Lăng Ông – Bà Chiểu tìm được trái châu gần 100 tuổi bị mất trộm

 Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt (hay còn gọi Lăng Ông – Bà Chiểu) vừa cho tiến hành gắn lại trái châu gần 100 tuổi bị mất trộm sau khi được Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) bàn giao lại.

Trái châu cổ gần 100 năm đã về vị trí cũ

Bà Lâm Thị Hoàng Oanh – Trưởng ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt cho biết : “Chiều ngày 2.9, sau khi Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt phát hiện bị mất cắp trái châu gần 100 tuổi, chúng tôi đã nhanh chóng báo cho cơ quan công an. Do vị trí nhà văn bia ở ngay trước mộ Đức Tả quân, là vị trí có camera giám sát do vậy, nên khi mới phát hiện trái châu bị mất, Ban quản lý lăng Ông – Bà Chiểu đã trích xuất camera để tìm kiếm thông tin thủ phạm vào thời điểm trái châu bị đánh cắp. Trái châu này là sản phẩm gốm thuộc dòng gốm Cây Mai của Sài Gòn xưa. Rất buồn là hiện vật bị mất là trái châu làm bằng gốm có niên đại từ năm 1922, lắp trên nóc nhà văn bia giữa đôi rồng trong đồ án “lưỡng long tranh châu”, nằm vị trí trang trọng của lăng”.

Theo ghi nhận của ông Trần Văn Sung – phó ban quản lý di tích lăng Ông – hiện vật bị mất là trái châu làm bằng gốm có niên đại từ năm 1922, lắp trên nóc nhà văn bia giữa đôi rồng trong đồ án “lưỡng long tranh châu”.

Vị trí nhà văn bia ở ngay trước mộ đức Tả quân, là vị trí có camera giám sát. Do vậy, khi phát hiện trái châu bị mất, ban quản lý lăng Ông đã trích xuất camera để tìm kiếm thông tin thủ phạm và thời điểm trái châu bị đánh cắp.

Theo đó, người vào lăng lấy trộm trái châu là đàn ông. Trái châu này là sản phẩm gốm thuộc dòng gốm Cây Mai của Sài Gòn xưa, được tôn trí ổn định ngót trăm năm nay.

Ngay sau đó, Công an Q.Bình Thạnh (TP.HCM) bằng nghiệp vụ đã tiến hành truy tìm bắt được đối tượng. Vào ngày 8.9, Ban quản lý di tích được cơ quan công an báo là đã lấy lại được hiện vật. Tới ngày 11.9 thì cơ quan công an bàn giao lại  trái châu gần 100 tuổi cho lăng để ngày 12.9 tiến hành gắn trở lại trên nhà văn bia – nơi được xây dựng theo tài liệu là có từ năm 1920.

Tiến hành gắn lại trái châu gần 100 tuổi vừa được thu hồi sau khi bị mất trộm ở di tích Lăng Ông – Bà Chiểu
Trả lời PV Thanh Niên, ông Trương Kim Quân – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TP.HCM (Sở VH-TT TP.HCM) cho hay: “Lúc vụ việc xảy ra, Sở VH -TT TP.HCM và Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt liền báo ngay công an Q.Bình Thạnh để gấp rút truy tìm. Khi nhận được lại hiện vật, Sở VH-TT TP.HCM và Ban quản lý cũng đã tiến hành giám định lại hiện vât xem có đúng với nguyên bản hay không và trị giá cổ vật là bao nhiêu để làm căn cứ khởi tố vụ án. Tiếp đó, Ban quản lý Di tích lịch sử văn hóa lăng Lê Văn Duyệt cũng đã báo cáo và nhờ chuyên gia Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TP.HCM hỗ trợ về chuyên môn để gắn lại vị trí như cũ”.

Được biết tối 12.9, Công an Q.Bình Thạnh cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam nghi can trộm cắp trái châu gần 100 tuổi xảy ra tại Lăng Ông – Bà Chiểu và hiện vụ án đang được tiến hành các bước tố tụng theo quy định của pháp luật.

Ở TP.HCM, lăng Tả quân Lê Văn Duyệt (hay còn gọi lăng Ông – Bà Chiểu) là một trong những nơi chốn linh thiêng thờ Đức Tả quân và có khu vực đặt lăng mộ của ông và phu nhân, gồm 3 phần chính: nhà bia, lăng mộ và miếu thờ. Tùy từng khu vực khác nhau mà mỗi nơi có một câu chuyện thú vị mà người xưa gửi gắm lại qua từng nét hoa văn, từng hình ảnh và tượng tạc trạm trổ vô cùng độc đáo.
Đức Tả quân Lê Văn Duyệt là nhân vật lịch sử đặc biệt, một trong những vị khai quốc công thần nhà Nguyễn. Ông đóng vai trò quan trọng trong buổi đầu của chính quyền vương triều Nguyễn. Từ một thái giám, ông theo chúa Nguyễn Ánh tham gia xây dựng lực lượng ở Gia Định (1790 – 1802), rồi làm Tổng trấn thành Gia Định 2 lần (1813 – 1816 và 1820 -1832) có uy tín và được dân yêu kính. Khi mất, ông còn được vua Minh Mạng truy phong hàm Thái Bảo. Lăng của ông được xây dựng theo biểu thức của ngôi mộ dành cho công thần bậc nhất lúc bấy giờ ở Nam Bộ và trở thành công trình kiến trúc nghệ thuật vô cùng giá trị, đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1988.

Trái châu đã trả về vị trí cũ, cũng gần ngày Lễ hội Lăng Ông Bà Chiểu. Mọi năm thời gian lễ bắt đầu từ 30 tháng 7 và kết thúc vào 3 tháng 8

Địa điểm:  Lăng Ông Bà Chiểu tọa lạc số 126 Ðinh Tiên Hoàng – phường 1 – Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh trên một khu đất rộng 18.500 m2.

Khuôn viên Lăng ông hiện còn khá rộng, được giới hạn bởi bức tường vây quanh với chu vi 500m, cao 1,2m. Bốn cổng lăng mở ra bốn hướng:

Cổng Ðông (mở ra đường Trịnh Hoài Ðức).

Cổng Tây (mở ra đường Ðinh Tiên Hoàng).

Cổng Bắc (mở ra đường Phan Ðăng Lưu).

Cổng Nam – Cổng Tam quan (mở ra đường Vũ Tùng).

Lễ hội lăng ông bà Chiểu là hoạt động văn hóa truyền thống tưởng nhớ nhân vật lịch sử nổi tiếng đất Gia Định. Lễ hội lăng ông bà Chiểu thu hút lượng lớn du khách thập phương trẩy hội về đây để tham gia lễ hội đặc sắc ở Sài Gòn.

Ngoài ra, vào mùng 7 Tết Nguyên đán hằng năm, lễ Khai hạ – Cầu an, một điểm nhấn sinh hoạt văn hóa của người dân TP.HCM nói riêng và Nam bộ nói chung được tổ chức tại lăng đức Tả quân Lê Văn Duyệt (TP.HCM) hay còn gọi là lăng Ông Bà Chiểu, để cầu mong cho mưa thuận, gió hòa. 

Cây nêu được các chức sắc chung tay hạ xuống 
Theo đó, ngay từ trước 30 Tết, có lễ Dựng nêu và lễ Thượng Kỳ để đến đầu năm thì làm lễ Hạ nêu, sắm sửa lễ vật cúng tế trời đất, tổ tiên và trở lại công việc hàng ngày. Cây nêu (thường là cây tre) dài 5 – 6 m, được trồng trước sân nhà, trên có treo một vòng tròn nhỏ và nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng theo từng địa phương – được dựng lên nhằm ngăn không cho quỷ ngoài biển vào đất liền, tránh xa nơi cư ngụ của dân làng. Lễ Hạ nêu hay là Lễ Khai hạ – Cầu an, Khai sơn, Khai bút hay Khai ấn, tức là ngày bắt đầu lên rừng, ra ruộng hay đến công sở theo kế sinh nhai.
Lễ Khai hạ – Cầu an được cử hành long trọng bên trong chánh điện 

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top