Quy hoạch và phát triển sông Sài Gòn theo hướng nào?

Nhắc tới TPHCM, nhiều người nghĩ ngay đến sông Sài Gòn được xem như tài sản vô giá! Sài Gòn xưa được lấy tên từ một con sông tiêu biểu. Người ở, người đến và người đi đều ấn tượng với Sài Gòn. Ngày nay vẫn còn gọi và viết “Sài Gòn – TPHCM”. Nhiều ý kiến về quy hoạch và phát triển Đô Thị dọc theo sông Sài Gòn

Bờ sông Sài Gòn phải dành cho mục đích công cộng

TS.KTS LÊ VĂN NĂM, nguyên kiến trúc sư trưởng TP.HCM và nhiều năm làm chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, là người đã gắn bó với ngành quy hoạch TP gần cả đời người. Ý kiến được báo Tuổi trẻ ghi nhận vào năm 2015

Một góc sông Sài Gòn xưa

Người làm quy hoạch của TP phải lưu ý điều gì khi quy hoạch lại khu bờ tây sông Sài Gòn (khu vực quận Bình Thạnh, quận 1 và quận 4)?

– Những cảng quân sự như Tân Cảng, Ba Son, cảng Sài Gòn được di dời ra xa để lại một dải đất lớn ven sông. TP có chủ trương đưa vùng đất này phục vụ dân sinh đô thị, đặc biệt là tạo thêm cảnh quan sông nước càng phong phú, tươi đẹp, có thêm mảng xanh, làm cho môi trường sống của TP ngày càng được cải thiện.

Nay có cơ hội biến những bất hợp lý cũ thành cái mới nhiều lần tốt hơn cho hôm nay và mai sau. Làm gì cho khu vực này cũng phải nghĩ đến ít nhất năm bảy chục năm sau chứ không thể nói mình chỉ giải quyết công việc này trong vòng năm bảy năm được.

* Theo tiêu chí trên thì khu bờ tây phải bố trí những công trình gì phù hợp?

– Đầu tiên phải giải quyết mảng xanh, kế đến là dịch vụ cho người dân tại chỗ và các nơi, các công trình phục vụ cộng đồng nhiều hơn. Tất nhiên cũng nghĩ đến sinh lợi nhưng chính là cái lợi từ cuộc sống bình yên, tốt đẹp, được cải thiện và nâng cao mức sống cho người dân chứ không phải vì mục tiêu kinh tế đơn thuần.

Tôi mong muốn ghê gớm một mảng xanh nhân tạo ven bờ sông Sài Gòn với rừng cây chỗ thấp chỗ cao, chỗ dày chỗ thưa xen cài những công trình phúc lợi, có những bến thuyền du lịch, hành lang đi bộ xen cài trong cây xanh sát với bờ sông… như nhiều nơi trên thế giới.

Chính cảnh quan hấp dẫn này gắn dòng sông với đời sống đô thị, đúng nghĩa là văn hóa sông nước cho người dân tại chỗ và khách thập phương đến để hưởng thụ. Kiến trúc theo bờ sông phải thấp thôi, những công trình cao tầng để khai thác về kinh tế không nên quá gần bờ sông.

Những khoảng hở của công trình dọc bờ sông cũng rất quan trọng để đón gió từ sông lên đô thị càng xa càng tốt. Đó là những không gian mở về cảnh quan thiên nhiên và phong thủy hợp lý chứ công trình dày đặc thì không nên.

Kỹ sư cầu đường TRẦN VĂN TƯỜNG có bài viết đăng trên báo SGGP

Thương cảng hàng đầu vùng Viễn Đông

Cơ quan chức năng đang tìm kiếm ý tưởng quy hoạch chung TPHCM, nên chăng xây dựng phát triển đô thị theo hướng gìn giữ bảo vệ và khai thác sông Sài Gòn. Tính độc đáo với đề tài này là tận dụng điều kiện tự nhiên, không gian sông nước để phát triển hài hòa và bền vững. Quy hoạch theo hướng hội tụ những gì thuộc về quá khứ, hiện tại, tương lai cùng với thiên thời, địa lợi để TPHCM làm nên “kỳ tích sông Sài Gòn”. 

Tìm hiểu lịch sử phát triển thành phố chúng ta sẽ biết kể từ thế kỷ 20, Sài Gòn đã là một thương cảng hàng đầu vùng Viễn Đông, xuất khẩu 75% lượng hàng hóa cho xứ Đông Dương. Sông Sài Gòn kết nối nhiều địa phương, còn là cửa ngõ ra thế giới. Sài Gòn lúc đó được quy hoạch với nhiều công trình kết nối nổi bật còn tồn tại đến ngày nay như các bến cảng, chợ Bến Thành, Nhà hát lớn, Bưu điện trung tâm, Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập… Nhiều điểm vui chơi, giải trí, phát triển kinh tế hướng ra sông Sài Gòn. Kênh Lớn (nay là đường phố đi bộ Nguyễn Huệ), kênh Xáng (nay là đường Hàm Nghi) có những khu chợ thông thương và tổ chức các sự kiện quốc tế. Dọc bờ sông Sài Gòn hiện có công viên bến Bạch Đằng, bến Nhà Rồng, cảng Ba Son, Tân Cảng… Các hoạt động này với đóng và sửa chữa tàu thuyền, dịch vụ vận tải giao nhận hàng hóa, thương mại với các hoạt động “trên bến dưới thuyền” đã làm nên trụ cột văn hóa và kinh tế hàng trăm năm trước cho Sài Gòn – TPHCM. 

Ngày nay thuận lợi hơn trong giao thông với hàng loạt cây cầu Bình Phước, Bình lợi, Bình Triệu, Sài Gòn, Thủ Thiêm, Chữ Y, Phú Mỹ… Tuyến buýt đường thủy từ quận 1 về phường Linh Đông (TP Thủ Đức). Cầu Thủ Thiêm 2 đang được xây dựng. Dấu ấn lịch sử kết nối nhiều di tích với địa điểm văn hóa như các chùa, nhà thờ, khu đô thị Thủ Thiêm, quảng trường Mê Linh. Sông Sài Gòn có đặc điểm độc đáo như hình một con rồng lớn đang uốn lượn, len lỏi trong lòng đô thị đi qua nhiều quận, huyện. Đoạn được cho là đẹp nhất đi qua địa bàn các quận 1, 4, Bình Thạnh và Thành phố Thủ Đức. Hai bên bờ có dải đất rộng lớn ở các vị trí “đắc địa” rất thuận lợi cho việc mở rộng không gian, làm đẹp cảnh quan, giải quyết giao thông và thoát nước… Ngoài ra, tạo ra những phân khu chức năng và phục vụ cộng đồng, khai thác du lịch. Như phát triển thành trục cảnh quan đô thị, kết nối giá trị lịch sử, văn hóa với không gian đô thị hiện đại.

Tùy theo địa hình nghiên cứu quy hoạch tái thiết đô thị, xây dựng nhà ở tái định cư, công trình công cộng, phục vụ dân cư tại chỗ và khu vực nội đô, khai thác quỹ đất cho nhà đầu tư. Làm dải công viên cây xanh và nơi sinh hoạt cộng đồng để ai cũng có thể dạo bộ, xe đạp, ngắm cảnh, tham quan… Phát triển mô hình cảng, nông nghiệp sạch khu vực ngoại thành như huyện Củ Chi. Phát triển du lịch ven sông kết nối với các điểm văn hóa, lịch sử. Quy hoạch bố trí các phân khu chức năng phù hợp từng khu vực và không gian tổ chức các sự kiện quốc tế, thu hút du khách, giới thiệu lịch sử về TPHCM.

Hướng thành phố quay mặt vào sông Sài Gòn. Bờ Tây giáp nội thành, ngoài thổi gió làm mát còn tạo không gian thông thoát kết nối cho khu trung tâm đã chật chội và ngột ngạt. Bờ Đông nối đô thị sáng tạo theo chủ trương, định hướng chiến lược phát triển mới về phía thành phố Thủ Đức. Với nhiều tiềm năng và lợi thế, triển vọng sẽ trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 cho TPHCM dựa trên nền tảng là kinh tế tri thức và khoa học công nghệ hướng về sông Sài Gòn. 

Không quá lời nếu nói rằng tương lai thành phố cũng gắn với biểu tượng con sông nơi đó, Seoul (Hàn Quốc) khi phát triển vượt bậc về kinh tế thì truyền thông thế giới gọi “kỳ tích sông Hàn”. Thượng Hải (Trung Quốc) quy hoạch phố Đông (giống mô hình TPHCM phát triển Thủ Thiêm bên sông Sài Gòn phía TP Thủ Đức) trở thành trung tâm kinh tế – tài chính hàng đầu thế giới được gọi là “kỳ tích sông Hoàng Phố”. Singapore lấy tên một dòng sông, du lịch đến đây tôi thấy nước này đã tận dụng không gian tự nhiên và trùng tu nhiều bến cảng, xưởng tàu, kho bãi, di tích ven sông thành không gian văn hóa công cộng kết hợp với các hoạt động kinh tế thương mại đã tạo ra các bến du lịch là điểm đến thu hút rất đông du khách khắp nơi. Clarke Quay được cho ấn tượng với nhiều dịch vụ giải trí, ăn uống, mua sắm, nghe nhạc là một ví dụ.

Phân tích cụ thể

Thực trạng xây dựng vi phạm chủ trương định hướng sử dụng quỹ đất ven sông Sài Gòn đã và đang là sự trăn trở trong nhiều năm qua với giới nghiên cứu, chuyên gia cũng như những lãnh đạo tâm quyết. Đến nay, người dân rất quan tâm. 

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có những thời điểm cơ quan chức năng buông lỏng quản lý và chưa có một quy hoạch tổng thể trọn vẹn cho sông Sài Gòn và hai bên bờ nên hệ lụy bây giờ nếu khắc phục triệt để, e rằng sẽ khó khả thi. Đề tài này cũng hy vọng góp sức gióng thêm hồi chuông cảnh tỉnh, góp phần khắc phục tồn tại bấy lâu, ngăn chặn manh nha tiếp tục tận dụng cơ hội bằng mọi giá mà bỏ qua mất mát lớn cho xã hội và nhân dân trong hàng chục năm, trăm năm tới.

Hơn nữa, hướng đến đổi mới toàn diện tư duy phát triển đô thị, trong đó có công tác lập quy hoạch. Đề tài cũng vận dụng đặc trưng riêng từng khu vực sông Sài Gòn để gìn giữ và phát huy các giá trị về văn hóa, lịch sử lâu đời, cuộc sống cư dân địa phương… Đồng thời, kết hợp góp phần giải quyết những trở ngại về kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường… Trên cơ sở thực tiễn TPHCM, nét đặc trưng cảnh quan tự nhiên để sâu chuỗi biến đổi thành không gian đô thị phục vụ cộng đồng và đóng góp phát triển nhiều lĩnh vực giao thương, thương mại, dịch vụ, du lịch, văn hóa, lịch sử, giao thông, ngập nước, xây dựng lối sống, cải thiện khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Đề tài nêu những chi tiết, hành động cụ thể với sự tham gia của người dân, chính quyền, nhà đầu tư và doanh nghiệp càng tạo thêm sự đồng thuận, tăng tính khả thi. 

Một góc sông Sài Gòn ngày nay

Hai bên bờ sông dành cho cộng đồng. Nếu hai bên sông Sài Gòn có cảnh quan thông suốt từ đầu đến cuối, công trình phục vụ cộng đồng, phát triển văn hóa và du lịch, sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn. Bờ Đông từ Thủ Đức đến quận 2 (cũ) và bờ Tây từ quận Bình Thạnh đến quận 4 được thông suốt có dải công viên cây xanh và nơi sinh hoạt cộng đồng để ai cũng có thể dạo bộ, xe đạp, ngắm cảnh, tham quan, du lịch, chiêm ngưỡng vẻ đẹp dòng sông… May mắn là hai bên bờ sát lòng sông vẫn chưa xây dựng kiên cố, còn nhiều khoảng trống (dù có các dự án bất động sản).  

Sông Sài Gòn cùng hai bên bờ vốn là tài sản vô giá nên là không gian mở, càng nhiều người tiếp cận càng tốt. Như vậy, khác với các quy hoạch chủ yếu thiên về bất động sản, ưu tiên đầu tư để kinh doanh và thu hồi vốn theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó”. 

Tác giả nhìn nhận và giải quyết những vấn đề cốt lõi ngoài các đồ án quy hoạch sử dụng đất hiện nay với hai bên bờ sông Sài Gòn, biến những điều bất hợp lý các dự án tư nhân chia cắt và lấn chiếm hai bên bờ sông thành những cái mới theo hướng tốt hơn vì lợi ích xã hội và phục vụ cộng đồng. Nếu tiếp tục cho xây nhà cao tầng dày đặc sẽ tạo thêm những bức tường cản gió sông, giảm đối lưu không khí, gây nóng bức trong đô thị mà nhất là mùa nắng, ảnh hưởng nhiều người. Tác giả cũng nghĩ đến sinh lợi nhưng chính là cái lợi từ chất lượng cuộc sống tốt hơn, nâng mức sống cho người dân chứ không phải vì mục tiêu kinh tế đơn thuần. Có thể nói rằng, không gian công cộng còn là hoạt động tạo ra cái khuôn để chứa bên trong các sinh hoạt đời sống cho cá nhân và cộng đồng đó, góp phần xây dựng trật tự đô thị “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”.

Bảo vệ nguồn nước mặt, phục vụ cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân thành phố và các khu vực lân cận. Con người có thể nhịn ăn, không thể nhịn khát. Bảo vệ mặt nước sông Sài Gòn cũng chính là bảo vệ tài nguyên quý giá, hệ thống sinh thái, nguồn lợi thủy hải sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Được biết, trên 90% nguồn nước sạch cung cấp cho sinh hoạt của người dân TPHCM được lấy từ nguồn nước mặt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Hạn chế các khu dân cư và nhà cao tầng dọc hai bên bờ chính là biện pháp ngăn ngừa từ xa, loại trừ cơ hội xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Sài Gòn. Công việc này nếu không được chú trọng đúng mức, lường trước để ngăn ngừa, khi xảy ra ô nhiễm thì việc khắc phục vô cùng phức tạp và tốn kém, chưa kể có khả năng rơi vào trường hợp không thể phục hồi lại hiện trạng. 

Như ở dự án cải tạo kênh Nhiêu lộc – Thị nghè rất phức tạp, tốn kém, mất khá nhiều thời gian. Từ năm 1985, TPHCM đã lên chương trình cải tạo dòng kênh này, vì thiếu kinh phí nên chỉ triển khai thí điểm một đoạn dài 50m. Dự án tái khởi động lại vào năm 1993, chia thành hai giai đoạn. Chỉ riêng giai đoạn một đã có mức vốn là 8.600 tỷ đồng, phải di dời 7.000 hộ dân, khởi công tháng 3-2003, sau gần 10 năm thi công, hoàn thành tháng 8-2012. Giai đoạn hai đang được thực hiện, có mức vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. 

Chỗ đẹp nhất dành cho cộng đồng. Bảo vệ thiên nhiên, làm đẹp cảnh quan, giữ cho bầu không khí trong sạch mát lành, càng gợi lên một điểm sáng vừa truyền thống hòa lẫn với hiện đại. Lòng người sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, hạn chế những cơn nóng giận, bởi người ta đâu dễ bức xúc trước khung cảnh đẹp. Trong xây dựng phát triển đô thị, không chỉ làm cho đô thị đẹp hơn và khang trang hơn mà còn xây dựng cả con người, cách sống cá nhân trong cộng đồng, ứng xử với môi trường xung quanh. Tôi từng nghe một vị tiến sĩ nổi tiếng người nước ngoài phát biểu rằng “Tiêu chí đánh giá một đô thị đáng sống là chỗ đẹp nhất dành cho cộng đồng với màu xanh, không gian hài hòa”.

TPHCM với thực trạng thiếu mảng xanh, cây xanh, thảm cỏ, công viên, nơi sinh hoạt cộng đồng… Các khu du lịch Đầm Sen, Suối Tiên chủ yếu phục vụ giới trẻ, không phù hợp cho người lớn tuổi và các tầng lớp lao động khác. Không gian trung tâm đã quá tải, hầu hết các quỹ đất đều được xây dựng, nén chặt nhà cao tầng. Quỹ đất hai bên bờ sông Sài Gòn rất thích hợp làm dự án phục vụ cộng đồng, mở rộng không gian làm cảnh quan đẹp kết nối khu vực trung tâm và lân cận. Thuận lợi hơn, có sẵn nhiều địa điểm lý tưởng để kết nối khu vực trung tâm như phố đi bộ, quảng trường Mê Linh, Thủ Thiêm và các di tích lịch sử văn hóa như các cảng, bến Nhà Rồng, cầu sắt Bình Lợi (đã tháo dỡ nhưng vẫn giữ lại hai bên đầu cầu để bảo tồn và phục vụ du lịch).

Đây còn là những giá trị thuộc về môi trường, văn hóa, lịch sử, truyền thống đạo đức khi mất đi sẽ khó phục hồi dù có bỏ ra nhiều tiền. Những giá trị này còn góp phần khắc phục mặt trái trong phát triển đô thị và hội nhập quốc tế, giữ gìn văn hóa truyền thống tốt đẹp, hạn chế những nảy sinh mâu thuẫn trong xã hội, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Đô thị hóa không phải là nguyên nhân phát sinh tệ nạn xã hội nhưng bối cảnh kinh tế, môi trường sống với các điều kiện ngột ngạt, thiếu không gian và cây xanh, xuất hiện những bất công khiến con người bị ức chế dễ dẫn tới những suy nghĩ tiêu cực.

Sự bình đẳng trong hưởng thụ không gian chung về cơ sở vật chất lẫn tinh thần, không chỉ dành cho người giàu hay dành riêng cho một số người có quan hệ và cơ hội mà còn dành cho các đối tượng khác, không phân biệt thành phần, cho thấy chính quyền không chối bỏ những người yếu thế trong xã hội. Điều này khác hẳn với những quan niệm ưu tiên lợi nhuận như đã làm ở hàng loạt dự án bất động sản dù có công viên cây xanh với biệt thự, căn hộ cao cấp nhưng chỉ phục vụ riêng cho những người ở trong dự án đó. 

Tổ chức nơi giao tiếp và kết nối cộng đồng. Thử hình dung sau giờ làm việc rồi về nhà nhốt mình trong những bức tường bê tông cốt thép khiến con người dễ cô đơn và lạnh lùng. Đô thị dù có hiện đại nếu con người thờ ơ, thiếu cảm xúc cũng không ý nghĩa. Thời gian qua, nhiều người đi đường qua lại nhìn thấy vẫn không cứu giúp nạn nhân. Điển hình như vụ taxi va chạm với xe máy khiến 1 người chết, 1 người bị thương ở quận Tân Phú – TPHCM.

Hài hòa, cá tính và bản sắc. Phát triển đô thị cũng cần nhìn ở góc độ bình đẳng giữa các thành phần hưởng thụ thông qua mục tiêu làm dự án và quy hoạch, thiết kế, xây dựng.  Một không gian thoáng đãng, bầu không khí trong lành với tự nhiên kết hợp với di sản văn hóa. Ngày nay cần hướng đến thành phố mở, hài hòa trong sự đa dạng ở những thành phần thụ hưởng. Hai bên bờ sông Sài Gòn thuận lợi có sẵn những di tích và địa điểm văn hóa, chùa, nhà thờ. Cảng Sài Gòn, Tân Cảng, Ba Son, bến Nhà Rồng sau khi di dời để lại quỹ đất khá lớn. Rất ý nghĩa nếu giữ lại một phần để bảo tồn di tích văn hóa lịch sử và kết hợp khai thác các ngành dịch vụ, phát triển du lịch. 

Những tòa nhà chọc trời dù đồ sộ nhưng không có ký ức đọng lại, không có hồn xưa cũ nên chẳng bao giờ đại diện cho cá tính và bản sắc ở nơi đó, người đến ở hay đứng nhìn như bị nuốt chửng vào bên trong. Dấu tích cảng Sài Gòn, cảng Ba Son, bến Nhà Rồng, chùa, nhà thờ cũ mới là cá tính và bản sắc cho sông Sài Gòn và TPHCM chứ không phải các công trình cao tầng.

Khai thác du lịch, phát triển văn hóa, tái hiện lại cảnh truyền thống “trên bến dưới thuyền”. Sông Sài Gòn không chỉ có cảnh quan đẹp, nước chảy êm thuận, chiều sâu và bề rộng rất lý tưởng cho tàu thuyền di chuyển mà còn mang dấu ấn lịch sử được kết nối với hàng loạt di tích và địa điểm văn hóa như chùa, nhà thờ, khu đô thị Thủ Thiêm, quảng trường Mê Linh, phố đi bộ Nguyễn Huệ và cảng Sài Gòn, Tân Cảng, Ba Son, bến Nhà Rồng, bến Bạch Đằng… Thuận lợi đi vào trung tâm thành phố đến tham quan chợ Bến Thành, Nhà hát lớn, Bưu điện trung tâm, Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập, Bảo tàng chứng tích chiến tranh… Tận dụng lợi thế này khai thác thêm nhiều chức năng để sông Sài Gòn trở thành “đặc sản văn hóa” của TPHCM, mang màu sắc của vùng đất và con người bản xứ – một sản phẩm du lịch phi vật thể trong đô thị mà nhiều tầng lớp cư dân sẽ được thụ hưởng, thu hút khách du lịch. Như kinh doanh du thuyền ngắm cảnh, phục vụ ẩm thực và nước uống, thưởng thức đờn ca tài tử trên sông… càng tạo thêm ấn tượng tốt cho du khách. Giới thiệu văn hóa, các món ăn truyền thống Nam bộ vào buổi tối sẽ làm cho không gian sống động và ý nghĩa hơn nữa. 

Nhiều nước phát triển quy hoạch bờ sông gắn với liên kết các loại hình di sản kiến trúc như xưởng tàu, cảng, bến tàu, nhà phố và nhà kho ven sông, các cây cầu… được nghiên cứu tái sử dụng hay chuyển đổi một phần công năng để kết hợp với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ là một trong các yếu tố du lịch tiềm năng. Singapore đã trùng tu nhiều bến cảng, xưởng tàu, kho bãi, di tích ven sông thành không gian công cộng và kết hợp các hoạt động thương mại đã tạo ra các bến du lịch thu hút rất đông du khách. Clarke Quay được ấn tượng với nhiều dịch vụ giải trí, ăn uống, mua sắm, nghe nhạc là một ví dụ.

Cảnh quan không chỉ là mỹ quan đơn thuần, mảng xanh không chỉ là cây cối tỏa bóng mát mà còn cung cấp oxy và lọc khói bụi, mang lại lợi lích rất lớn về kinh tế. Chú tôi là kiến trúc sư làm việc trong một thành phố tại Ba Lan kể rằng, nơi đó có một dòng sông với nhiều hàng cây dọc hai bên được xem như một vành đai xanh trong đô thị, chính quyền sở tại muốn phá bỏ các hàng cây lấy bán đất cho nhà đầu tư với giá hàng trăm triệu USD để làm dự án nhưng bị dân chúng phản đối nên phải giữ lại. Dòng sông với vành đai xanh được tận dụng tạo không gian phục vụ cộng đồng, phát triển du lịch mỗi năm thu hút hơn 2,5 triệu khách. Sau 8 năm, chỉ riêng số tiền thu được từ du lịch đã cao hơn số tiền định bán đất mà vẫn giữ “lá phổi” và vẻ đẹp cho thành phố.

Giải quyết thoát nước. Sông Sài Gòn còn giúp dẫn nước tự nhiên cho rất nhiều tuyến đường, ngõ ngách để không bị ngập khi có mưa lớn. Như dọc sông Sài Gòn (đoạn từ Tân Cảng đến đường Tôn Đức Thắng quận Bình Thạnh) trước đây là quỹ đất trống tự nhiên với cây xanh, nơi tôi thường đến mỗi chiều cuối tuần, khi đó đường Nguyễn Hữu Cảnh hiếm khi bị ngập dù trời có mưa lớn và dẫn dòng thoát nước tự nhiên cho các khu vực đường Ung Văn Khiêm, Điện Biên Phủ, Võ Duy Ninh, Ngô Tất Tố, Tôn Đức Thắng… Những tuyến đường này nối tiếp dẫn nước thoát cho một số khu vực trung tâm thành phố. Từ khi quỹ đất dọc sông Sài Gòn hình thành hàng loạt dự án bất động sản, nhà cao tầng trở thành con đê chắn ngang bờ sông thì xảy ra tình trạng ngập nặng ở đường Nguyễn Hữu Cảnh và khu vực lân cận. TPHCM đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo, tốn nhiều tiền, kể cả mời đơn vị sử dụng siêu máy bơm nhưng vẫn không giải quyết được tình trạng ngập nước.

Tạo ra những khu dân cư hiện đại, hoành tráng nếu sắp đặt không đúng vị trí cũng rất tai hại. Sẽ không còn ý nghĩa khi người cư trú ở trong đó bất an, giao thông đi lại khó khăn, sinh hoạt hàng ngày gặp nhiều trở ngại, xảy ra ngập nước thì không thể đảm bảo sức khỏe và có được chất lượng sống tốt. Sông Sài Gòn đi qua nhiều quận huyện, đặc biệt là len lỏi trong khu trung tâm càng thuận lợi cho thoát nước tự nhiên nếu tạo cảnh quan và làm công trình công cộng, hạn chế đô thị hóa khu dân cư và nhà cao tầng dọc bờ sông.  
TPHCM ngày càng hiện đại, làm đầu tàu kinh tế cho cả nước, thu nhập người dân tăng lên… Nhưng cuộc sống có vẻ áp lực nhiều hơn, môi trường bị ô nhiễm nặng hơn, lo lắng bởi kẹt xe và ngập nước, thiếu không gian kiến trúc để thư giãn, nhất là khu vực trung tâm… Điều này không thể xảy ra trong một thành phố thông minh, đô thị sáng tạo, hướng đến văn minh và hiện đại.   

Khả năng ứng dụng vào thực tiễn

Chúng ta vẫn còn cơ hội cải tạo hiện hữu. Để khai thác hiệu quả sông Sài Gòn cùng quỹ đất hai bên bờ, phải có tiêu chí rõ ràng theo một hệ thống xuyên suốt, cần một quy hoạch tổng thể trọn vẹn trên cơ sở định hướng phát triển bền vững và có đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo lộ trình đề ra, tránh tư duy nhiệm kỳ.

Theo đó, là hành lang pháp lý minh bạch và công bằng để kêu gọi các đối tác tư nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước có tiềm năng thực lực tham gia xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng cùng với chuỗi giá trị văn hóa, di tích, lịch sử, du lịch song hành phát triển kinh tế bền vững gắn với khai thác sông Sài Gòn cùng quỹ đất hai bên bờ. 

Đề tài cũng lấy đầu mối bảo vệ môi trường và phục vụ cộng đồng làm động lực phát triển, những khu vực chức năng khác được bố trí dọc hai bên bờ sông, kết nối với các địa điểm văn hóa di tích lịch sử và những các cơ sở hạ tầng có sẵn để hình thành địa điểm hoạt động đặc trưng và độc đáo với cảnh quan sông Sài Gòn. Những công trình tôn giáo, di tích, lịch sử cũng được bảo tồn và phát huy giá trị. Đề tài cũng đã hướng đến các mục tiêu quan trọng trong việc chỉnh trang và phát triển đô thị, khai thác, sử dụng đất hiệu quả, phát triển các đầu mối giao thông công cộng và hạn chế xe cá nhân.

Như về giao thông thủy hiện nay đã có sẵn tuyến buýt đường sông xuất phát từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi theo sông Sài Gòn, qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông (TP Thủ Đức). Giao thông đường bộ có nhà ga metro ngay Tân Cảng và khu trung tâm thành phố trên đường Lê Lợi gần phố đi bộ Nguyễn Huệ cùng với rất nhiều tuyến xe buýt đi qua các trục đường chính như xa lộ Hà Nội, Điện Biên Phủ, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Hữu Cảnh, Ngô Tất Tố, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành… càng thuận lợi để kết nối và tổ chức giao thông. 

Làm cao tốc ven sông khó khả thi. Nên chăng nghiên cứu tuyến đường hỗn hợp chạy dọc dải đất, chiều rộng nhỏ nên có thể xử lý kỹ thuật cục bộ tại các vị trí bị chia cắt bởi các dự án nhà ở. Tuyến đường này có thể kết nối giao thông qua lại, giao thông đường thủy, phục vụ các phương tiện công cộng, kết hợp đi bộ và xe đạp. Người dân tản mát, ngắm cảnh, vui chơi, giải trí, dễ dàng đón xe về nhà hay đến nơi làm việc, mua sắm.

Đề tài này ứng dụng tốt vào thực tiễn, phù hợp với định hướng cho quỹ đất dọc hai bên bờ sông Sài Gòn có bố trí trục cây xanh cảnh quan, mặt nước kết hợp du lịch, giải trí theo Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung TPHCM đến năm 2025. Đề tài khi triển khai, trong đó hẳn có hạng mục làm bờ kè hai bên sông mà TPHCM cũng muốn hướng tới. 

Trước tiên, rà soát quỹ đất dọc sông Sài Gòn. Cần một chủ trương đúng đắn, thích hợp nhất để phát triển bền vững. Chi tiết kỹ thuật sẽ nêu trong bối cảnh cụ thể.  

Xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang sông Sài Gòn, những vi phạm đã có chứng cứ, thậm chí được lập biên bản và ban hành quyết định cưỡng chế. Bất kỳ người dân, cơ quan, đơn vị nào cũng điều phải tuân thủ pháp luật, kỷ cương, kỷ luật. Đây là điều kiện tiên quyết để nâng cao hiệu lực pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, lan tỏa những điều tích cực, sự đồng thuận trong nhân dân. Quy định pháp luật phải thực hiện triệt để và công bằng, công trình vi phạm lớn hay nhỏ, buộc cưỡng chế tháo dỡ, tuyệt đối không để tồn tại hay hợp thức hóa bằng hình thức khác. Việc xử lý và cưỡng chế tháo dỡ các vi phạm xây dựng lấn hành lang bảo vệ sông Sài Gòn hoàn toàn thuộc vai trò, trách nhiệm và thẩm quyền cơ quan chức năng tại TPHCM. Vấn đề là có làm đến nơi đến chốn, biện pháp ngăn chặn những vi phạm tiếp theo có thể xảy ra. Nên chăng, ứng dụng công nghệ mà bất cứ người dân nào cũng có thể tải về để theo dõi, góp ý, phản ánh các vi phạm xây dựng ven sông Sài Gòn để báo cơ quan chức năng kịp thời xử lý, không để xảy ra chuyện đã rồi. 

Hãy dừng ngay và không cấp phép thêm các dự án ven sông, lấn mặt tiền sông. Cần xem lại 83 dự án đầu tư nhà ở, khu phức hợp nhà ở thương mại, dịch vụ, khu công viên vui chơi giải trí, với diện tích thống kê chưa đầy đủ đã hơn 454ha. Nếu có quy hoạch cục bộ, xét thấy không phục vụ đa số cộng đồng cũng nên điều chỉnh sao cho mỗi người dân đều được hưởng lợi từ dòng sông. Mặt sông vốn là không gian công cộng từ bao đời, đừng để lọt vào tay các dự án tư nhân trở thành sở hữu riêng.

Nên tổ chức thi tuyển thiết kế mang tầm quốc tế để tham khảo thêm kinh nghiệm và cách làm đã thành công ở các thành phố nổi tiếng trên thế giới từ Hong Kong, Thượng Hải đến Tokyo, Ba Lan, London, New York… Qua đó có nhiều sự so sánh, đánh giá để chọn phương án tối ưu và chất lượng nhất. Đồng thời, xác định cụ thể đối với từng khu vực hai bên bờ sông Sài Gòn để đánh giá nơi nào khai thác thương mại và xây dựng nhà ở, cảnh quan, công viên, công trình phục vụ cộng đồng. Sự thật công tác quy hoạch, thiết kế dự án tốt đến mấy cũng khó tránh khỏi sai sót, kể cả những rủi ro bất thường có thể xảy ra ngoài ý muốn. Nếu có góp ý, phản biện, so sánh vẫn có thể hạn chế những yếu tố sai lạc và giảm thiểu các rủi ro. Khi đã có quy hoạch, thiết kế trọn vẹn quỹ đất hai bên bờ sông là cơ sở cho chính quyền tổ chức triển khai, nhà đầu tư yên tâm hợp tác, người dân ủng hộ là chìa khóa cho sự thành công. 

Triển khai thi công cũng không có gì phức tạp. Ngoài hành lang bảo vệ hai bên bờ, còn rất nhiều mảnh đất dọc sông Sài Gòn. Thuận lợi tổ chức các công viên lớn nhỏ, điểm vui chơi giải trí, vườn dạo bộ có những lối đi dọc ngang, bố trí những dãy ghế đá dọc theo các lối đi… Sân chơi dành cho trẻ em. Nơi thư giãn cho người già. Khu vực tổ chức sự kiện thể thao, văn hóa, du lịch. Các dịch vụ ẩm thực, kinh doanh, mua bán… Dễ dàng kết nối địa điểm bảo tàng, nhà hát, sân khấu biểu diễn ca nhạc ngoài trời. Đó chính là những điều kiện thuận lợi cho mọi người đến tận hưởng không gian hai bên bờ sông, gặp gỡ, trò chuyện, chiêm ngưỡng dòng sông. Đi kèm theo đó là công tác tổ chức quản lý và khai thác có trật tự, kỷ cương, thân thiện.

Một đề tài hay quy hoạch để ứng dụng vào thực tiễn còn cần có thêm hai nội dung quan trọng, đó là “nhạc trưởng” và “kinh phí”. Giải pháp hay phương án được đưa ra dù hay đến đâu nhưng không có người thích hợp để tổ chức thực hiện cũng khó thành công, càng không thể triển khai nếu không có kinh phí. Đề tài này cũng vậy. 

Những quy hoạch dự án sử dụng đất, bảo vệ cảnh quan và môi trường, khai thác hai bên bờ sông Sài Gòn hẳn phải làm nhiều thủ tục và khối lượng công việc triển khai liên quan đến nhiều cơ quan, ban, ngành… Cần có “nhạc trưởng” đủ thẩm quyền chỉ đạo, chẳng hạn có thể đề cử một đồng chí lãnh đạo thành phố phụ trách trực tiếp để phân công nhiệm vụ cho các thành viên, xác định những đầu mối phối hợp thực hiện, kịp giải quyết các trở ngại. Hơn nữa, xác định những công việc nào cần phải làm trước để tác động theo phản ứng dây chuyền, khâu nào trục trặc liền có người chịu trách nhiệm giải quyết sao cho hoàn tất theo lộ trình. Như vậy, dự án mới thuận lợi.

Về kinh phí tổ chức thực hiện, có thể khai thác từ quỹ đất còn lại. Trong đó, có quỹ đất dồi dào chưa xây dựng ngoài hành lang an toàn sông, các mảnh đất “đắc địa” khá đắt đỏ để lại sau khi di dời cảng Ba Son, Sài Gòn, Tân Cảng, bến Nhà Rồng… cũng có thể cho làm dự án nhưng quy hoạch thiết kế sẵn cho phép kinh doanh xây dựng với mật độ thấp và chiếm phần nhỏ diện tích cho nhà ở nhưng hài hòa kiến trúc trong bức tranh tổng thể, không ảnh hưởng môi trường và cảnh quan thiên nhiên.

TPHCM có diện tích rộng lớn khoảng 2.100km2, mật độ xây dựng chủ yếu tập trung nội thành, ngoại thành và vùng ven còn rất nhiều đất trống. Riêng huyện Củ Chi là vùng đất đầy tiềm năng, có diện tích gần 500km2 bằng 1/4 tổng diện tích toàn thành phố nhưng dân số chỉ chừng 400.000 người (bằng 3 phường trong nội thành), sử dụng một phần quỹ đất ven sông cũng có thể hoán đổi cho đầu tư triển khai dự án, giống như hợp đồng BT trước đây. Những dự án phục vụ cộng đồng trên quỹ đất ven sông không chỉ tăng thêm giá trị thị trường mà cả giá trị xã hội và trở thành thương hiệu thực sự trong lòng người dân. Còn biến thành cơ hội “đánh thức” những vùng đất rộng lớn bỏ hoang bấy lâu, thu hút thêm nguồn lực từ bên ngoài để phát triển rồi tự khu vực này tạo ra giá trị sinh lời và lan tỏa ra các vùng lân cận.

Trên cơ sở quy hoạch chung, tiến tới thiết kế dự án, cũng có thể xã hội hóa kêu gọi đầu tư. Đặc thù công trình phục vụ công cộng sẽ thu hút nhiều người nên rất thuận lợi trong khai thác quảng cáo, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, khai thác cho thuê dịch vụ. TPHCM từng có chủ trương xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng, thực tế cho thấy thành công. Ban đầu chỉ một Ngân hàng Sacombank đề xuất đăng ký, bỏ vốn đầu tư nhà vệ sinh “5 sao” đổi lấy việc được quyền quảng cáo thương hiệu của chính ngân hàng này và đặt máy ATM tại công trình. Từ năm 2014, Sacombank đã đầu tư xây dựng 13 nhà vệ sinh “5 sao” nơi công cộng, một số công viên và mở cửa phục vụ miễn phí, luôn có người túc trực dọn dẹp vệ sinh nên rất sạch sẽ, trung bình mỗi ngày có từ 300 – 500 lượt người sử dụng. Sau đó, hàng loạt nhà đầu tư khác đề xuất được xây dựng nhà vệ sinh “5 sao” đổi lấy việc được quyền quảng cáo, quảng bá thương thiệu… Cách làm này tuy mới triển khai vài năm đã cho thấy hiệu quả, góp phần tăng cường nhà vệ sinh công cộng, nâng cao chất lượng quản lý. Xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng đã đem lại lợi ích giữa chính quyền, nhà đầu tư, người dân. 

Thu hút đầu tư và huy động được nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư các dự án phục vụ cộng đồng hai bên bờ sông Sài Gòn và khai thác dịch vụ là rất khả thi vừa giúp giảm gánh nặng ngân sách, TPHCM còn thu thuế nếu được nghiên cứu một cách thấu đáo và có những quyết sách phù hợp. 

Ủy ban Nhân dân TPHCM chỉ việc giao nhiệm vụ cho một cơ quan chức năng làm đầu mối nghiên cứu xây dựng các tiêu chí và hình thức quản lý, sử dụng, khai thác, thời gian thu hồi vốn, nội dung quảng cáo theo quy định về quảng cáo, kết hợp quảng cáo thương mại với từng hạng mục cụ thể trong dự án cùng những thỏa thuận khác được đưa vào hồ sơ mời thầu. Sau đó, tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện. Như vậy, hài hòa lợi ích giữa các bên. Người dân có điểm đến hấp dẫn. Nhà đầu tư có lợi nhờ tăng giá trị quỹ đất, khai thác dịch vụ. Chính quyền vừa làm hài lòng người dân, thu hút được nhà đầu tư, mang tới nguồn thu cho ngân sách và hình ảnh đô thị nhân văn. Đặc biệt là đặt lợi ích cộng đồng, phát triển bền vững lên hàng đầu. 

Những hạng mục khó thu hồi vốn, không thể kêu gọi đầu tư, có thể sử dụng ngân sách để thực hiện. Sau đó, cho thuê lại cơ sở hạ tầng này để quản lý và khai thác. Đầu tư cho môi trường, cảnh quan, lịch sử, văn hóa, công trình phục vụ cộng đồng, nâng cao chất lượng sống người dân thì không thể chỉ tính toán lợi ích trước mắt.

Tổng quan về Sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch

Có hai sông lớn đi qua Sài Gòn – TP.HCM là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Sông Đồng Nai là sông lớn thứ nhì Nam bộ, về lưu vực chỉ sau sông Cửu Long. Sông Sài Gòn hợp với sông Đồng Nai chảy ra biển. Vì qua nhiều địa phương nên sông Sài Gòn có nhiều tên gọi khác nhau.
Từ Tây Ninh đến Thủ Dầu Một – Bình Dương là sông Ngã Cái, đoạn từ Bình Dương đến Thanh Đa là sông Thủ Khúc, từ Thanh Đa đổ về sông Đồng Nai gọi là sông Sài Gòn hay sông Bến Nghé. Sông Sài Gòn chảy vào giữa lòng thành phố, kết hợp với hàng loạt kênh rạch nội thủy, tạo ra hệ thống giao thông thủy liên hoàn, hình thành nên “Sài Gòn kẻ chợ”, trên bến dưới thuyền.
Những kênh rạch là nhánh của sông Sài Gòn còn lại đến nay là kênh Đôi – kênh Tẻ, Tàu Hủ – Bến Nghé, Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Lò Gốm, Tham Lương, Cầu Bông, Thanh Đa… Mạng lưới sông ngòi, kênh rạch phong phú, giao thông thủy thuận tiện giúp khí hậu thành phố mát mẻ quanh năm.

Hơn 100 năm trước, Sài Gòn đi lại chủ yếu bằng tàu thuyền. Khi xe cơ giới phát triển, phương thức đi lại thay đổi. Những kênh rạch bị lấp làm đường, có thể kể như rạch Cầu Sấu thành đại lộ Hàm Nghi, kênh Chợ Vãi thành đường Nguyễn Huệ, rạch Cây Cám thành đường Lê Thánh Tôn…

Năm 1771, chúa Nguyễn Cửu Đàm cho đào kênh Ruột Ngựa, tạo ra đường thủy giữa miền Tây và Sài Gòn. Kênh Ruột Ngựa nối liền kênh Tàu Hủ, kênh Tẻ và rạch Bến Nghé dẫn ra sông Sài Gòn; mở đường giao thương giữa Sài Gòn – Gia Định – Đồng Nai. Sau đó, người Pháp cho nạo vét kênh Tàu Hủ thông với kênh Đôi; đào kênh Tẻ rộng hơn nối vào sông Sài Gòn, thông ra cảng Sài Gòn để tàu thuyền lớn xuất cảng gạo, muối, nông sản..

Sài Gòn những năm 1960 đã rất phát triển. Trong ảnh là một bến cảng cạnh sông cùng khu vực đô thị giáp sông Sài Gòn.

Bến cảng Sài Gòn với những con thuyền lớn neo đậu, ảnh chụp ngày 1/10/1961. Ngày nay khu vực này là Bến Bạch Đằng.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top