Sau khi kí hợp đồng công chứng đặt cọc miếng đất mặt tiền đường Phạm Văn Đồng (Phường 13, Quận Bình Thạnh), ông Lê Đức Dũng đã giao tiền đặt cọc cho ông Nguyễn Tiến Thanh 10 tỷ đồng. Hai bên hẹn nhau đến ngày 15/4/2019, ông Lê Đức Dũng sẽ gặp và giao tiếp 20 tỷ, ông Nguyến Tiến Thanh tiến hành giải chấp tài sản để chuyển nhượng. Thế nhưng từ sau ngày 15/4/2019, ông Thanh đã biến mất, không liên lạc được, chỉ có sự xuất hiện của đại diện Phòng Xử lý nợ của Ngân hàng Phương Đông (OCB) – chi nhánh Bến Thành đến làm việc với ông Dũng.
Xem bài Đặt cọc đất 10 tỷ, chưa kịp san nhượng ngân hàng Phương Đông bất ngờ phát mãi
Ông Lê Đức Dũng trước thửa đất số 421, tờ bản đồ số 44 Đường Phạm Văn Đồng, Phường 13, Quận Bình Thạnh
Đất đã cắm sổ ngân hàng vẫn gài bẫy người đặt cọc
Không riêng gì ông Lê Đức Dũng rơi vào bẫy đặt cọc đất, gần đây rất nhiều đối tượng sử dụng tài sản đang thế chấp tại ngân hàng hoặc tài sản của người khác để dụ dỗ cùng lúc nhiều người đến đặt cọc rồi kéo dài thời gian, sau đó không trả tiền. Đặc biệt, vừa qua, Báo Pháp Luật Việt Nam cũng nhận được đơn thư tố cáo của bạn đọc về việc đặt mua căn nhà (đường Bình Lợi, Phường 13, Quận Bình Thạnh), khi giao gần hết tiền mới phát hiện có gần 20 người đã được chủ đất nhận cọc. Cứ mỗi người đặt cọc vài chục đến vài trăm triệu đồng. Người mua nhà phải giải quyết nợ cọc của gần 20 người mà còn bị phong tỏa tài sản do bên bán chưa trả hết tiền nhà cho chủ cũ. Hiện nay Tòa án Nhân dân quận Bình Thạnh đang thụ lý vụ việc.
Khi ông Lê Đức Dũng tiến hành đặt cọc thửa đất số 421, tờ bản đồ số 44 Đường Phạm Văn Đồng, Phường 13, Quận Bình Thạnh có diện tích 567,8m2 đứng tên ông Nguyễn Tiến Thanh tại phòng công chứng, hai bên đều thỏa thuận các bước tiếp theo để giải chấp và hoàn thành thủ tục chuyển nhượng. Như vậy, việc mua bán này, về cơ bản đã được xác lập trước mặt công chứng viên.
Hợp đồng đặt cọc được công chứng tại Văn phòng công chứng Huỳnh Thị Ngọc Yến vào ngày 31/01/2019. Cùng ngày, ông Lê Đức Dũng đã giao đủ số tiền 10 tỷ đồng cho ông Nguyễn Tiến Thanh cùng với biên nhận cam kết chuyển nhượng đất 1.067,7m2 đất của ông Nguyễn Tiến Thanh cho ông Lê Đức Dũng. Ông Thanh cam kết đã bao gồm chi phí để chuyển đổi phần đất phi nông nghiệp cho ông Dũng với giá trị đến 42 tỉ đồng.
Theo nội dung hợp đồng đặt cọc, hẹn nhau đến ngày 15/4/2019 ông Lê Đức Dũng tiếp tục giao 20 tỷ để ông Nguyễn Tiến Thanh hoàn tất giải chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang cầm cố trong Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) – Chi Nhánh Bến Thành theo hợp đồng vay vốn 26 tỉ. Thế nhưng đến ngày hẹn gặp, ông Nguyễn Tiến Thanh đến nói câu chuyện không san nhượng nữa, muốn trả lại tiền, đền cọc, rồi đi về. Từ đó đến nay, ông Lê Đức Dũng không thể liên hệ được với ông Nguyễn Tiến Thanh.
Vì sao Ngân hàng Phương Đông phát mãi tài sản với giá 26 tỷ đồng?
Theo đơn thư của ông Lê Đức Dũng gửi Báo Pháp Luật Việt Nam, sau ông Nguyễn Tiến Thanh biến mất thì xuất hiện 2 người tự nhận thuộc phòng Xử lý nợ của Ngân hàng Phương Đông OCB– chi nhánh Bến Thành. Qua quá trình gặp gỡ và trao đổi tin nhắn, 2 nhân viên tên An và Châu yêu cầu ông Dũng mua lại nợ của ông Nguyễn Tiến Thanh là 26 tỉ đồng cộng với lãi khoảng 1 tỉ đồng.
Ông Lê Đức Dũng cho biết: “Ngân hàng OCB có cho tôi biết ngày 30/01/2018, Công ty Kiến Cường do ông Nguyễn Tiến Thanh làm giám đốc đã ký Hợp đồng tín dụng số 04/2018/HĐTD-DN với OCB để vay vốn. Tài sản bảo đảm cho khoản vay này là Bất động sản thuộc thửa đất số 421, tờ bản đồ số 44 Đường Phạm Văn Đồng, Phường 13, Quận Bình Thạnh thuộc quyền sở hữu/quyền sử dụng của ông Nguyễn Tiến Thanh theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở số CH 03881 do UBND Quận Bình Thạnh cấp ngày 14/05/2015, cập nhật thay đổi chủ sở hữu ngày 30/01/2018. Giao dịch thế chấp tài sản bảo đảm đã được xác lập bằng Hợp đồng thế chấp số 06/2018/HĐTC có công chứng ngày 30/01/2018 và Đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng theo quy định pháp luật”.
Thửa đất mặt tiền đường Phạm Văn Đồng đã được ông Lê Đức Dũng đặt cọc 10 tỷ. Hình nhỏ :ông Nguyễn Tiến Thanh, người đã hứa chuyển nhượng thửa đất cho ông Lê Đức Dũng nhưng đến nay không còn ở địa phưong.
Ông Lê Đức Dũng yêu cầu gặp ông Thanh mới có thể quyết định mua lại nợ hay không, phía nhân viên ngân hàng cho biết nếu ông Dũng đồng ý, ông Thanh sẽ xuất hiện. Thấy sự việc có phần phức tạp, ông Dũng chưa biết tính sao. Đột nhiên vào ngày 04/08/2019, ông Lê Đức Dũng bất ngờ được biết Ngân hàng Phương Đông (OCB) tiến hành phát mãi tài sản thông qua phiên đấu giá tại Công Ty Đấu Gía Hợp Danh Thịnh Trí có trụ sở tại số 4 Trần Quang Diệu phường 13 quận 3 Tp.HCM. Thời gian đấu giá từ 10 giờ đến 11g30 ngày 05/08/2019 tại trụ sở công ty này.
Ông Lê Đức Dũng và luật sư vội vã gửi đơn ngăn chặn nhưng không được Ngân hàng Phương Đông chấp thuận. Ông chỉ kịp xuất hiện ở buổi đấu giá diễn ra nhanh chóng trong 10 phút. Ông Dũng bức xúc: “Buổi đấu giá đã nhanh chóng kết thúc trong 10 phút với một người mua và không có ai đấu giá khác. Giá khởi điểm 26 tỷ và người duy nhất trúng luôn!”
Ông Lê Đức Dũng rất bức xúc trước việc Ngân hàng Phương Đông biết ông là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan nhưng khi đấu giá phát mãi tài sản vẫn không thông báo cho ông biết?
Hiện nay, ông Lê Đức Dũng đã hoàn tất hồ sơ và nộp đơn tố cáo ông Nguyễn Tiến Thanh cùng các bên có liên quan đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công An TP.HCM vì có hành vi lừa dối khi nhận đặt cọc chuyển nhượng đất 10 tỷ rồi bỏ trốn và có dấu hiệu thông đồng phát mãi tài sản không xuất hiện thượng lượng hoặc tất toán trả lại tiền cho ông.
Điều 328 Luật Dân sự 2015 về việc Đặt cọc
1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Theo Điều 5 Luật Công chứng 2014, các loại hợp đồng, giao dịch khi được công chứng sẽ có giá trị như một chứng cứ và không phải chứng minh các sự kiện, tình tiết trong đó trừ trường hợp bị Toà án tuyên bố là vô hiệu.
Nhóm PV BĐS – Báo PLVN