Năm 2014, ngành Y tế nhiều nước phát triển trên thế giới đang chuyển hướng làm hài lòng bệnh nhân qua việc trao nhiều quyền chọn lựa hơn. Còn ngành Y tế VN đang đánh vật với tỷ lệ 7 bác sĩ chăm sóc và chữa bệnh cho 10.000 bệnh nhân mỗi năm nên ước mơ hiện tại là giảm tải, giãn bệnh nhân các tuyến Trung ương và thành phố lớn. Để đạt được mục tiêu gần này, ngành Y tế VN phải đối mặt với nhiều thách thức khách quan, chủ quan và cần nhiều sự thay đổi từ chính sách.
Dồn ứ bệnh nhân tuyến trên do giá rẻ?
Nếu mang câu “Của rẻ là của ôi” áp dụng vào ngành Y tế VN chắc chắn sẽ khó giải thích vì sao người dân cứ tin tưởng vào chất lượng khám chữa bệnh của các bệnh viện công tuyến Trung ương và thành phố. Bởi vì chi phí khám và chữa bệnh ở đây luôn rẻ hơn các bệnh viện tư nhưng chất lượng lại bảo đảm. Cùng một loại hình khám chữa bệnh, khỏang cách giữa bệnh viện công và tư lệch nhau từ 6 đến trên… 20 lần.
Ví dụ, một ca sinh mổ có cùng thời gian nằm viện, ở bệnh viện Từ Dũ mất khoảng 4 đến 6 triệu đồng thì ở các bệnh viên tư khác có giá từ 15 triệu đến 18 triệu đồng trở lên. Sự khác nhau duy nhất là cảm giác thoải mái và được chăm sóc tận tận tình, thăm hỏi ân cần của các y bác sĩ bệnh viện tư. Tuy nhiên, nếu có sự cố, mọi hậu sự sẽ được chuyển thẳng về Từ Dũ và bệnh viện tư phủi bỏ trách nhiệm những thăm khám trước đây hoặc năn nỉ – thương lượng thân nhân bệnh nhân không bùng thông tin ra báo chí.
Nhìn chung, chính sách viện phí, giá thu nhiều dịch vụ không phù hợp với thực tiễn cung cấp dịch vụ, chậm thay đổi để phù hợp với giá thị trường, trong bối cảnh thực hiện tự chủ, nhiều bệnh viện công phải duy trì công suất giường bệnh ở mức cao nhất có thể để đảm bảo nguồn thu, đã dẫn đến một số hậu quả như hiện tượng lạm dụng kỹ thuật chẩn đoán, điều trị, giữ bệnh nhân lâu hơn. Giá thu viện phí ở tuyến trên so tuyến dưới không khác nhau nhiều; tự ý vượt tuyến vẫn được thanh toán bảo hiểm y tế (30%); một số lãnh đạo bệnh viện thậm chí còn muốn có quá tải,… đã tác động làm phá vỡ tuyến điều trị, càng dồn ép bệnh nhân về tuyến trên.
Nguồn nhân lực cho Y tế thiếu trầm trọng nhưng không dám tuyển
Theo thống kê của Bộ Y tế, bình quân 7 bác sĩ chăm sóc và chữa bệnh cho 10.000 dân nhưng các tỉnh vùng sâu, vùng xa tỷ lệ này lại rất thấp. Như Đồng Tháp chỉ đạt 4,2 bác sĩ/vạn dân; Lai Châu 3,3 bác sĩ/vạn dân… Đó là chưa kể, tình trạng chênh lệch, thiếu hụt điều dưỡng càng trầm trọng hơn. Đối với khu vực bệnh viện, tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ cần phải đạt là 2,5 – 3,5, nhưng hiện mới đạt 1,7/bác sĩ và càng ở bệnh viện tuyến trên thì tỷ lệ này càng thấp.
Với mong muốn tiến đến 1 bác sĩ phục vụ dưới 40 bệnh nhân mỗi ngày thì cả nước đang cần thêm vài triệu bác sĩ. Thế nhưng, sinh viên ngành Y ra trường vẫn thất nghiệp và không xin được chỗ làm trong các bệnh viện công dẫn đến thất nghiệp tràn lan. Tính riêng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch mỗi năm đào tạo ra trường trung bình 400 người nhưng chỉ sử dụng được một nửa.
Một trong những yếu tố làm các bệnh viện công không dám tuyển nhiều bác sĩ mới mỗi năm là sợ chia sẻ quỹ lương vốn rất nhỏ hẹp. Với vòng quay thiếu bác sĩ – chi phí khám chữa bệnh không đúng với giá thị trường nên nhà nước phải bù lỗ – số giường bệnh không tăng thêm… đã dẫn ước mơ giảm tải của toàn ngành Y tế VN đi vào ngõ cụt bế tắc. Thực tế không những không giảm tải được, mỗi bệnh viện công tuyến Trung ương và thành phố lớn lại đối mặt với việc tăng bệnh nhân từ 10% trở lên mỗi năm.
Trước tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, các bệnh viện tư nhân càng khó khăn hơn khi việc dịch chuyển đội ngũ y tế có tay nghề, kinh nghiệm của bệnh viện công sang làm việc tại bệnh viện tư chưa được hợp pháp hóa, đặc biệt là bác sĩ. Từ đó, định hướng xã hội hóa bệnh viện nhằm giảm áp lực cho bệnh viện công đã tạo thành làn sóng đầu tư và xây dựng bệnh viện tư chất lượng cao nhưng vắng bệnh nhân đến khám vì bác sĩ yếu chuyên môn.
Một chủ đề mới đang được rất nhiều chuyên gia kinh doanh và đầu tư vào lĩnh vực y tế trên thế giới quan tâm tìm hiểu trong trang fiercehealthcare.com là việc kết hợp 3 hệ thống y tế của nhà nước, tư nhân và dịch vụ y tế cộng đồng mới có thể chuyển hướng và phát triển chất lượng khám chữa bệnh. Mà một trong những vấn đề được các nước phát triển quan tâm hàng đầu chính là việc xóa nhòa lằn ranh bệnh viện công và tư, đẩy mạnh quyền tự do chọn lựa dịch vụ khám chữa bệnh và phục vụ theo mô hình lưu động tận nhà.
Đừng đẩy xã hội hóa bệnh viện thất bại…
Trong khi nhiều bệnh viện công đang trong tình trạng quá tải trầm trọng, công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức 90 – 110%. Bệnh nhân thường phải nằm ghép 3-4 người một giường, thậm chí có nơi 7-8 người thì trong một diễn biến khác, hoạt động của khối bệnh viện tư nhân đang gặp quá nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều bệnh viện tư đã phải hoạt động cầm chừng, nhiều nơi đã phải đóng cửa hoặc phá sản.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), sau 10 năm thực hiện chủ trương xã hội hóa về lĩnh vực y tế của Đảng và Nhà nước, trên toàn quốc đã có 170 bệnh viện tư nhân (tăng gấp 4 lần), với 45.000 giường bệnh nội trú, nếu tính suất đầu tư giường bệnh là 2,5 tỷ đồng thì tổng mức đầu tư là trên dưới 120.000 tỷ đồng. Nhiều bệnh viện quy mô lớn từ 400-500 giường bệnh, được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cao. Dù vậy, tỷ lệ bệnh nhân đến khám tại các cơ sở này rất thấp, chiếm chưa đến 10% tổng số bệnh nhân đến điều trị nội, ngoại trú hàng năm của cả nước. Công suất sử dụng giường bệnh luôn ở mức dưới tải, mới chỉ khai thác khoảng 40-60%, như vậy trên cả nước còn bỏ không khoảng 20.000 giường bệnh, nhiều cơ sở vật chất đầu tư tốn kém nhưng lại bị bỏ hoang, thu không bù chi nên rất lãng phí đầu tư.
Sở dĩ có sự đối lập như vậy là do quan điểm của một số cơ quan quản lý nhà nước đã chưa đánh giá đúng đắn vai trò vị trí của khối bệnh viện tư nhân dẫn đến việc khối tư nhân thiếu sự hỗ trợ cần thiết trong quá trình phát triển của mình, cụ thể:
– Tư tưởng cho rằng khối bệnh viện tư chiếm tỷ trọng thấp so với khối bệnh viện công lập, chất lượng khám chữa bệnh chưa bảo đảm nên không quan tâm đúng mức; từ đó đã ban hành những cơ chế chính sách chưa thực sự khuyến khích sự phát triển của bệnh viện tư.
– Một số chính sách quy định của các Bộ, ngành còn bất cập và luôn thay đổi bất thường làm ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện như chính sách khuyến khích đầu tư bệnh viện, tuy được ưu đãi về đất, thuế, nhưng trong quá trình đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị không được khấu trừ thuế đầu vào.
– Thực trạng Bệnh viện công không hỗ trợ bệnh nhân chuyển tuyến không những không giảm mà còn gia tăng, nhất là khi khi muốn chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư.
– Việc phân thẻ BHYT hàng năm đã trở lại thời kỳ bao cấp: Sở Y Tế và cơ quan quản lý BHXH tham mưu, UBND cấp tỉnh, thành phố ra quyết định nên có nhiều bất cập cào bằng, tạo cơ chế xin cho, không phù hợp với Luật bảo hiểm y tế.
– Ngoài ra, về công tác đào tạo nhân lực, vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử giữa khu vực công-tư; mức thu kinh phí đào tạo của nhân sự bệnh viện tư hiện cao gấp đôi đối với khu vực bệnh viện công.
– Nhà nước quy định các cơ sở y tế công lập phải mua thuốc tập trung qua các đơn vị trúng thầu, nhưng lại ép các bệnh viện tư phải mua những đơn vị này, đây là hành động trái với quy luật thị trường và nảy sinh những vấn đề bất cập ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện.
– Bên cạnh đó, trong quá trình chỉ đạo thực hiện và ban hành chính sách, khu vực bệnh viện tư luôn bị đối xử không công bằng, các văn bản pháp luật hỗ trợ khoa học công nghệ, hỗ trợ vốn…. ít đề cập hướng dẫn, thậm chí bị lãng quên.
Nếu không tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện tư, ngay lúc này, sẽ có hàng loạt nhà đầu tư rút vốn và tháo chạy. Lúc đó, sự phát triển toàn ngành Y tế VN chắc chắn sẽ vô cùng khó khăn đạt được mục tiêu giảm tải đến năm 2020. Vì vậy, đã mở cửa kêu gọi xã hội hóa bệnh viện thì phải tạo cơ chế điều phối sao cho bệnh viện công và tư cùng có trách nhiệm giải quyết mọi vấn đề của ngành như nhau. Thậm chí, nên dồn những chuyên khoa thăm khám lâm sàn, tổng quát và điều trị lâu dài qua bệnh viện tư để bệnh viện công dồn sức cho những thành tựu về y khoa hoặc tập trung vào các chuyên khoa đặc biệt cần sự đầu tư lớn của Nhà nước.
Dĩ nhiên, khi bệnh viện tư phải gánh vác trách nhiệm như bệnh viện công thì việc giảm phí nhưng không giảm chất lượng được đặt lên hàng đầu.
- Thúy Quỳnh