Mỗi ngày, Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cung cấp 1,8 triệu m3 nước cho người dân TP.HCM. Đây là nước lấy từ sông Đồng Nai. Vậy quy trình từ nước sông đến nước sạch như thế nào?
Hiện tại, mỗi ngày Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cung cấp 1,8 triệu m3 nước sạch cho người dân TP.HCM thông qua 7 nhà máy nước lớn và một vài trạm bơm nước nhỏ.
Trong số đó, nhà máy nước Thủ Đức có công suất thiết kế lớn nhất 750.000m3/ngày đêm. 5 nhà máy có công suất 700.000m3/ngày đêm và 1 nhà máy có công suất 100.000m3/ngày đêm và có 1 nhà máy nước ngầm đang vận hành hiện hữu công suất 60.000m3/ngày đêm.
Hình ảnh xử lý nước tại Nhà máy nước Thủ Đức
Việc an toàn nước được bảo đảm ra sao?
Ông Trần Kim Thạch, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nước, thuộc Sawaco cho biết công ty có nhiều giải pháp để quan trắc nguồn nước liên tục, từ đó có cảnh báo kịp thời về diễn biến của nguồn nước. Các công đoạn xử lý nước từ nước sông thành nước sạch luôn có những ngưỡng giới hạn để đảm bảo chất lượng nước đầu ra. Chất lượng nước được giám sát theo quy chuẩn giám sát chất lượng nước của Bộ Y tế.
Dù có hệ thống quan trắc online, nhưng để đảm bảo hơn về chất lượng nước cho người dân, hàng giờ nhân viên của công ty đều giám sát chất lượng nước đầu ra với các chỉ số pH, hàm độ clo dư, vi sinh làm sao đảm bảo cho người dân. Xung quanh nhà máy luôn có thiết bị giám sát chất lượng nước liên tục, từ đó phát hiện nhanh những diễn biến bất thường về chất lượng nước.
Theo ông Thạch, tất cả các nhà máy nước của Sawaco đều được hỗ trợ của Công an thành phố trong việc bảo vệ các công trình trọng điểm bảo vệ an toàn an ninh cấp nước. Bên trong các nhà máy cũng có đội ngũ bảo vệ và camera giám sát tất cả khu vực để đảm bảo hạn chế tối đa người lạ có thể xâm nhập vào nhà máy.
Nước sạch có mùi clo nhưng vẫn trong giới hạn cho phép!
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nước sạch khi đến người sử dụng đôi khi có mùi clo rất đậm, ông Thạch giải thích: Ở nhà máy xử lý nước, công ty phải châm clo để đảm bảo diệt vi sinh có hại cho người dân sử dụng nước, hàm lượng clo khi ra khỏi nhà máy thường ở ngưỡng khoảng 1mg/lít. Đây là giới hạn cho phép theo Thông tư của Bộ Y tế.
“Những người dân ở khu vực đầu nguồn ở gần các nhà máy nước, đặc biệt là buổi sáng thì thấy mùi clo nặng nhưng mùi này không ảnh hưởng gì tới sức khỏe người dân”, ông Thạch nhấn mạnh.
Thời gian qua, nhiều người “làm thí nghiệm” kiểm tra chất lượng nước bằng việc bịt một miếng bông hoặc vải trắng ở vòi nước và cho nước chảy riu riu qua đêm. Sáng hôm sau, miếng bông hoặc vải trắng có màu vàng như rỉ sét và mọi người kết luận nguồn nước bị ô nhiễm. Về vấn đề này, ôông Thạch cho biết người dân đang hiểu sai về nước sạch.
“Trong bồn hoặc vải trắng thường có hợp chất hữu cơ ở trong đó, clo trong nước sẽ oxy hóa các hợp chất hữu cơ này nên xuất hiện màu vàng. Mặt khác, theo quy định của Bộ Y tế và trên Thế giới khuyến cáo là sử dụng nước có ion, do vậy trong nước luôn tồn tại lượng ion ở ngưỡng không ảnh hưởng sức khỏe. Đặc biệt ban đêm khi mình không sử dụng, lượng nước đứng ở đường ống có khả năng tạo ra kết tủa. Buổi sáng mở nước ai tinh ý sẽ thấy có một vài tủa chảy ra ban đầu. Do vậy, khi bịt bằng bông hoặc vải trắng, những tủa này được giữ lại có màu vàng như rỉ, sét. Tất cả đều nằm trong ngưỡng cho phép của Bộ Y tế. Do vậy, Trung tâm y tế dự phòng luôn khuyến cáo hộ dân, chung cư nên súc rửa bể chứa nước 1 năm 2 lần”, ông Thạch phân tích.
Quy trình từ nước sông đến nước sạch
Tại trạm bơm cấp 1 (trạm bơm Hóa An), nước sông Đồng Nai được thu vào 3 hầm thu nước, qua 2 ống thu nước đường kính 2.000mm dài 34m tính từ mép sông, đặt dưới mực nước sông trung bình là 4m. Tại các miệng thu nước có đặt song chắn rác để giữ rác lớn. Tại ngõ vào hầm có đặt 3 máy lược rác tự động để thu gom rác nhỏ. Tại nhà máy, nước sông được tiếp nhận từ bể giao liên, rời bể giao liên, nước được dẫn qua ống ngầm có lắp đồng hồ đo lưu lượng nước sông nối tiếp với kênh dẫn hở. Tiếp đến nước đi qua bể phân phối nước hình thang để phân phối nước đều cho 7 bể lắng ngang. Tại bể này có đặt hệ thống thổi gió, sục khí để bông cặn không lắng xuống
Bể lắng ngang gồm 5 bể lớn và 2 bể nhỏ. Giai đoạn này giữ lại phần lớn các hạt lơ lửng trong nước (80%), cặn lắng xuống nhiều nhất ở ¼ chiều dài bể lắng. Thời gian lưu nước trong bể khoảng 2 giờ. Nước sau khi qua bể lắng được đổ vào 1 kênh dẫn, phân phối nước cho 20 bể lọc. Lượng bùn lắng tích tụ nhiều ảnh hưởng đến cơ chế thủy lực trong bể, vì vậy khoảng 5-6 tháng bể được xả bùn và vệ sinh một lần.
Bể lọc được chia làm 2 dãy, mỗi dãy 10 bể, kết cấu bể lọc đáp ứng yêu cầu công nghệ Degremont. Mỗi bể lọc có diện tích 132m2, tốc độ lọc trên 13m/ giờ, công suất lọc 50.000m3/ngày đêm.
Bể lọc có khoang thu nước ở đáy bể, phía trên là lớp đan đỡ vật liệu lọc, đan có lỗ gắn chụm lọc nhựa. Lớp vật liệu lọc được sắp xếp thành 2 lớp: lớp sỏi dày khoảng 150mm nằm bên dưới và lớp cát dày khoảng 950mm nằm bên trên.
Từ bể lọc nước được thu vào 1 mương chung dẫn đến bể trộn thứ cấp, bể có trang bị 2 máy khuấy 50HP. Tại đây có đường ống châm các dung dịch: Clo để khử trùng, Fluor để chống sâu răng, vôi để ổn định hóa nước, đảm bảo tiêu chuẩn nước sinh hoạt. Sau đó, nước được chuyển về 4 bể chứa nước sạch với tổng thể tích chứa là 250.000m3.
Dù được tự động hóa nhưng những nhân viên của công ty luôn túc trực để theo dõi các chỉ số về nước. Nếu phát hiện bất thường sẽ ngay lập tức can thiệp xử lý
Nước từ các bể chứa nước sạch dẫn vào trạm bơm cấp 2 bằng 1 mương dẫn ngầm. Trên mương có gắn 1 Ventury đo lưu lượng nước, tại đây lắp song song nối với ống góp đường kính 2000mm và nối tiếp đường ống truyền tải nước sạch đường kính 2000mm.
Dù có hệ thống quan trắc online, nhưng để đảm bảo hơn về chất lượng nước cho người dân, hàng giờ nhân viên của công ty đều giám sát chất lượng nước đầu ra với các chỉ số pH, hàm độ clo dư, vi sinh trong ngưỡng an toàn
Người dân ở khu vực đầu nguồn ở gần các nhà máy nước, đặc biệt là buổi sáng thì thấy mùi clo nặng nhưng mùi clo này không ảnh hưởng gì tới sức khỏe
Nguồn: Thanh niên
TPHCM nghiên cứu, tiến tới mục tiêu nước uống tại vòi cho người dân
Sáng 27/9/2019, UBND TPHCM tổ chức Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu ứng dụng nhằm cung cấp nước sạch cho người dân – Khuyến nghị cho Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 – 2035”. Nhằm lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà quản lý về vấn đề đảm bảo cung cấp nước sạch liên tục, ổn định và đầy đủ cho người dân cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước, tiến tới cung cấp được nước uống tại vòi cho người dân Thành phố. Tham dự có Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan.
Hiện nay, nguồn nước thô của thành phố được khai thác từ hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai, nhưng thành phố Hồ Chí Minh lại nằm phía cuối lưu vực hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai nên vấn đề ô nhiễm nguồn nước do tác động của sự phát triển kinh tế, xã hội dọc theo lưu vực hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai là rất lớn mà thành phố rất khó để kiểm soát. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước thô cung cấp cho thành phố, thiếu khả năng dự phòng để ứng phó với diễn biến bất ngờ của nguồn nước thô… gây mất an toàn cấp nước trong tương lai.
Bên cạnh đó, hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước mặc dù được đầu tư phát triển nhanh chóng và cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn chỉnh hơn giúp đáp ứng được yêu cầu truyền tải và phân phối nước đến người dân, nhưng cũng còn một số tồn tại như hệ thống phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử, nhiều hạng mục công trình được đầu tư đã nhiều năm cần được cải tạo, quy hoạch mạng lưới cấp nước thành phố được cấu tạo mạng vòng, không có những bể chứa nước để điều phối và dự phòng trên hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước. Áp lực nước trên hệ thống cấp nước của thành phố chưa đồng đều cao ở khu vực đầu nguồn nước (khu vực gần nhà máy nước) và thấp ở khu vực cuối nguồn (xa nhà máy nước), nguyên nhân là do không có các bể chứa trung gian và trạm bơm trung gian nhằm kiểm soát áp lực nước trên hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước.
Chất lượng nước tại các nhà máy nước sau khi xử lý đạt quy chuẩn nước dùng cho ăn uống trực tiếp, nhưng đến người sử dụng một số chỉ tiêu chất lượng nước chưa đảm bảo như hàm lượng chất khử trùng chlorine,… do hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước, thời gian lưu nước trên mạng lưới không đồng đều, có những khu vực có thời gian lưu nước trong khoảng 12 – 24 giờ, vận tốc nước di chuyển rất thấp sẽ gây ra hiện tượng lắng cặn trong đường ống.
Tại Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu ứng dụng nhằm cung cấp nước sạch cho người dân – Khuyến nghị cho Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2019 – 2035” làm rõ các vấn đề như: Đánh giá thực trạng việc quản lý, đầu tư xây dựng, chất lượng nước và vận hành hệ thống cấp nước hiện nay trên địa bàn thành phố; Các bài học kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống cấp nước ở các thành phố lớn trong nước và ngoài nước; Định hướng phát triển và các giải pháp thực hiện nhằm phát triển, quản lý và vận hành hiệu quả hệ thống cấp nước; Đề xuất các chính sách, chủ trương, quy định cần thiết để phát triển hệ thống cấp nước tiến đến mục tiêu uống được tại vòi… Để Thành phố HCM sẽ xây dựng đề án để xây dựng hệ thống cấp nước Thành phố đáp ứng được yêu cầu của thành phố trong từng giai đoạn và tiến tới cung cấp được nước uống tại vòi cho người dân Thành phố.
Hội thảo tiếp nhận hơn 20 bài tham luận gửi đến hội thảo với nội dung liên quan đến các bài học kinh nghiệm về mô hình quản lý ngành nước, công tác quản lý và vận hành hệ thống cấp nước, công tác quản lý và giám sát chất lượng nước, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành nước của các chuyên gia đến từ các quốc gia trên thế giới (Úc, Philippine, Italia, Hungary, Hà Lan, Malaysia, Singapore…) Và các chuyên gia trong nước đến từ các hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh đó, hội thảo chia sẻ 5 lĩnh vực khác nhau liên quan đến lĩnh vực ngành nước, được các chuyên gia nước ngoài thảo luận làm rõ được các vấn đề về thực trạng việc quản lý, đầu tư xây dựng, chất lượng nước và vận hành hệ thống cấp nước hiện nay trên địa bàn thành phố, các bài học kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống cấp nước và định hướng phát triển và các giải pháp thực hiện nhằm phát triển, quản lý và vận hành hiệu quả hệ thống cấp nước.
Được biết, tính đến tháng 9-2019, tổng công suất cấp nước tại TP Hồ Chí Minh đạt 2,4 triệu m3/ngày với tỷ lệ hộ dân thành phố được cấp nước sạch là 100%, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng nước cho người dân thành phố trong sản xuất và sinh hoạt. Theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2025 tổng công suất cấp nước của thành phố là 3,7 triệu m3/ngày.
Nguồn: http://sawaco.com.vn/