Ngày 29/10/2008, FPT có thêm buổi làm việc với RIAV và yêu cầu không đưa thông tin ra báo chí và phía RIAV không chấp nhận vì hai bên chưa đạt được bất kì thỏa thuận nào. Thương lượng bất thành
Hiệp Hội Công Nghiệp Ghi Âm Việt Nam (RIAV) thành lập năm 2003 có hơn 30 Hãng băng đĩa trong cả nước tham gia. Dù số tiền bản quyền RIAV thu về không nhiều trong các năm qua, chỉ khoảng 1 tỉ đồng, nhưng cũng đánh dấu tích cực cho việc nâng cao nhận thức sử dụng nhạc có bản quyền. Bắt đầu nhiệm kỳ 2, RIAV quyết định có những bước đi mạnh dạn hơn, sẵn sàng đối đầu với những nơi đã nhiều lần nhắc nhở nhưng vẫn sai phạm trong việc sử dụng bản quyền các bản ghi âm. Để chuẩn bị cho bước đi này, RIAV đã tập trung toàn bộ cho vụ kiện đầu tiên với hai “đại gia lớn: FPT và Nokia.
Ngày 27/10/2008, RIAV đã họp báo để công bố chứng cứ vi phạm bản quyền của Nokia và FPT, để chuẩn bị đưa ra tòa. Tại buổi họp báo với sự có mặt của các Hãng sản xuất băng đĩa trong nước, các công ty quản lý và đầu tư ca sĩ, một số ca sĩ, luật sư… RIAV đã chỉ rõ những sai phạm của Nokia và FPT.
Đối với Nokia, để quảng bá cho dòng sản phẩm điện thoại nghe nhạc 5320, khách hàng sẽ được cấp cho một code để đăng nhập vào trang web link đến nhacso.net. Tại đây, khách hàng được lựa chọn và down về 1.000 bài hát trong số 10.446 bài trong trang web này. Còn IPTV là một kênh truyền hình thương mại của FPT, đã sử dụng những bài hát chưa có bản quyền. Như vậy, RIAV có 2 vụ kiện riêng biệt.
Trước khi tiến đến cuộc họp báo vào chiều ngày 27/10/2008, HHGA đã 3 lần gặp và giải thích cho đại diện của Nokia và FPT hiểu rõ việc xâm phảm bản quyền nhưng theo bà Trương Thị Thu Dung – Phó chủ tịch thường trực của RIAV – kết luận: “Nokia và FPT không có thiện chí khi làm việc. Có mặt trong các buổi làm việc có ít nhất là đại diện của 5 Hãng sản xuất lớn trong nước nhưng họ như là không tin chúng tôi nói họ đang xâm phạm”.
Một trong những điểm mấu chốt của vấn đề là phía FPT và nhacso.net cho rằng họ đã có bản quyền từ việc ký hợp đồng với một số Hãng băng đĩa và ca sĩ. Những Hãng đã ký gồm có: Hãng phim Trẻ, Lạc Hồng, Viết Tân, Trùng Dương và SaiGon Vafaco. Như vậy, hiện nay hơn 15 Hãng như Rạng Đông, Bến Thành, Phương Nam phim, Lạc Vũ, Hoàng Đỉnh, Kim Lợi, Đông Hải… chưa kí hợp đồng.
Về hợp đồng các Hãng đã ký với nhacso.net, đây là một dạng hợp đồng thỏa thuận, “cho phép sử dụng các tác phẩm âm nhạc trên mạng Internet với thương hiệu nhacso và Gate music”. Nội dung hợp đồng có những điểm đáng quan tâm như “Sử dụng các bài hát vào đúng mục đích và khi chuyển nhượng cho bên thứ ba sẽ thông báo bằng văn bản”. Tuy nhiên, trong phần Giá cả và phương thức thanh toán lại đưa chữ “độc quyền” vào một cách mập mờ và không chíng xác với nội dung thỏa thuận chung.
Dù đã có trong tay các “bảo bối” là hợp đồng đã ký với các Hãng nói trên nhưng khi RIAV tìm hiểu vụ việc của Nokia và yêu cầu các hội viên giải thích thì phía FPT lại có những hành động thông báo sự đã rồi. Đó là các công văn được gửi đi vào ngày 17/9/2008 về việc thông báo “phân phối âm nhạc cho một nhà cung cấp dịch vụ truyền hình Internet” với hình thức Nhạc theo yêu cầu. Công văn gửi đến các Hãng vào ngày 27/5/2008 thông báo tiến hành đàm phám với Nokia phát hành 300.000 tài khoản nghe nhạc, sẽ có 1.000 bài hát của các Hãng sử dụng trong trang web này, sẽ có 10 bài hát của hãng được chọn làm nhạc chuông cho một dòng điện thoại mới của Nokia…
Đó là câu hỏi trọng tâm và nhận được sự đồng tình từ nhiều phía ngay trong buổi họp công bố bằng chứng của RIAV. Nhà báo Hữu Trịnh – báo Thể thao – Văn hoá – cho rằng: “Hiện nay rất nhiều ca sĩ tự bỏ tiền ra đầu tư cho sản phẩm băng đĩa của mình thì họ có quyền cho phép nơi nào được sử dụng bản quyền. Hãng phát hành không thể nào không cho phép ca sĩ không được phép ký hợp đồng”. Về việc này, ông Huỳnh Tiết – Giám đốc Hãng Bến Thành cho biết: “Đúng là nhiều ca sĩ tự bỏ tiền làm album nhưng trong hợp đồng với hãng của chúng tôi luôn ghi rõ đơn vị sản xuất được toàn quyền sử dụng tác phẩm trên cả web, chuông điện thoại… và lợi nhuận sẽ được chia lại cho ca sĩ”.
Đặt vấn đề này với RIAV, bà Trương Thị Thu Dung cho biết: “Đối với các ca sĩ đã lỡ ký với nhacso, chúng tôi không quan tâm vì chẳng có là bao nhiêu bài. Tài sản của các Hãng lớn hơn rất nhiều. Chỉ cần vi phạm một bài cũng coi như có vi phạm”. Tuy nhiên, bà Dung cũng cho biết thêm việc các ca sĩ phát hành ở Hãng rồi tự ý đi ký hợp đồng bản quyền và thu tiền về cá nhân sẽ làm cho việc đánh thuế thu nhập gặp khó khăn.
Dù sự việc diễn ra rất ầm ĩ nhưng về phía Nokia lại có thái độ rất hờ hững. Những câu hỏi phóng viên VietNamNet gửi đến Nokia được trả lời bằng hai câu rất chung chung: “Chúng tôi khuyến khích các bên có liên quan giải quyết các vấn đề tranh cãi trên tinh thần hữu nghị. Hiện tại, chúng tôi chưa thể bình luận thêm về vấn đề này”. Còn phía FPT, sau những tuyên bố bất cần, không sợ kiện, đã trả lời như sau: “Hiện nay, FPT Online đang tích cực làm việc cùng RIAV nhằm tháo gỡ các vướng mắc còn tồn động. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến báo chí khi có kết quả sau cùng”.
Vào ngày 29/10/2008, phía FPT đã có cuộc họp gấp rút với RIAV và trên tinh thần nhìn nhận những điểm sai phạm. Đặc biệt, đối với 5 hợp đồng của các hãng đã ký với FPT như đã liệt kê ở trên. Phía FPT cũng có công văn ghi nhận “tồn tại những vấn đề cần giải quyết” và yêu cầu RIAV không chia sẻ thông tin với báo chí. Về việc này, phía RIAV tỏ vẻ không hài lòng và cho biết vẫn chia sẻ tiến trình sự việc với báo chí trên tinh thần công khai và hợp tác.
Hiện tại, phía RIAV đang xem xét thái độ của Nokia và cho biết Nokia vẫn chưa có công văn nhìn nhận sai lầm. Còn về phía FPT vì còn nhiều vấn đề nên khó có thể đạt được sự thống nhất chung trong các sai phạm hàng loạt đã diễn ra. Bà Dung cho biết thêm: “Tôi biết báo chí rất quan tâm đến vụ việc này nên các luật sư của RIAV đang cố gắng hoàn tất các bằng chứng và thủ tục cần thiết để nhanh chóng đưa vụ việc ra toà. Còn việc Nokia và FPT muốn thương lượng hay không là thái độ của họ”.
· Thanh Chung
|