Một nhà sưu tập cổ vật có tiếng ở Sài Gòn sau mấy chục năm xem nghề như nghiệp đã chua xót kết luận rằng: “Em ạ, ai chơi đồ cổ cũng vài lần mua nhầm đồ giả cổ. Mà phải mua nhầm nhiều lần mới mua trúng đồ thật!”
Đặt một câu hỏi khá ngây thơ: “Thế không có cơ quan nào giám định đồ cổ hả anh?”
Anh trả lời bằng giọng chậm rãi: “Em à, chắc gì họ hiểu biết hơn mình?!”
Sự thật về tình trạng hiểu biết về cổ vật của giới sưu tầm chuyên nghiệp lẫn không chuyên trong nước khá mơ hồ và khó định hình định tính. Thông thường khi có món gì quý giá cần sưu tập thì họ mới bắt đầu vận dụng kiến thức thu lượm từ kinh nghiệm, tra cứu thêm sách vở nếu có và học hỏi lẫn nhau. Mà sách vở để đối chứng gần như quá hiếm. Vì vậy, khi cả nước lên án việc sử dụng và trưng bày linh vật ngoại lai trước các đền, chùa và công sở mới té ngữa vì khả năng hiểu biết hạn hẹp.
Ấn có núm hình rồng cuốn, biểu trưng cho quyền lực nhà Nguyễn. Hiện vật có giá trị đặc biệt trong sưu tập kim bảo triều Nguyễn, đã được công nhận là bảo vật quốc gia.
Cách đây khoảng một năm, tòa soạn nhận được phản ánh của bạn đọc về việc sư tử đá trước trụ sở UBND huyện Hàm Tân – Bình Thuận là ngoại lai cần bài trừ. Chúng tôi đã đưa hình ảnh đó đến nhiều cơ sở điêu khắc đá và tranh tượng nhờ xác định xem sư tử này có đúng của Trung Quốc hay không? Giám đốc một công ty chuyên điêu khắc lắc đầu không tiếp nhận. Ông còn cho rằng việc giám định rất phức tạp và mẫu tượng này thuộc dạng… đẹp và hài hòa, rất tốt cho phong thủy (?!)
Nghĩa là, trong chừng mực hiểu biết của công chúng, những linh vật mới được bổ sung để trấn giữ trong chùa, đền và công sở hoàn toàn mang ý nghĩa trang trí hoặc phong thủy nào đó chứ chẳng phải nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa gốc rễ gì của dân tộc.
Ngày 28/8/2014, Bộ VH-TT-DL đã có công văn số công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL chỉ đạo các Ban, Ngành, Sở, các cơ quan đơn vị về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Lập tức, Giáo Hội Phật Giáo VN ủng hộ nhiệt tình với thông tư số 196 /CV-HĐTS về việc không bài trí và di dời các tượng sư tử đá, các linh vật khác không phù hợp với mỹ thuật truyền thống Việt Nam ra khỏi các cơ sở thờ tự.
Trong công văn của Giáo Hội Phật Giáo VN còn ghi rõ “Hướng dẫn trụ trì các chùa, cơ sở tự viện không tiếp nhận công đức tượng sư tử đá, biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Nếu cơ sở thờ tự, tự viện nào có nhu cầu bài trí linh vật, biểu tượng cần phải liên hệ với Ban Văn hóa trung ương GHPGVN để được hướng dẫn cụ thể về hình tượng và cách bài trí theo đúng truyền thống trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam”.
Trước sự cương quyết của Nhà nước và toàn dân, mọi người rất muốn hưởng ứng nhưng thật sự chưa biết phải làm thế nào cho đúng. Bởi vì, chúng ta chưa có bảng chuẩn về linh vật thuần Việt và chưa tuyên truyền rộng rãi để nâng cao nhận thức của người dân. Vì vậy, ngay cả những người làm nghề điêu khắc lâu năm cũng chỉ đục đẽo nặn những món hàng dễ bán và hài hòa. Mà những món dễ bán đa phần là đẹp và mô phỏng theo linh vật của Trung Quốc và các nước bạn.
Nói đến linh vật đã rối, nói đến cổ vật quốc gia càng rối hơn. Dạo một vòng qua các Bảo tàng quốc gia nhiều nước trên thế giới, danh sách Bảo vật Quốc gia đều lên đến con số trên 2.000. Đơn cử danh sách Bảo vật Quốc gia của Phần Lan được công bố có khoảng… 75.000 hiện vật được xếp hạng và sẽ hoàn chỉnh hình ảnh 3D đến 85.000 hiện vật để công chúng tiện chiêm ngưỡng và tra cứu.
Trong tình hình chiến sự tên bay đạn lạc hiện nay, Bảo tàng Quốc gia ở Baghdad bị trúng đạn liên tục nhưng đã cố gắng di dời và cất giấu 8.366 các hiện vật có giá trị nhất vào nơi an toàn. Viên chức quản lý bảo tàng cho biết: “Những khu vực trưng bày có niên đại 2.000 năm cũng trúng đạn. Đây có thể là một thảm họa cho di sản văn hóa tại Iraq”.
Chúng ta, với lịch sử hơn 4.000 năm có bao nhiêu Bảo vật Quốc gia? Năm 2013 mới có thêm 37 hiện vật được công nhận, bao gồm Trống đồng đền Hùng, trống đồng Cẩm Giang, bộ khóa đai lưng bằng đồng của văn hóa Đông Sơn, Bia Xá Lợi Tháp Minh có niên đại năm 601, chuông chùa Bình Lâm thời nhà Trần… Hai bức tranh của danh họa Trần Văn Cẩn và Tô Ngọc Vân là “em Thúy” và “Hai thiếu nữ và em bé” cũng bước vào danh sách Bảo vật Quốc gia, chấm dứt sự sưu tầm ồn ào, lọc lừa bao nhiêu nhà sưu tầm trong và ngoài nước.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 9/2014, một sự kiện về Báu vật Quốc gia gây xúc động toàn thế giới là nghĩa cử cao đẹp của đất nước Australia khi trao trả hai báu vật có giá trị hơn 5 triệu USD (khoảng 5,3 triệu đô la Úc) về cho Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ – ông Narendra Modi – tiếp đón nồng hậu Thủ tướng Úc và phát biểu những câu chân tình như sau: “Tôi muốn truyền đạt đến Thủ tướng Abbott ý nghĩa và lòng biết ơn của 1,25 tỉ người dân của Ấn Độ đối với những nỗ lực của nhân dân Úc đã tìm và trao trả 2 Báu vật Ấn Độ bị đánh cắp”.
Đó là bức tượng thần Shiva Nataraja bằng đồng 900 năm tuổi và tượng đá Ardhanariswara (Shiva ở dạng nửa nữ) khoảng năm 1100. Thư viện Quốc gia Úc tại Canberra đã mua bức tượng Shiva Natarja với giá 5 triệu USD vào năm 2008 từ một tay buôn cổ vật ở New York.
Gần đây nhất, giới sưu tầm trong nước háo hức trước sự trở về của các Báu vật hoàng cung triều Nguyễn. Đó là chiếc long sàng (giường của vua) và chiếc xe kéo thời vua Thành Thái được xem như cổ vật độc bản và có giá trị rất cao cả mặt kỹ thuật, mỹ thuật lẫn văn hóa lịch sử được Pháp mang ra bán đấu giá. Hai báu vật này thuộc về ông Prosper Jourdan, từng là Trưởng bộ phận bảo vệ trong cung lúc bấy giờ, mua được và để lại cho con cháu nên chúng ta không thể lấy uy thế của đất nước mà “giật” về dễ dàng.
Rất may mắn Báu vật độc nhất vô nhị của chúng ta, chiếc xe kéo chỉ ra bán với giá khoảng 55.800 Euro, còn giường có giá khoảng 124.000 Euro mà vận động mệt mỏi từ trong đến ngoài nước góp sức mua được. Thế mà còn bị chê lên chê xuống, mắc với rẻ, nên mua hay bỏ. Nếu giá Báu vật của chúng ta lên cao vài triệu đô như Báu vật tượng thần của Ấn Độ trong… vài trăm năm nữa, chắc con cháu chẳng còn gì để ngắm nhìn, tưởng nhớ và hiểu về tiền nhân!
Bây giờ, việc làm trước mắt của những người có hiểu biết về cổ vật là cùng nhau hệ thống và đóng góp vào một danh sách các loạt cổ vật, báu vật và linh vật chuẩn của người Việt và các dân tộc anh em. Khi đã có bảng chuẩn xác mới biết ai làm sai, ai ngoại lai và chúng ta còn thiếu những gì phải nhanh chân đi mua về hoặc vận động hiến tặng để trở thành Văn hóa di sản của nhân loại.
- Linh Lan