Theo số liệu mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 60.000 người tử vong năm 2016 do bệnh tim, đột quỵ, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi ở Việt Nam đều có liên quan tới ô nhiễm không khí.
Nhóm đối tượng nhạy cảm và chịu ảnh hưởng nhiều nhất của ô nhiễm bụi mịn PM2.5 và PM10 đó là trẻ em, người già, phụ nữ có thai, những người có bệnh tim hoặc các vấn đề về hô hấp. Trẻ nhỏ sống ở những nơi ô nhiễm không khí nặng khó phát triển chiều cao toàn diện và có nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao hơn từ 19 – 25% so với bình thường.
Không khí sạch là một yêu cầu cơ bản của sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Chính vì vậy, WHO đang phối hợp chặt chẽ với chính phủ và các ban ngành liên quan ở Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức về ô nhiễm không khí và tìm ra các giải pháp để bảo vệ cộng đồng khỏi ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên sức khỏe.Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam
Ô nhiễm không khí hiện đang ở mức nguy hiểm tại nhiều nơi trong khu vực châu Á. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng cứ 9/10 người trên thế giới đang hít thở bầu không khí có nồng độ chất gây ô nhiễm cao, dẫn tới 7 triệu người chết trẻ trên toàn cầu do ô nhiễm không khí xung quanh (bên ngoài) và không khí trong hộ gia đình (bên trong).
Ô nhiễm không khí đe dọa tất cả mọi người, nhưng những người nghèo nhất và những người chịu thiệt thòi nhất trong xã hội phải gánh chịu hậu quả nặng nề hơn cả. Nếu chúng ta không hành động khẩn cấp để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, chúng ta sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu phát triển bền vữngTiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc của WHO
Các hạt bụi mịn trong không khí bị ô nhiễm xâm nhập sâu vào phổi và hệ thống tim mạch. Trong số 2,2 triệu người tử vong do ô nhiễm không khí ở khu vực Tây Thái bình dương năm 2016, 29% là do bệnh tim, 27% do đột quỵ, 22% do bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 14% do ung thư phổi và 8% do bệnh viêm phổi.
Ngày càng nhiều quốc gia triển khai hành động
Cơ sở dữ liệu về chất lượng không khí bên ngoài của WHO hiện bao gồm dữ liệu của hơn 4.300 thành phố trên 108 quốc gia, trong đó có Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cơ sở dữ liệu toàn diện nhất thế giới về ô nhiễm không khí bên ngoài.
Cơ sở dữ liệu này thu thập nồng độ trung bình hàng năm của các hạt bụi mịn (PM10 và PM2.5). PM2.5 bao gồm các chất gây ô nhiễm như sun-phát, ni-tơ-rát và bụi các-bon, gây ra nguy cơ lớn nhất cho sức khỏe con người. WHO khuyến cáo các quốc gia cắt giảm ô nhiễm không khí xuống tới mức trung bình hàng năm là 20 μg/m3 đối với PM10 và 10 μg/m3 đối với PM2.5.
Theo cơ sở dữ liệu của WHO, trong năm 2016, nồng độ trung bình PM10 là 102.3 μg/m3 và PM2.5 là 47.9 μg/m3ở Hà Nội. Trong khi đó, ở thành phố Hồ Chí Minh, nồng độ trung bình PM10 là 89.8 μg/m3 và PM2.5 là 42 μg/m3.
Tiến sỹ Maria Neira, Giám đốc của Ban Các yếu tố xã hội và môi trường ảnh hưởng tới Sức khỏe cộng đồng của WHO chia sẻ: “Nhiều thành phố lớn trên thế giới đã vượt quá 5 lần mức khuyến cáo của WHO về chất lượng không khí. Điều này gây ra nguy cơ rất cao đối với sức khỏe con người. Chúng ra có thể thấy chính phủ các nước ngày càng quan tâm tới thách thức sức khỏe cộng đồng toàn cầu này. Số lượng các thành phố đang thu thập số liệu ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng. Điều đó cho thấy sự cam kết đối với việc theo dõi và đánh giá chất lượng không khí”.
Ở Việt Nam, theo như Báo cáo Môi trường Quốc gia năm 2013 – Môi trường không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu bao gồm hoạt động giao thông, sản xuất công nghiệp, xây dựng và dân sinh, nông nghiệp và làng nghề, và xử lý và chôn lấp chất thải.
Ô nhiễm không khí không phân biệt biên giới. Việc cải thiện chất lượng không khí đòi hỏi những hành động mang tính lâu dài và có sự điều phối của chính quyền các cấp. Các quốc gia, bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ với nhau để đưa ra các giải pháp. Cuối năm nay, WHO sẽ tổ chức Hội nghị toàn cầu đầu tiên về Ô nhiễm không khí và Sức khỏe, liên kết các chính phủ và các đối tác trong một nỗ lực toàn cầu nhằm cải thiện chất lượng không khí và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chất lượng không khí Hà Nội và TP.HCM báo động
Theo báo cáo thường niên The Environmental Performance Index (EPI) của Mỹ thực hiện, Việt Nam hiện đang đứng trong top 10 các nước ô nhiễm không khí ở Châu Á. Đáng lưu ý, tổng lượng bụi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang liên tục tăng cao khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động.
Năm 2016, GreenID công bố báo cáo Sơ lược tình trạng môi trường Hà Nội và TP.HCM:
Hà Nội: chỉ số AQI trung bình là 121, nồng độ bụi PM2.5 là 50.5 gấp đôi quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gấp năm lần khuyến nghị từ WHO (10 µg/m3).
TP.HCM: chỉ số AQI trung bình là 86, nồng độ bụi PM2.5 là 28.3 cao hơn so với quy chuẩn quốc gia và gấp ba lần khuyến nghị từ WHO.
Hình ảnh so sánh kích thước hạt bụi mịn PM2.5 và PM10 và sợi tóc
Nồng độ bụi trung bình trong không khí ở Hà Nội và TP.HCM vượt mức cho phép từ hai đến ba lần và có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao. Nguồn sinh ra bụi ô nhiễm ở các đô thị lớn hầu hết là từ khí thải giao thông, công trình xây dựng, đường sá và nhà máy công nghiệp. Hà Nội chỉ đứng sau New Delhi, Ấn Độ (124 µg/m3), nơi ô nhiễm không khí nặng nhất nhì thế giới.
Đối với vùng nông thôn, nhìn chung chất lượng môi trường không khí còn khá tốt. Môi trường chủ yếu bị tác động cục bộ bởi các hoạt động sản xuất làng nghề, xây dựng, đốt rơm rạ, đốt rác thải, đun nấu, v.v.