Chiều 9-8, Sở TT&TT TP.HCM đã làm việc với chủ thể đăng ký và sử dụng tài khoản facebook “Nguyễn Đức Hiển” và “Hoàng Nguyên Vũ” về việc cung cấp thông tin liên quan đến vụ ‘bác sĩ rút ống thở của người nhà để nhường cho sản phụ’, có nội dung không đúng sự thật trên mạng internet. Hai chủ tài khoản hot FB này bị phạt mỗi người 5 triệu đồng vì chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng.
Hai chủ tài khoản mạng xã hội facebook này thông tin là do mong muốn chia sẻ cảm xúc đối với sự hy sinh của “bác sĩ Khoa”, nhưng do thiếu kiểm chứng thấu đáo nguồn tin, nên đã vô ý chia sẻ thông tin theo nội dung đăng tải trên tài khoản facebook “Trần Khoa”.
Các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã xác định nội dung tin nêu trên là tin giả, không có thật.
Câu chuyện Bác sĩ Khoa rút ổng thở của mẹ đã được lan truyền như thế nào?
Tối 7/8/2021, nhiều tài khoản Facebook đã chia sẻ câu chuyện về một nhân vật được gọi là “bác sĩ Khoa”.
Theo câu chuyện được kể, tại một bệnh viện điều trị các ca Covid-19 nặng, nhân vật “bác sĩ Khoa” khi thấy mẹ mình khó qua khỏi đã quyết định rút ống thở để chuyển sang cứu một sản phụ cần ống thở cũng đang được cấp cứu gần đó.
Câu chuyện ngay lập tức được chia sẻ như một bài học về sự hy sinh của nhân viên y tế tuyến đầu.
Nhiều tài khoản của người nổi tiếng trên Facebook chia sẻ một câu chuyện giống nhau với những lời bình luận giống nhau về một hành động được cho là của nhân vật “bác sĩ Khoa” hay “bác sĩ Trần Khoa”.
Facebook của nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp luật TP HCM, cho biết Khoa là một bác sĩ sản khoa, có cha mẹ là những tình nguyện viên ngành y đã bị mắc Covid-19 do hoạt động trong môi trường tiếp xúc với nhiều người bệnh. Về sau, cha mẹ của “bác sĩ Khoa” đều chết do căn bệnh này.
Chi tiết kịch tính đáng quan tâm, theo lời kể trên Facebook của “bác sĩ Khoa”, là khi nhận thấy không thể cứu mẹ mình được nữa, anh đã quyết định chuyển máy thở sang để cứu một sản phụ đang cần.
Nhà báo Đức Hiển viết:
“Tôi không biết dùng từ gì để nói về câu chuyện này. Khi hôm nay, anh là bác sĩ điều trị cho cha mẹ mình và một sản phụ.
Phút giây anh rút ống thở khỏi gương mặt mẹ để đưa ngay cho một sản phụ đang mang thai chờ được cứu sống.
Khoa – một bác sĩ đang chăm sóc cho cả ba bệnh nhân là cha, mẹ mình và cả người phụ nữ mang thai chuẩn bị sinh đôi.
Ba mẹ anh cũng là bác sĩ, rong ruổi trong tâm dịch cứu dân, rồi nhiễm bệnh và trở nặng. Rồi vào đúng nơi anh là bác sĩ điều trị.
Bác sĩ khoa ‘đã không vì tình thân mà quên đi lời thề Hippocrates nhưng nghiệt ngã và đau đớn quá đỗi em ơi. Anh nghe mà quặn thắt trong lòng’ – đồng nghiệp anh viết tiếp: ‘Ngọn nến này xin dành để cầu nguyện cho Cô và Chú. Hôm nay Cô và Chú mất đi để cho những người trẻ hơn được sống!’
Chúng tôi, những người đang được sống, nợ ơn anh và hai Bác.”
Bài viết của nhà báo Đức Hiển cùng hình chụp bài viết gốc của nhân vật “bác sĩ Trần Khoa” ngay lập tức tạo ra một cơn bão cảm xúc ở trên mạng.
Nhiều người thán phục hành động này và không ngừng ca ngợi Khoa, đồng thời nêu bật những hy sinh của nhân viên y tế tuyến đầu.
Câu chuyện còn trở nên kịch tính hơn khi nhà báo Đức Hiển cho biết, ngay sau đó, “bác sĩ Khoa” đã chuyển sang mổ cho sản phụ sinh đôi. Câu chuyện lần này có hình ảnh hai em bé vừa chào đời và đoạn “chat” của các nhân viên y tế nên càng trở nên thuyết phục hơn.
Hình ảnh hai em bé kháu khỉnh, cùng những dòng chữ đẫm nước mắt và chất chứa cảm xúc tiếp tục được lan truyền trên mạng xã hội.
“Ba mẹ em không qua khỏi… nhiều người cần. Bác sĩ Khoa trả lời khi đồng đội nói đừng, còn nước còn tát. Khoa dứt khoát. Khoa là bác sĩ phụ sản. Sau khi ba mẹ qua đời,” nhà báo Đức Hiển kể tiếp.
Câu chuyện càng trở nên đáng tin hơn khi Jang Kều – một người làm việc trong các dự án cộng đồng nổi tiếng tại Việt Nam – cho biết cô đã “gọi điện cho bác sĩ Khoa”.
Hoàng Nguyên Vũ, một nhà báo có nhiều người theo dõi trên Facebook, viết: “Bác sĩ Khoa, chúng tôi nợ anh và bố mẹ anh sự sống!”
Bác sĩ Khoa là ai?
Sáng 8/8, sau khi Tiền Phong có bài “Thực hư chuyện bác sĩ rút ống thở của mẹ để cứu sản phụ sắp sinh”, bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết đã chỉ đạo Văn phòng sở và Thanh tra sở này tìm hiểm thực hư câu chuyện. Theo đó, Thanh tra sở cho biết đang phối hợp với Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TPHCM để xác minh vụ việc cụ thể.
Cũng trong sáng 8/8, nhiều bệnh viện có khoa sản tại TPHCM cũng lên tiếng phủ nhận không có ca mổ bắt con nào diễn ra trong ngày hôm qua 7/8 như thông tin trên mạng phản ánh. Nhiều thông tin của mạng xã hội cho biết bác sĩ Trần Khoa làm việc tại khoa sản của Bệnh viện Lê Văn Việt ở TP Thủ Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy tuy nhiên lãnh đạo các bệnh viện này cho biết không có bác sĩ “Trần Khoa” và cũng không có sản phụ nào được mổ bởi bác sĩ này.
Trong khi đó, “facebook Trần Khoa” được cho của vị bác sĩ rút ống thở của mẹ mắc COVID-19 nguy kịch để cứu sản phụ, đã không tồn tại. Trước đó, nhiều người sau khi đọc được câu chuyện của bác sĩ Khoa được chia sẻ trên mạng xã hội đã liên lạc qua facebook bác sĩ Khoa và được bác sĩ này xác nhận là “công tác tại bệnh viện Chợ Rẫy”. “Khi thấy câu chuyện như vậy, quá xúc động chúng tôi đã trao đổi với bác sĩ Khoa và muốn có ý định tặng máy thở nơi bác sĩ Khoa làm việc và bác sĩ này đồng ý. Khi liên lạc với một mạnh thường quân, bác sĩ Khoa còn nói phía tặng máy thở “liên hệ với bác sĩ Thanh để bác sĩ Thanh đứng ra nhận máy”- chị Phạm Thị Hương Giang – chủ tịch Quỹ hỗ trợ Phát triển cộng đồng Sống Bền Vững cho biết.
Nguồn: PLO, Tuổi Trẻ, Tiền Phong…