Chuyện tình Khau Vai có là cứu cánh cho cải lương hồi sinh?

Trong lúc cải lương đang chết dần ở các tỉnh phía Nam, nơi sản sinh ra nghệ thuật bình dân này, thì ở phía Bắc đang nóng hổi với vở cải lương Chuyện tình Khau Vai. 

Cải lương chết mòn trên quê hương
Khi Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận như người sắp chết đuối vớ được cọc, nhiều người mộ điệu bỗng bâng khuân với câu hỏi: Không biết khi nào cải lương được UNESCO công nhận? Cải lương cũng đang cần những cứu cánh và loay hoay tìm đường cho riêng mình. 
Theo dòng thời gian và lịch sử hình thành, cải lương được sản sinh ra từ Đờn ca tài tử. Ngược lại, từ cách trình diễn gần gũi và tính ứng dụng trong đời sống hàng ngày, Đờn ca tài tử lại cóp nhặt tinh túy từ những vỡ cải lương để lựa chọn những bản nhạc hay nhất khi trình diễn. Những nghệ nhân, người hát đều thích hát đi hát lại các bản tân cổ giao duyên nổi tiếng từ các tuồng tích cải lương. Cứ như thế, Đờn ca tài tử vẫn sống loanh quanh trong làng xóm, dù không còn rầm rộ như ngày trước nhưng chưa đến nỗi chết dần mòn vì mất công chúng như cải lương. 
Từ ngày được UNESCO công nhận, Đờn ca tài tử bỗng trở nên mạnh mẽ hơn với chiến lược quảng bá mới qua một Festival hoành tráng tại Bạc Liêu sẽ diễn ra vào tháng 4 năm nay, nơi sản sinh loại hình nghệ thuật này nhờ nhạc sĩ  Cao Văn Lầu đã sáng tác ra bản Dạ cổ hoài lang được xem như tiền thân của cải lương sau này. 
Hiện nay, tại TP.HCM chỉ còn Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang còn luân phiên sáng đèn các vỡ cải lương cũ và mới. Những suất diễn đông nhất vẫn là suất có nhiều nghệ sĩ tên tuổi và người nghe cũng thích xem các trích đoạn chứ không còn chuộng những vỡ dài lê thê. Những chương trình Vầng trăng cổ nhạc, cuộc thi Chuông vàng vọng cổ của Đài truyền hình TP.HCM cũng chuộng những trích đoạn cải lương. Hiếm hoi lắm mới có một vở cải lương được biểu diễn trọn vẹn.
Theo TS Trần Yến Chi, một trong những yếu tố làm cho cải lương ngày một xuống cấp là không có kịch bản đặc trưng “…câu chuyện với tình tiết éo le, phức tạp, chuyển biến bất ngờ, hấp dẫn và gây cảm xúc mãnh liệt người xem. Thế nhưng, xem những vở cải lương gần đây, chúng ta nhận thấy, phần lớn câu chuyện, sự việc, tình tiết trong kịch bản thường cách xa với thực tế hôm nay”. 
Bàn về kịch bản và soạn giả cải lương hiện nay, đạo diễn – NSUT Trần Minh Ngọc cho rằng: “Người viết cải lương bây giờ không những thiếu mà còn cũ. Người còn sức viết cũng có khi không có con mắt để nhìn ra vấn đề” và “Viết kịch bản cải lương khó hơn viết kịch bản phim, kịch nói nhiều, mà thù lao lại chẳng được bao nhiêu, nên người làm nghề khó bền lòng là vậy!…”.
Hy vọng cải lương sống trên đất Bắc
Cách đây khá lâu, trong một dịp gặp gỡ giao lưu với các đoàn cải lương các tỉnh miền Tây, khá bất ngờ trước báo cáo thành tích của các trưởng đoàn lại là những chuyến lưu diễn dài ngày trên đất Bắc. Cũng chắc rằng rất ít người miền Nam chịu chấp nhận nổi một giọng Bắc hát cải lương. Thế mà cải lương đã có hơn 60 năm bám trụ trên đất Bắc và đạt được không ít thành tựu rực rỡ. 
Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Nhà hát cải lương Việt Nam tổ chức…
Xem vở cải lương Chuyện tình Khau Vai
Cách đây không lâu, trong dịp kỷ niệm 60 năm Nhà hát cải lương Việt Nam ra đời, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Nhà hát cải lương Việt Nam tổ chức hội thảo – “60 năm tồn tại và phát triển nghệ thuật cải lương trên đất Bắc”. Xuất hiện tại miền Bắc Việt Nam từ những năm 50 thế kỷ trước với 1 đoàn diễn duy nhất, đến nay hầu hết các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Nam Định, Quảng Ninh, Yên Bái… đều có đoàn cải lương. 
Sau 60 năm, bộ môn nghệ thuật độc đáo của miền Nam phát triển trên đất Bắc cũng đang trong giai đoạn khan hiếm khán giả và loay hoay tìm lối ra như phía Nam. Vấn đề đau đầu nhất vẫn là kịch bản hay và phù hợp. 
May mắn thay, giữa lúc chợ khan hàng hiếm thì đạo diễn Triệu Trung Kiên bất ngờ có được kịch bản kịch thơ Chuyện tình Khau Vai của tác giả Nguyễn Thế Kỷ – Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương. Như bắt được vàng bởi chất thơ dễ chuyển tải thành cải lương, cộng với những tình tiết éo le trong nội dung, vở cải lương Chuyện tình Khâu Vai nhanh chóng được hoàn tất và ra mắt vào cuối năm 2013. 
Trên chất liệu và đề tài hết sức thuyết phục từ sinh hoạt của đồng bào vùng cao và  phong tục của người Nùng, người Ráy, người Cao Lan, người H’Mông, đặc biệt sự éo le trong câu chuyện tình đã mang đến những cảm xúc chân thật. Thêm sự góp sức của nhạc sĩ Trọng Đài và giọng hát Mai Hoa đã nâng chất thơ lãng mạn của vỡ diễn lên cao trào. 
Những đêm diễn vỡ Chuyện tình Khau Vai của Nhà hát Cải lương luôn cháy vé và chật kín khán giả. Ngay cả đêm diễn ở Nghệ An, khán giả cũng chật cứng. Nhiều người lấy khăn lau nước mắt vì xúc động trước một chuyện tình yêu đẹp đến phút cuối cùng. 
Nghe tin phía Bắc có Chuyện tình Khau Vai đang hút khách, những người mộ điệu cải lương miền Nam cũng nhấp nhổm không yên. Nghe đâu nhiều người đã bay ra Hà Nội để tận mắt xem vở diễn này thực hư thế nào. Rồi ước mơ một ngày nào đó, vỡ diễn Chuyện tình Khau Vai sẽ được diễn nguyên bản hoặc phục dựng với sự diễn xuất của các nghệ sĩ phía Nam. Biết đâu, Chuyện tình Khau Vai sẽ là cứu cánh cho cải lương miền Nam hồi sinh?!
Nguồn: Thúy Quỳnh – Congluan,vn

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top