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đó mới là phương thức kinh doanh bền vững, hiệu quả.
Con người từ khi sinh ra ai cũng có nhu cầu về vật chất và tinh thần. Khi lớn lên, càng tiếp xúc với xã hội nhiều thì nhu cầu lại tăng lên theo thời gian (5 tầng tháp nhu cầu của Maslow). Trong môi trường kinh doanh, nhu cầu đó là hoàn toàn chính đáng và không hề mâu thuẫn với mục tiêu phát triển của doanh nghiệp, khi ta mang lại lợi ích cho doanh nghiệp thì sẽ được hưởng những giá trị do ta tạo ra.
Văn hóa doanh nghiệp là tổng hòa các quan niệm về giá trị được tạo ra từ đạo đức, ý tưởng kinh doanh, triết lý kinh doanh, mục đích kinh doanh, phương pháp và hiệu quả phục vụ cho chính những con người cần cù lao động sáng tạo để tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội…Văn hóa doanh nghiệp không đòi hỏi cán bộ, nhân viên phải luôn hy sinh lợi ích cá nhân cho tập thể mà ngược lại, con người vẫn có quyền khao khát lợi ích cá nhân. Tuy nhiên, phải tận tụy, nhiệt tình trong công việc, vì những người ta có trách nhiệm phục vụ. Bởi lẽ, chế độ đãi ngộ và thu nhập của cán bộ, nhân viên từ thu nhập của tổ chức, từ khách hàng. Khi nhận những lợi ích đó, phải có trách nhiệm với những người đã trao cho chúng ta để có đủ phương tiện làm việc, tồn tại, thậm chí làm giàu. Nếu sống vì lợi ích cá nhân thì hãy sống từ cái chân, thiện, mỹ trong trái tim tràn đầy nhân văn của mỗi con người.
Văn hóa dựa trên cơ sở cách thức ứng xử của mỗi thành viên trong doanh nghiệp mà biểu hiện là các hành vi quản lý lao động, sáng tạo lao động và các hoạt động của doanh nghiệp phải phù hợp với các quy định của pháp luật. Bởi vậy, để văn hóa doanh nghiệp không bị mang ra tranh luận nên chăng có những chuẩn mực quy định không được trừu tượng hóa và phải rõ ràng như một thứ luật lệ thành văn bản rõ ràng. Và để doanh nghiệp phát triển cần hài hòa và điều tiết lợi ích của cá nhân gắn liền với lợi ích tập thể. Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì cần đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể.
Ngoài ra, giá trị cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp là “lấy con người làm gốc”, “phát triển toàn diện con người”. Con người ở đây là cán bộ, nhân viên, khách hàng, xã hội.
Gốc rễ của mọi hành vi thiếu văn hóa với khách hàng hay đồng nghiệp, ngoài những yếu tố khách quan như thời tiết nóng nực, gần hết thời gian làm việc, đã đến giờ khóa sổ…trong khi khách hàng vẫn còn đông, mà còn từ nguyên nhân chủ quan từ bản thân doanh nghiệp, ngân hàng như nhân viên chưa qua đào tạo bài bản về giao tiếp, xuất phát từ định hướng kinh doanh của doanh nghiệp, ngân hàng đó…
Một lần nọ người viết bài này nhận được lời cầu cứu gửi tiền về ngân hàng X của đứa cháu người quen mới ra trường đang thực tập (không biết người viết bài cũng làm ngân hàng). Lời mời khá đơn giản, chỉ cần chuyển 1-2 tỉ về, hôm sau rút ra cũng được. Người viết buộc miệng hỏi làm thế để làm gì vậy? Câu trả lời đơn giản như đang giỡn: Cháu mới về thực tập, doanh số áp 9 tỉ tiền gửi mỗi tháng nên chỉ cần giúp cháu đủ doanh số thôi. Sau khi tìm hiểu, người viết phát hiện ra nếu không đủ doanh số, sau vài tháng cháu sẽ bị chấm dứt thực tập ở đây và không có cách nào lấy lại số tiền đã “đặt cọc” cho người dẫn vào nộp hồ sơ. Nực cười hơn, nhân viên kinh doanh chính thức của chính ngân hàng đó bị áp doanh số thấp hơn gần một nửa. Với một sinh viên vừa ra trường bị áp ngay con số 9 tỉ/tháng, chắc tỉ lệ hoàn thành công việc này cực kỳ thấp. Nhất là trong thời buổi tiền mặt khan hiếm, lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để gửi vào? Rồi việc gửi vào, rút ra ngay ngày hôm sau cũng chẳng giúp ích gì cho sự phát triển của hệ thống ngân hàng mà còn mất công sức, thời gian và lãng phí giấy tờ các loại.
Thế thì, suy cho cùng, những ngân hàng áp dụng cách tuyển chọn nhân sự này có phải vì mục đích tìm được người tài không? Hay là tạo điều kiện cho tiêu cực xuất hiện? Những người tư duy ra cách tuyển dụng này, có phải hướng đến sự phát triển bền vững không?
Nếu những sinh viên thực tập như ở đề cập ở trên thành công và bám trụ được bằng cách vận động người nhà gửi vào rồi rút ra liên tục thì có phải ngân hàng đó sắp sở hữu những nhân sự có vấn đề ngay từ đầu vào tuyển dụng? Rồi những nhân viên như thế này, sản sinh từ môi trường lao động khắc nghiệt bất chấp thực tế sẽ có cách đối xử rất nhân văn – văn hóa với những khách hàng theo kiểu nào đây?
Chỉ với một chủ trương tuyển dụng nhân sự có vấn đề, lập tức có hàng loạt hậu quả có thể trở thành căn bệnh ung thư dai dẳng 5 năm, 10 năm hoặc 20 năm sau. Rõ ràng cái cây được trồng trong môi trường thiếu dưỡng khí cần hướng đến nơi có ánh sáng. Đó là đấu tranh sinh tồn. Là môi trường kinh doanh nội tại của ngân hàng phải sạch để nhân viên không chèn ép nhau, hướng khách hàng lừa dối chính ngân hàng mình. Để xây dựng môi trường như vậy, cần lắm những khối óc chuyên nghiệp và một cái TÂM trong sáng không vẩn đục. Giống như bản ngã con người, sinh ra ai cũng thiện, chỉ có cuộc sống xô đẩy mới phát sinh người ác, kẻ gian.
2. Người có TÂM tạo nền tảng phát triển bền vững cho mỗi ngân hàng
Lợi thế cạnh tranh giữa các tổ chức, ngân hàng thường thể hiện ở sản phẩm dịch vụ cung cấp cho khách hàng, công nghệ hiện đại, vốn, phương thức quản lý…Tất cả những thứ đó đều do con người tạo nên. Như vậy, suy cho cùng sự cạnh tranh giữa các tổ chức, ngân hàng là cạnh tranh về con người. Con người là nhân tố quyết định sự thành bại của mỗi tổ chức, ngân hàng và người đứng đầu tổ chức phải hiểu rằng “cống hiến, thụ hưởng và tôn vinh” đó là 3 quyền cơ bản của mỗi cán bộ, nhân viên. Nếu như các ngân hàng thiếu chữ TÂM làm sao có thể xây dựng được đội ngũ nhân sự vững chắc cho chính bản thân ngân hàng, thiếu chữ TÂM đội ngũ nhân sự chưa thể trở thành tài sản thật sự của ngân hàng. Chữ TÂM là nền tảng vững chắc để phát triển bền vững cho mỗi ngân hàng.
Phát triển bền vững đó là sự phát triển về mọi mặt trong hiện tại nhưng vẫn bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa. Đây là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới, mỗi quốc gia sẽ dựa theo đặc thù kinh tế, xã hội, chính trị, địa lý, văn hóa riêng để hoạch định chiến lược phù hợp nhất. Sự phát triển bền vững có thể đánh giá bằng những chỉ tiêu nhất định về kinh tế, tài nguyên thiên nhiên, chất lượng môi trường và tình trạng xã hội.
Sự phát triển bền vững trong ngành ngân hàng được hiểu là khả năng khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên, nhân lực, vốn, công nghệ, hệ thống Marketing, quản trị rủi ro, hoạch định chiến lược kinh doanh, danh mục sản phẩm dịch vụ… thích ứng với môi trường kinh doanh để phát triển ổn định qua các năm. Các nguồn tài nguyên của NHTM chính là các yếu tố tạo nên năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Các yếu tố trên sẽ không bao giờ bền vững nếu thiếu chữ TÂM. Thiếu cán bộ, nhân viên có TÂM, doanh nghiệp, ngân hàng sẽ khó mà có sản phẩm đạt được chất lượng như mong đợi, thiếu chữ TÂM sẽ khó mà lay động trái tim của khách hàng.
Ngân hàng có lúc này lúc khác, cuộc sống có lúc thăng lúc trầm, nếu gặp khó khăn mà đã động lòng, không nhất quán về chữ TÂM, không có những cán bộ, nhân viên có TÂM trong sáng thì các ngân hàng sẽ khó phát triển bền vững, khó để về đến đích một cách vinh quang. Xã hội yêu cầu mỗi người lao động dù làm ở lĩnh vực nào cũng phải có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp. Ngày nay, trong thời đại mới, chỉ số quan trọng của đạo đức nghề nghiệp là luôn luôn có năng suất lao động cao, hòan thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; toàn tâm toàn ý đối với công việc; hết lòng vì quyền lợi của người lao động.
Vậy điều gì đã làm nên thành công của mỗi doanh nghiệp, ngân hàng. Đó chính là sự cộng hưởng của những trái tim và giá trị nhân bản về một môi trường sống mà những người lao động hướng đến. Người lao động sống chân thành, tử tế, đạo đức, giá trị của người lao động không ngừng tăng lên từ chính những việc làm và đóng góp của họ cho doanh nghiệp, ngân hàng. Đối với người lãnh đạo phải biết lắng nghe, học tập mọi đối tượng, mọi lứa tuổi vì mỗi con người có kho tàng kiến thức, kỹ năng…quý báu mà người lãnh đạo cần học tập. Để tổ chức phát triển bền vững cần chiến thắng nhân tâm nơi những người cùng cộng tác, cùng làm việc, tôn trọng cán bộ nhân viên, bảo vệ họ, biết lắng nghe ý kiến của họ.
Năng lực giao tiếp là trọng yếu đối với một cán bộ, nhân viên ngân hàng giỏi. Đó là khả năng thể hiện bản thân, biết tiến, lui đúng lúc trong quá trình giao dịch, đàm phán, nắm bắt nhanh suy nghĩ của khách hàng. Hơn nữa, cán bộ nhân viên ngân hàng cần nhẹ nhàng, mềm mỏng và quyết đoán khi cần thiết để thuyết phục khách hàng. Năng lực này cần được rèn luyện thường xuyên, kết hợp với nền văn hóa phong phú của ngân hàng và kiến thức chuyên môn vững vàng.
Gần đây, trước sự biến động của nhiều ngành nghề, việc cắt giảm dòng “tiền ảo” để hạn chế chi tiêu không kiểm soát được nhiều cá nhân lựa chọn. Một khách hàng đến ngân hàng để chấm dứt sử dụng dịch vụ trả tiền qua thẻ, nhân viên có TÂM sẽ từ từ giải thích tiện ích của các loại hạn mức khi sử dụng Thẻ. Thay vì khách hàng chấm dứt luôn việc sử dụng thẻ thì có thể hạ hạn mức, tránh việc tốn kém nếu sau này phải làm lại từ đầu. Hoặc nhân viên ngân hàng sẽ giới thiệu thêm chính sách mới nhân dịp các ngày lễ, kỷ niệm, thêm ưu đãi cho khách hàng. Chẳng hạn nhân dịp Quốc tế Lao động 01/5 vừa qua, Agribank miễn phí 100% phí phát hành thẻ Visa mới (phát hành lần đầu) trong thời gian 2 tháng kể từ ngày 01/5-hết ngày 30/6/2014.
Rõ ràng, mỗi doanh nghiệp kinh doanh một mặt hàng đặc thù đều cần những người phát ngôn được đào tạo bài bản để nắm vững tâm lý khách hàng và ứng xử phù hợp. Và chỉ có những cán bộ, nhân viên tận tụy, trung thành, không đến với doanh nghiệp vì lợi ích trước mắt, lợi ích cá nhân mới có được khả năng tư duy, phát triển và ứng biến trước mọi tình huống.
Ngân hàng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế. Sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế các ngân hàng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trở ngại, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực được coi là một trong những trở ngại khó vượt qua của ngành ngân hàng. Ở công việc nào, ngành nghề gì cũng đòi hỏi tính trung thực, song đối với ngân hàng đòi hỏi này là yêu cầu tiên quyết. Với vai trò quan trọng đó, vấn đề đạo đức đối với mỗi nhân lực ngân hàng được đặt lên hàng đầu. Muốn sàng lọc và duy trì đội ngũ cán bộ trong sạch, mỗi ngân hàng cần có những biện pháp giáo dục chữ TÂM ngay từ đầu đối với mỗi nhân viên ngân hàng.
Có thể nói: Muốn có được tất cả từ văn hóa doanh nghiệp đến môi trường đầu tư, cái gốc vấn đề vẫn là nhân sự đã được chọn lọc và tuyển lựa từ những chuẩn mực nào. Bác Hồ – vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta từng nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Mất thời gian một chút, đầu tư nhiều hơn một chút cho việc trồng người để vài năm nữa có những người có TÂM cho chính doanh nghiệp, ngân hàng mình, vì cớ gì không làm ngay từ bây giờ?
Năm 2014
TS. Nguyễn Văn Phận
Giám đốc Agribank Chi nhánh Tân Bình