Trong quá trình phát triển đô thị, hầu hết các vùng đất trũng đầm lầy bị đổ đất lấp kín với cao trình cao hơn các khu vực khác làm thay đổi bề mặt địa hình khu vực. Hệ quả của việc phát triển sai hướng này đã khiến Tp. HCM bị ngập nặng, lượng nước mưa và triều cường lúc trước được chứa ở túi nước phía nam thành phố thì nay bị đẩy sâu vào trong nội địa làm cho gần như toàn bộ thành phố bị ngập rộng và sâu.
Số điểm ngập này do Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM thống kê sau cơn mưa được cho là vượt quá lưu lượng dự báo giữa tháng 9-2015.
Báo cáo khoa học được đăng trên Tạp chí Các Khoa học về Trái Đất ngày 25 – 10 – 2015 của nhóm tác giả Trần Thị Vân, Bùi Thị Thy Ý, Hà Dương Xuân Bảo thuộc Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh.
Dữ liệu cơ bản được sử dụng trong nghiên cứu này là ảnh viễn thám TM từ vệ tinh Landsat 5 được cung cấp miễn phí từ nguồn USGS – Cục Khảo sát Địa chất Hoa kỳ (U.S. Geological Survey). Ảnh Landsat/TM có 7 kênh, trong đó 6 kênh phản xạ và 1 kênh hồng ngoại nhiệt. Ảnh viễn thám thu nhận thông tin bề mặt tức thời và thời điểm chụp, tuy nhiên trong quá trình phân tích, nhằm để đơn giản hóa cách gọi, ảnh sẽ được nhắc đến theo năm, cụ thể ảnh chụp vào ngày 11/01/1990 sẽ được gọi là ảnh năm 1990, ảnh chụp vào ngày 11/02/2010 sẽ được gọi là ảnh năm 2010. Thời gian khảo sát trong nghiên cứu thuộc vào giai đoạn 1990-2010
Dữ liệu GIS bao gồm các lớp số hóa của bản đồ Hiện trạng sử dụng đất năm 1995 và 2010 nhằm để làm tài liệu tham khảo lấy mẫu và đối chiếu kết quả phân loại và bản đồ nền địa hình tỷ lệ 1:25.000, gồm các lớp chính về thủy hệ, giao thông và bình độ. Các bản đồ được thu thập từ Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. HCM.
Trên cơ sở ảnh viễn thám, các phân tích tổ hợp màu, phép tỷ số kênh và phân loại ảnh số được thực hiện để tách các đối tượng mặt nước và đô thị, từ đó xác định hiện trạng bề mặt địa hình. Kết quả xử lý ảnh được xuất sang dạng vector, chuyển vào phần mềm ArcGIS để thực hiện phân tích không gian. Phương pháp đánh giá biến động sau phân loại được thực hiện trên cặp ảnh để tìm sự khác biệt và thay đổi bề mặt địa hình của khu vực nghiên cứu, đồng thời đánh giá tình hình phát triển đô thị. Hình dạng sông lớn được tách riêng không xem xét biến động trong nghiên cứu.
Từ đó xác định vị trí các ao hồ đầm lầy bị san lấp, biến mất, cũng như sự phân bố của đô thị trên địa bàn khu vực nghiên cứu. Xác định được diện tích mặt nước, diện tích đô thị, kết quả nghiên cứu đánh giá được tốc độ đô thị hóa ảnh hưởng đến việc san lấp lấn chiếm các ao, hồ, kênh rạch, vùng trũng tác động mạnh mẽ đến ngập lụt hiện nay như thế nào.
Bản đồ vị trí khu vực nghiên cứu trong toàn Tp. HCM
Tổng quan địa chất – địa lý TPHCM
Thành phố Hồ Chí Minh nằm ở hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật lớn của cả nước. Địa hình Tp. HCM thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây, vùng cao có độ cao trung bình
10 – 25m, vùng thấp có độ cao trung bình trên dưới 1 mét, nơi thấp nhất 0,5 mét. Phần lớn địa hình Tp. HCM có cao độ thấp, mặc dù vậy nhưng nhờ chế độ bán nhật triều nên tình trạng ngập tại thành phố sẽ có thời gian ngập ngắn do nước được tiêu thoát nhanh khi triều xuống, đây là một lợi thế của Tp. HCM. Trước đây, các vùng trũng đầm lầy tự nhiên của địa hình bề mặt Tp. HCM có vai trò quan trọng trong điều tiết nước của toàn thành phố, đặc biệt là cho khu vực nội thành. Trong thời gian qua, phát triển đô thị ở Tp. HCM có những giai đoạn tự phát ngoài tầm kiểm soát, dẫn đến việc gia tăng diện tích mặt không thấm tràn lan (T.T. Vân, 2011), làm giảm diện tích mặt phủ thấm nước và dung tích chứa nước mưa từ các vùng trũng, làm gia tăng hệ số chảy tràn bề mặt khiến cho ngập lụt ngày càng trầm trọng.
Hiện nay, quá trình đô thị hóa tại Tp. HCM đã và đang diễn ra rất phức tạp với mật độ dân cư rất cao. Điều đó thúc đẩy việc mở rộng đô thị giãn ra các vùng lân cận, điển hình là đô thị hóa về phía nam khu vực Quận 7 và Nhà Bè. Khu vực phía Nam, Đông Nam và Tây Nam thành phố là nơi thoát nước và điều hòa dòng chảy từ những khu vực trung tâm. Tuy nhiên trong những năm gần đây, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ tại khu vực phía nam thành phố đã làm tăng diện tích bề mặt không thấm, các ao hồ đầm lầy bị lấp đi phần lớn, cùng với việc lấn chiếm kênh rạch đã tạo ra ngập lụt nhiều nơi trong khu vực này, đồng thời ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước ở vùng trung tâm thành phố. Cùng với việc tác động của biến đổi khí hậu, thể hiện thời tiết thất thường, số lần mưa trong năm giảm, nhưng lượng mưa trong một lần mưa thì liên tục tăng cao, cùng với mực nước biển dâng kèm theo lũ thượng nguồn, trong tương lai nếu không có biện pháp giải quyết, can thiệp kịp thời thì ngập lụt sẽ trở thành vấn đề nan giải và không kiểm soát được.
Vì vậy, nắm bắt và biết rõ vị trí, tình trạng biến đổi của các vùng trũng đầm lầy là nhu cầu thực tế để các nhà khoa học có những nhận định, đánh giá cũng như sẽ đưa ra những giải pháp hợp lý trong quản lý tình trạng san lấp và kiến nghị vị trí thích hợp xây hồ điều tiết chứa nước mưa chảy tràn, giúp cho các nhà quản lý đô thị có những quyết định đúng đắn trong quy hoạch đô thị, giảm nhẹ tình trạng ngập lụt hiện nay tại Tp. HCM, đồng thời vạch ra chiến lược phát triển đô thị thích hợp trong tương lai.
Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu đánh giá sự thay đổi bề mặt địa hình từ ứng dụng kỹ thuật viễn thám cho khu vực quận 7 và huyện Nhà Bè thuộc phía nam Tp. HCM trong thời gian từ 1990 đến 2010 (hình 1). Đối tượng nghiên cứu là các vùng trũng đầm lầy được thể hiện trên ảnh vệ tinh là các đối tượng mặt nước.
Khu Nam Sài Gòn – Quận 7 – TPHCM
Quận 7 có tổng diện tích 35,69 km2, là một trong 5 quận mới đang trong quá trình đô thị hóa của Tp. HCM, nằm ở vị trí khá quan trọng ở phía nam Sài Gòn, thuộc khu vực mở rộng đô thị của Tp. HCM. Quận 7 có lợi thế mật độ xây dựng còn thấp nên có khả năng xây dựng mới theo hướng đô thị hiện đại, hình thành khu trung tâm để phát triển khu vực phía nam Tp. HCM cũng như các tỉnh Miền Tây. Trong thời gian qua, Quận cũng đang từng bước thực hiện công tác quản lý và xây dựng phát triển theo hướng quy hoạch, các tuyến đường mới được mở rộng như: đường Nguyễn Văn Linh, Tôn Dật Tiên, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Quỳ, 15B (đại lộ Nguyễn Lương Bằng nối dài)… Khu chế xuất Tân Thuận được hình thành và phát triển tạo thành điểm nhấn thu hút đầu tư trong và ngoài nước, giải quyết một lượng lớn lao động cũng như góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo lực hút để phát triển các khu dân cư, xây dựng mới tạo diện mạo mới cho vùng trũng phèn trước đây. Khu đô thị Nam Sài Gòn cũng đang được đầu tư hình thành và phát triển tạo khu đô thị hiện đại cho khu vực. Trong tương lai, quận 7 sẽ trở thành một khu đô thị hiện đại và vươn lên phát triển mạnh mẽ.
Huyện Nhà Bè TPHCM
Huyện Nhà Bè có tổng diện tích 100.41 km2 có hệ thống sông ngòi thuận lợi cho việc mở rộng mạng lưới giao thông đường thủy đi khắp nơi, có điều kiện xây dựng các cảng nước sâu đủ sức tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn. Nhà Bè được đánh giá là một trong những khu vực có nhiều tiềm năng phát triển. Trong tương lai vùng đất này sẽ là khu đô thị lớn nằm ở cửa ngõ phía nam thành phố. Với lợi thế giáp quận 7, Nhà Bè được hưởng lợi từ các dự án về cơ sở hạ tầng và khu đô thị Phú Mỹ Hưng mang lại.
Ngoài ra, còn có các dự án cơ sở hạ tầng đang được triển khai như trục đường bắc – nam nối Nhà Bè với quận 7, quận 4 và đường Nguyễn Lương Bằng nối Phú Mỹ Hưng với Nhà Bè. Hàng loạt dự án bất động sản đang được đầu tư xây dựng tại Nhà Bè nhằm đón đầu cơ sở hạ tầng của khu vực này. Hệ thống cơ sở hạ tầng huyện Nhà Bè ngày càng hoàn thiện hơn, tốt hơn góp phần thúc đẩy phát triển đô thị. Việc phát triển vùng đất Nhà Bè là nằm trong dự kiến và chiến lược của UBND Tp. HCM, đó là thành phố tiến về phía Nam. Trong tương lai nơi đây sẽ là thành phố trấn thủ cửa ngõ phía Nam, một diện mạo, một bộ mặt của thành phố.
Bản đồ hiện trạng lớp phủ Quận 7 theo thời điểm ảnh vệ tinh 11/01/1990
Bản đồ hiện trạng lớp phủ Quận 7 theo thời điểm ảnh vệ tinh 11/02/2010
Phân tích và đánh giá biến động bề mặt địa hình theo các vùng trũng và mặt nước giai đoạn 1990-2010
Trên 2 thời điểm ảnh vệ tinh (ngày 11/01/1990 và 11/02/2010) cho thấy hiện trạng lớp phủ. Quận 7 là một trong năm quận mới thành lập năm 1997 của Tp. HCM, được trích từ phần đất phía bắc của huyện Nhà Bè. Trước mốc thời gian này, Quận 7 vẫn còn là vùng hoang sơ, đô thị không phát triển, chủ yếu là các điểm dân cư nông thôn. Kết quả trên ảnh ngày 11/01/1990 cho thấy, diện tích đất đô thị quận 7 rất ít, phân bố rải rác và tập trung chủ yếu theo từng cụm nhỏ lẻ ở khu vực phía bắc của quận. Theo tính thống kê trực tiếp từ ảnh vệ tinh (bảng 4), diện tích đô thị là 108,63 ha chiếm tỉ lệ 3,06% so với diện tích toàn quận. Không tính phần diện tích mặt nước của sông lớn, diện tích vùng trũng, các ao hồ và sông rạch nhỏ bên trong nội đồng phát hiện được từ ảnh vệ tinh là 338,76 chiếm tỷ lệ 9,55%.
Diện tích hiện trạng lớp phủ Quận 7 theo 2 thời điểm ảnh vệ tinh
Năm
|
11/01/1990
|
|
11/02/2010
|
Diện tích (ha)
|
Tỷ lệ (%)
|
Diện tích (ha)
|
Tỷ lệ (%)
|
Sông lớn
|
481,59
|
13,39
|
464,97
|
12,93
|
Trũng, ao hồ, đầm lầy
|
388,76
|
10,81
|
250,62
|
6,97
|
Đô Thị
|
108,63
|
3,02
|
1694,43
|
47,12
|
Thực Vật
|
2617,02
|
72,78
|
1185,98
|
32,98
|
Tổng cộng
|
3596,00
|
100,00
|
3596,00
|
100,00
|
Hiện trạng phân bố mặt nước Quận 7 theo thời điểm ảnh vệ tinh 11/01/1990
Hiện trạng phân bố mặt nước Quận 7 theo thời điểm ảnh vệ tinh 11/02/2010
Vị trí các vùng trũng, ao hồ, đầm lầy bị biến mất do xây dựng đô thị
Biến động diện tích lớp phủ Quận 7 theo 2 thời điểm ảnh vệ tinh
Năm
|
Biến động 1990 – 2010
|
Diện tích (ha)
|
Tỷ lệ (%)
|
Sông lớn
|
-16,62
|
-0,46
|
Trũng, ao hồ, đầm lầy
|
-138,14
|
-3,84
|
Đô Thị
|
1585,80
|
44,10
|
Thực Vật
|
-1431,04
|
-39,80
|
Với quyết định thành lập khu chế xuất Tân Thuận, khu chế xuất đầu tiên của cả nước vào năm 1991 nằm trên khu vực phường Tân Thuận Đông, việc xây dựng khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã thu hút việc di dân tự phát vào quận và các khu vực lân cận, tiếp theo đó là việc tách quận năm 1997 và xây dựng quận 7 thành khu đô thị mới, nơi đây đã dần dần thay đổi và phát triển mạnh mẽ. Phía bắc của quận được đô thị hóa gần như hoàn toàn. Diện tích đất đô thị đến năm 2010 theo ảnh vệ tinh thời điểm 11/02/2010 tăng lên rất nhanh với mức tăng gần 45% so với năm 1990 và chiếm tỉ lệ gần 47,78% diện tích của cả quận, tập trung chủ yếu ở các phường Tân Kiểng, Tân Quy, Tân Thuận Tây và Bình Thuận. Các phường này chủ yếu là di dân tự phát và mức độ đô thị hóa diễn ra gần như hoàn toàn. Đô thị phát triển chủ yếu trên các phần đất có cây trồng, đồng thời cũng có những khu vực đô thị phát triển ngay cả trên các vùng là mặt nước trước kia. Kết quả của bản đồ biến động kết hợp với khảo sát thực địa cho thấy rằng, diện tích các ao hồ đầm lầy bị biến mất nằm rải rác trên toàn quận.
Trên bảng thống kê số 3 cho thấy, diện tích các vùng trũng, ao hồ, đầm lầy vào năm 2010 bị biến mất gần 140 ha do quá trình san lấp phát triển đô thị, mất khoảng 35% so với năm 1990, mất đi gần 1/3 diện tích trữ nước khá lớn cho quận, khiến cho ngập lụt thường xảy ra khi có mưa kết hợp với triều cường. Trên các hình 4a, b thể hiện rõ sự hiện hữu của các vùng trũng, ao hồ, đầm lầy của 2 thời điểm ảnh, thay vào đó là sự xuất hiện của đô thị dày đặc như trên hình 5. Điều này cho biết, việc xây dựng đô thị đã nâng cao độ địa hình của quận và đây là sự biến động khá lớn bề mặt địa hình của quận 7, vì theo phân bố địa hình toàn Tp. HCM (hình 7) quận 7 là đường thoát nước tự nhiên cho các quận trung tâm do địa hình thấp.
Huyện Nhà Bè
Trên 2 thời điểm ảnh vệ tinh (ngày 11/01/1990 và 11/02/2010) cho thấy hiện trạng lớp phủ như trên hình 8a, 8b và bảng 6. Trong đó, lớp mặt nước (sông, ao hồ, đầm lầy) được trình bày trên hình 9a và 9b. Sau đó thực hiện chồng ghép 2 lớp hiện trạng để phân tích biến động.
Trước khi bị chia tách vào năm 1997, Nhà Bè
tồn tại với cơ sở hạ tầng yếu kém, đô thị không phát triển, tồn tại các cụm dân cư nhỏ lẻ, rải rác. Kết quả trên ảnh ngày 11/01/1990 (hình 8a) cho thấy, diện tích đất đô thị ở Nhà Bè rất ít, tập trung chủ yếu ở một phần thị trấn Nhà Bè. Theo tính thống kê trực tiếp từ ảnh vệ tinh, diện tích đô thị là 43,65 ha chiếm tỉ lệ 0,43% so với diện tích toàn quận. Không tính phần diện tích mặt nước của sông lớn, diện tích vùng trũng, các ao hồ và sông rạch nhỏ bên trong nội đồng phát hiện được từ ảnh vệ tinh là 2501,33 chiếm tỷ lệ 24,88%.
Bản đồ hiện trạng lớp phủ Huyện Nhà Bè theo 2 thời điểm ảnh vệ tinh 11/1/1990
Bản đồ hiện trạng lớp phủ Huyện Nhà Bè theo 2 thời điểm ảnh vệ tinh 11/2/2010
Diện tích hiện trạng lớp phủ huyện Nhà Bè trên 2 thời điểm ảnh vệ tinh
Năm
|
11/01/1990
|
|
11/02/2010
|
Diện tích (ha)
|
Tỷ lệ (%)
|
Diện tích (ha)
|
Tỷ lệ (%)
|
Sông lớn
|
1216,84
|
12,12
|
1198,17
|
11,92
|
Trũng, ao hồ, đầm lầy
|
2501,33
|
24,88
|
2064,06
|
20,53
|
Đô Thị
|
43,65
|
0,43
|
2037,51
|
20,27
|
Thực Vật
|
6292,33
|
62,58
|
4754,4
|
47,29
|
Tổng cộng
|
10054,15
|
100,00
|
10054,15
|
100,00
|
Sau năm 1997, nhờ sở hữu một vị trí khá thuận lợi, huyện Nhà Bè nằm rất gần trung tâm Tp. HCM, từ Nhà Bè về thành phố có hai ngã chính, một là đường Huỳnh Tấn Phát về ngay trung tâm, hai là hướng Lê Văn Lương và Nguyễn Hữu Thọ về quận 7. Với lợi thế giáp quận 7, nên Nhà Bè được hưởng lợi từ các dự án về cơ sở hạ tầng và khu đô thị Phú Mỹ Hưng mang lại. Ngoài ra, còn có các dự án cơ sở hạ tầng đang được triển khai như trục đường bắc – nam nối Nhà Bè với Quận 7, Quận 4 và đường Nguyễn Lương Bằng (nối Phú Mỹ Hưng với Nhà Bè). Nhờ vậy huyện Nhà Bè được đánh giá là một trong những khu vực có nhiều tiềm năng phát triển. Trong tương lai vùng đất này sẽ là khu đô thị lớn nằm ở cửa ngõ phía nam thành phố. Hàng loạt dự án bất động sản được được đầu tư xây dựng tại Nhà Bè nhằm đón đầu cơ sở hạ tầng của khu vực này. Theo các nhà đầu tư bất động sản ở Tp. HCM, tâm điểm đầu tư dự án sắp tới sẽ tập trung dọc theo tuyến đường Nguyễn Lương Bằng nối dài, giáp với các trung tâm thương mại – tài chính lớn của Phú Mỹ Hưng. Các dự án như Dragon City với 65 ha cách TPHCM 5km, khu đô thị Phú Xuân – Cotec với gần 26 ha nằm trên trục đường Nguyễn Lương Bằng, khu dân cư Phước Kiểng Sadeco (quy mô 22 ha) nằm trên trục đường Lê Văn Lương, cách quận 1 khoảng 5km bằng đường Xa lộ Bắc Nam qua cầu kênh Tẻ, Phú Mỹ Hưng, New SaiGon, Phú Hoàng Anh, Hoàng Anh An Tiến của Hoàng Anh Gia Lai, các dự án của Công ty Vạn Phát Hưng như Phú Xuân, Phú Mỹ… và nhiều dự án khác. Mỗi dự án có diện tích từ 10ha đến vài chục hecta, và liên kết với nhau thành những thành phố sầm uất. Những dự án này đã chiếm đi và san lấp phần lớn vùng trũng, ao, hồ
Chỉ trong vòng 20 năm (1990-2010), tốc độ đô thị hoá ở huyện Nhà Bè tăng lên đáng kể. Theo hình 10 và bảng thống kê diện tích 6, đô thị huyện Nhà Bè tăng lên và chiếm tỉ lệ 20,27% tức 2037,51 ha so với diện tích đất của cả huyện. Các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao là thị trấn Nhà Bè, xã Phú Xuân, xã Long Thới và một phần phía bắc xã Hiệp Phước.
Kết quả phân tích bản đồ biến động kết hợp với khảo sát thực địa cho thấy rằng ao hồ, đầm lầy bị biến mất nằm trên các trục đường giao thông chính và những khu đất đã và đang được xây dựng. Đáng kể nhất là Khu đô thị cảng Hiệp Phước (cách trung tâm Tp. HCM chưa đầy 20km) gồm KCN, khu đô thị và cảng, với đầy đủ hạ tầng và các cơ sở dịch vụ của một thành phố lớn. Các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao và diện tích các vùng trũng ao hồ biến mất khá lớn là xã Phú Xuân, xã Long Thới và một phần phía bắc xã Hiệp Phước
Biến động diện tích lớp phủ huyện Nhà Bè theo 2 thời điểm ảnh vệ tinh
Năm
|
Biến động 1990 – 2010
|
Diện tích (ha)
|
Tỷ lệ (%)
|
Sông lớn
|
-18,67
|
-0,19
|
Trũng, ao hồ, đầm lầy
|
-437,27
|
-17,48
|
Đô thị
|
1993,86
|
19,83
|
Thực vật
|
-1537,92
|
-15,30
|
Trên bảng thống kê cho thấy, diện tích các vùng trũng, ao hồ, đầm lầy vào năm 2010 bị biến mất gần 437,27 ha do quá trình san lấp phát triển đô thị, mất tương đương 17,48% so với năm 1990, nghĩa là mất đi gần 1/5 diện tích trữ nước; một con số không lớn lắm, tuy nhiên khi các công trình quy hoạch trong tương lai hoàn thành con số này sẽ tăng lên đáng kể. Trên các hình 9a và 9b thể hiện rõ sự hiện hữu của các vùng trũng, ao hồ, đầm lầy của 2 thời điểm ảnh, thay vào đó là sự xuất hiện của đô thị tại một số vị trí then chốt như trên hình
10. Theo phân bố địa hình toàn Tp. HCM (hình 7), huyện Nhà Bè cũng là đường thoát nước tự nhiên cho các quận trung tâm do địa hình thấp.
Tác động của quá trình phát triển đô thị khi san lấp vùng trũng đầm lầy gây ngập lụt
Phát triển đô thị là điều tất yếu và nhờ đó mà thay đổi đáng kể đời sống kinh tế xã hội… tạo cho quận 7 và huyện Nhà Bè phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa ngày càng gia tăng, những nơi trước kia là vùng trũng đầm lầy, là nơi chứa nước điều hòa dòng chảy, thì nay bị san lấp lấn chiếm thay vào đó là hàng trăm căn nhà, nhiều công trình mới mọc lên và phá vỡ đi sự cân bằng dòng chảy tự nhiên vốn có của nó. Đô thị hóa cũng kéo theo việc bê tông hóa những vùng đất trước kia là những bãi đất trống, thảm cỏ, đồng ruộng,…
làm mất đi bề mặt thấm tự nhiên. Khả năng thẩm thấu vào đất của nước mưa, lũ đối với đất đô thị trung bình chỉ bằng 1/5 so với đất cây xanh tự nhiên (N.Đ. Dũng, 2009). Nước không thấm được xuống những tầng đất sâu và tầng nước ngầm, vừa gây ngập tầng đất mặt vừa mất lượng nước bổ sung hằng năm cho nước ngầm, làm mực nước ngầm mỗi năm bị tụt sâu hơn, gây sụt lún đất.
Theo cẩm nang về quy hoạch và thiết kế đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu cho Tp. HCM thì sự gia tăng về cường độ ngập lụt đô thị hiện nay trên địa bàn Tp. HCM có nguyên nhân chính là do việc phát triển đô thị quá nhanh, chứ không phải do biến đổi khí hậu toàn cầu (Châu Quỳnh và nnk, 2013). Trên thực tế 75% các điểm ngập tại thành phố có cao độ lớn hơn 2,5 m và 70% các điểm bị ngập khi lượng mưa chỉ 40 mm và dù cho mực nước ở Phú An thấp hay cao (N.Đ. Dũng, 2011). Điều này có nghĩa rằng phần lớn các điểm ngập hiện nay không vì lý do địa hình thấp hay mực nước của sông Sài Gòn lên cao. Việc đô thị hóa quá nhanh làm tăng nhanh diện tích bê tông hóa, khiến cho lượng nước mưa chảy tràn trên bề mặt tăng cao, thiếu nơi thoát nước vào các ao hồ, khiến gây ra vấn nạn ngập lụt nặng nề ở đây.
Quá trình đô thị hóa tự phát hoặc đô thị hóa với những hiểu biết sai lầm về vị trí phát triển và cách thức phát triển là nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn ngập lụt như hiện nay. Điển hình là đô thị hóa về phía nam thành phố trên nền đất yếu và thấp đã khiến cho nhiều diện tích chứa nước bị biến mất.
Quận 7 và Nhà Bè là những khu vực nằm trong vùng nhạy cảm này, với vị trí nằm ở cuối hướng dốc địa hình của thành phố, thuộc vùng thấp, nhiều ao hồ, việc đô thị hóa nhanh chóng trên những khu vực này đã lấp đi những vùng dự trữ nước tự nhiên khiến cho vùng trung tâm nội thành thành phố trở nên ngập ngày càng nặng hơn.
Trong quá trình phát triển đô thị, hầu hết các vùng đất trũng đầm lầy bị đổ đất lấp kín với cao trình cao hơn các khu vực khác làm thay đổi bề mặt địa hình khu vực. Hệ quả của việc phát triển sai hướng này đã khiến Tp. HCM bị ngập nặng, lượng nước mưa và triều cường lúc trước được chứa ở túi nước phía nam thành phố thì nay bị đẩy sâu vào trong nội địa làm cho gần như toàn bộ thành phố bị ngập rộng và sâu.
Kết quả nghiên cứu đã xác định được hiện trạng phân bố các vùng trũng đầm lầy và tính toán sự biến động của chúng qua sự biến mất từ việc san lấp để xây dựng các công trình đô thị, gây nên biến động bề mặt địa hình khu vực huyện Nhà Bè và Quận 7 giai đoạn 1990-2011. Từ các khu dân cư rải rác, quá trình đô thị hóa tại 2 huyện/quận này đã dẫn đến các khu đô thị tập trung phát triển ngay cả trên các vùng đất trũng nước. Chúng bị san lấp để tôn cao cốt nền cho các tòa nhà, đường giao thông, làm thay đổi đáng kể bề mặt địa hình của khu vực. Huyện Nhà Bè và quận 7 vốn là vùng trũng thấp, là nơi chứa nước chảy tràn từ nội thành Tp. HCM, nhưng đô thị hóa trong giai đoạn 1990- 2011 đã lấy đi gần 1/3 diện tích trữ nước của quận 7 và 1/5 diện tích trữ nước của huyện Nhà Bè, khiến cho ngập lụt thường xảy ra khi có mưa kết hợp với triều cường tại khu vực này, cũng như tác động không ít đến khu vực nội thành Tp. HCM.
Với ưu thế theo dõi biến động theo không gian và thời gian, công nghệ viễn thám đã chứng tỏ khả năng ứng dụng vào giám sát biến động bề mặt, theo dõi các vấn đề môi trường và tài nguyên; nhằm hỗ trợ và giảm tải cho con người trong công tác điều tra thực địa, cũng như phân tích đánh giá nhanh chóng. Kết quả nghiên cứu đã hỗ trợ các nhà quản lý và hoạch định chính sách có cái nhìn tổng quan hơn và phát hiện được những khu vực trũng thấp, ao hồ bị san lấp do phát triển đô thị, để có những giải pháp quản lý kịp thời, hạn chế vấn nạn ngập lụt hiện nay và phòng tránh cho tương lai, đưa ra phương hướng phát triển hợp lý hơn.
Nhóm tác giả Trần Thị Vân, Bùi Thị Thy Ý, Hà Dương Xuân Bảo thuộc Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh.
Sáng 17-9, UBND TP HCM tổ chức hội thảo quốc tế “Giải pháp nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm ở TP HCM giai đoạn 2021-2035”.
Mở đầu hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định vẫn còn một bộ phận lớn người dân nhập cư, người có thu nhập thấp đang sinh sống trong môi trường không đảm bảo, không có khả năng sở hữu nhà, thậm chí gặp khó khăn trong việc thuê nhà với mức giá phù hợp.
“Ở bình diện khác, TP đang đứng trước thách thức không nhỏ với quy mô dân số lớn như hiện nay. Theo thống kê, năm 2019, dân số TP chỉ 9 triệu người nhưng thực tế có hơn 13 triệu người đang sinh sống, làm việc, học tập, du lịch tại TP. Dân số đông nhưng sự phân bố chưa hợp lý; mật độ dân số trung bình của TP gấp 14,7 lần mật độ cả nước, chủ yếu tập trung tại các quận trung tâm. Tốc độ gia tăng dân số nhanh, bình quân mỗi năm TP tăng 200.000 người, trung bình 5 năm tăng 1 triệu người, dẫn đến những áp lực lớn trong công tác quản lý đô thị, đặt ra các yêu cầu cao hơn về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là vấn đề nhà ở” – ông Nguyễn Thành Phong nêu thực trạng.
Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho biết chỉ trong chưa đến 2 thập kỷ, dân số TP.HCM đã tăng gấp đôi, từ 4 triệu người năm 1990 lên 8 triệu người năm 2016. Đi kèm với tốc độ gia tăng chóng mặt của dân số, nhu cầu nhà ở trở thành áp lực nặng nề cho sự phát triển của TP.HCM.