Sài Gòn chuyện đời của phố, version 4

Tôi bắt đầu theo nghề báo từ 1983, đến giờ vẫn tìm thấy niềm vui khi viết được một bài ưng ý. Bài viết này về một nghệ sĩ danh tiếng một thời của sân khấu cải lương thời kỳ đầu, từng làm chồng của hai nữ nghệ sĩ danh tiếng bậc nhất thời đó. 
Poster một vở tuồng của soạn giả Tư Chơi
Ông đã bị quên lãng rất lâu trên thành phố này, nơi từng được xem là một ngôi sao. 
(lưu ý là bài dài)
Gia đình nghệ sĩ Tư Chơi – Kim Loan  và con trai Huỳnh Háo
        
GÓP THÊM MẢNH VỤN VỀ MỘT NGÔI SAO
Hơn 60 năm trước, soạn giả Nguyễn Phương gặp soạn giả danh tiếng Tư Chơi trên đường phố Sài Gòn Tết 1954. Nguyễn Phương nói: “Anh là ngôi sao sân khấu, dù có lúc bị mây che mờ, nhưng ngôi sao vẫn là ngôi sao. Tài năng của anh vẫn có thể dành lại cho anh một vị trí xứng đáng trên vòm trời nghệ thuật”. Ông Tư Chơi lắc đầu: “Những nghệ sĩ khác… những ngôi sao kia dù có xa rời sân khấu nhưng vẫn còn hình dáng của những vì sao. Còn tôi bây giờ là một cái khối nát vụn chẳng còn hình thù gì rõ rệt của một vì sao” (trích Soạn giả Tư Chơi, mảnh vụn của một vì sao – Nguyễn Phương)
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua từ ngày soạn giả Huỳnh Thủ Trung, tức nghệ sĩ Tư Chơi ra đi, năm 1964. Ông đã từng có một thời lừng lẫy, “là một vì sao sáng chói nhất trên bầu trời nghệ thuật sân khấu cải lương trong các thập niên 30, 40, 50” như soạn giả Nguyễn Phương mô tả. Ông cũng là người kiến tạo nhiều ngôi sao sân khấu, là người dìu dắt vào con đường nghệ thuật và cũng từng là chồng của hai nữ nghệ sĩ sân khấu cải lương có nhan sắc và danh tiếng một thời là nghệ sĩ Phùng Há và nghệ sĩ Kim Thoa. 
Nhưng không đợi đến ngày nay, mà chỉ mười năm sau khi ông mất, hầu như tên tuổi ông đã bị người đời cho vào lãng quên, đó là nhìn nhận chua chát của những người trong gia đình ông. Những năm sau này, khi báo chí viết về nghệ sĩ nhân dân Phùng Há, tên nghệ sĩ Tư Chơi mới được nhắc lại, chủ yếu vì là người chồng đầu tiên của bà Phùng Há. Danh tiếng lừng lẫy nhưng bị quên lãng mau chóng, phải chăng đó là số phận hẩm hiu của một nghệ sĩ từng tỏa sáng một thời nhưng  không có hạnh phúc trong cuộc sống riêng, lại thường chìm đắm trong men rượu vào giai đoạn cuối đời? Vài bài viết hiếm hoi về ông Tư Chơi chỉ xoay quanh những tháng ngày cuối đời bất hạnh, nhưng đời ông còn những ẩn tình sâu kín mà từ góc nhìn phía gia đình, còn có những điều vẫn chưa bộc bạch. 
Nghệ sĩ Tư Chơi
Trong những ngày hè 2016, nhạc sĩ Huỳnh Hữu Thạnh, cháu nội đích tôn của soạn giả Tư Chơi và nghệ sĩ Kim Thoa ôn lại về người ông nổi tiếng và độc đáo của mình. Anh Hữu Thạnh là con trai duy nhất của nhạc sĩ Huỳnh Háo, còn có tên là Huỳnh Thủ Hiếu. Ba anh là con đầu và là con trai duy nhất của soạn giả Tư Chơi, cũng là nghệ sĩ của nhiều ban nhạc trong nhiều năm. Thừa hưởng tố chất của cha và ông nội, năm 14 tuổi (1973), Hữu Thạnh đã bắt đầu chơi guitar ở nhà hàng Vân Cảnh. Sau 1975, anh học Nhạc viện, học chương trình Cao học và là trưởng ban nhạc của vài đoàn nghệ thuật cho đến khi nghỉ để hoạt động tự do. Anh còn giữ cẩn thận nhiều kịch bản viết tay, một số thư từ của nghệ sĩ Tư Chơi. Do chỉ sống với cha từ lúc bốn tuổi khi cha mẹ đã ly dị, anh quanh quẩn bên cha, chứng kiến nhiều lần ông nội Tư Chơi qua thăm con cháu, nghe được những câu chuyện về người thân trong gia đình nghệ sĩ của mình.
Theo cuốn gia phả “Họ Huỳnh Văn hay Huỳnh Khắc” do Nguyễn Tấn Long soạn xong năm 1997 lưu truyền trong dòng họ (Nguyễn Tấn Long là đồng tác giả bộ sách nổi tiếng Việt Nam Thi nhân Tiền Chiến, có mẹ là chị em họ với nghệ sĩ Tư Chơi), thân phụ của nghệ sĩ Tư Chơi là Huỳnh Khắc Thông và thân mẫu là Cao Thị Thanh. Hai ông bà sinh ra nghệ sĩ Tư Chơi năm 1907 (Đinh Mùi) ở Bến Tre. Ông Tư Chơi – Huỳnh Thủ Trung là cháu đời thứ 4 của ông Huỳnh Văn Hòa giữ chức Lãnh binh ở Triều đình Huế, là một trong ba Lãnh binh được triều đình Tự Đức cử vào tiếp viện cho phong trào kháng chiến chống thực dân của Trương Định sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây. 
Soạn giả Tư Chơi là chồng đầu tiên của nghệ sĩ Phùng Há, có với bà một cô con gái tên là Bửu Trân. Tuy nhiên, Huỳnh Háo mới là người con sáng giá nhất, nổi tiếng nhất của ông, là con chung của ông với nghệ sĩ Kim Thoa. Huỳnh Háo là nghệ sĩ đa tài, giỏi nhiều loại nhạc cụ, tham gia biểu diễn trong nhiều ban nhạc hàng đầu ở Sài Gòn thập niên 1940 cho đến 1990. Huỳnh Háo được mệnh danh là “tay trống số một Đông Dương”, là thầy đào tạo nhiều tay trống ban nhạc, trong đó có nhạc sĩ Tùng Giang, nhạc sĩ Dũng râu (là người đào tạo nhiều tay trống hiện nay như Khắc Triệu, Công Thanh, Kiên Hoài…). Rất nhiều nhạc sĩ quý trọng, hâm mộ và còn nhắc đến ông với tình cảm quý mến. 
Nghệ sĩ Huỳnh Háo từng trả lời con trai Hữu Thạnh về nguyên do ông Tư Chơi trở thành soạn giả sân khấu: “Ba từng ghét hai chữ tự học, vì học gì cũng phải có thầy, nhưng ba biết ông nội con là người tự học để có sự nghiệp như vậy. Ông giỏi Nho, Anh và Pháp, rành nhạc lý và thích đọc sách, đối chiếu với nhạc lý phương Tây để rút tỉa cho riêng mình những nguyên lý và cách thức biểu diễn”. Soạn giả Nguyễn Phương ghi nhận về ông: “Ông Tư Chơi giỏi chữ Nho, biết tiếng Anh và làm thơ rất hay. Ông cũng là một nhạc sĩ tài danh, chuyên đờn đoản. Bài vọng cổ Tiếng Nhạn Kêu Sương, nhịp tư của nghệ sĩ Tư Chơi mở đầu cho bản Dạ Cổ Hoài Lang của ông Sáu Lầu phát triển dần lên nhịp 8, nhịp 16, 32, 64… Soạn giả Tư Chơi sáng tác nhiều tuồng xã hội như Khúc Oan Vô Lượng, Lỡ Tay trót đã Nhúng Chàm, Tiếng Nhạn Kêu Sương, Tôi Xin Chừa, Hai Mặt Còn Trơ, Ai Là Bạn Chung Tình, Em Muốn Tự Do… Các tuồng nầy đã làm mưa làm gió trên các sân khấu Huỳnh Kỳ, Trần Đắc từ Nam chí Bắc, với những ngôi sao sân khấu Phùng Há, Năm Châu, Tư Út, Kim Thoa, Kim Hui, Tư Thạch… Soạn giả Tư Chơi cũng là người đầu tiên đưa nhạc Tây vào sân khấu cải lương. Thời đó các bản nhạc tình của Pháp rất thịnh hành ở Saigon, Hà Nội và các thành phố lớn ở Việt Nam như bài J’ ai deux amours, Marinella, La petite Tonkinoise, Tant qu’il y aura des étoiles…do nam ca sĩ Tino Rossi và nữ ca sĩ Joséphine Baker ca. Ông đã viết lời Việt nhạc Tây cho diễn viên ca trong tuồng của ông ”. Không chỉ dùng nhạc Tây, ông còn sáng tác nhiều bài tân nhạc cho tuồng cải lương ông soạn. 
Tuy là người thành công trong nghề, lấy được vợ là ngôi sao sân khấu, ông Tư Chơi không hưởng hạnh phúc với bà Phùng Há lâu dài. Sau hai năm sống chung, cuộc hôn nhân tan rã, ông rời gánh hát Tái Đồng Ban, bà Phùng Há về thăm quê nội Trung Hoa, gửi con gái Bửu Trân cho em ruột nuôi. Ông mất vợ, xa con và cô con gái của ông cũng không mang họ của ông, mà lấy họ Lý của dưỡng phụ. Theo Hữu Thạnh, vết thương lòng của ông nội anh khi chia tay bà Phùng Há lớn hơn nhiều người nghĩ. Sau này khi lấy được nghệ sĩ Kim Thoa, một nghệ sĩ hát hay, xinh đẹp và tài danh, ông Tư Chơi không nguôi nhớ đến bà Phùng Há, thậm chí trong lúc ngủ và những lúc riêng tư vợ chồng, ông còn gọi tên bà. Trong thời gian đó, ông vẫn viết nhiều vở tuồng “hương xa” cho đoàn Phụng Hảo của Phùng Há, vừa viết tuồng xã hội cho đoàn Kim Thoa của vợ mình. Tuy có người vợ sắc vóc đẹp, hát hay, danh tiếng, khi ra đường, ông không mấy khi nắm tay vợ, đi đâu cũng chồng đi trước, vợ lẽo đẽo theo sau. 
Dần dà, ông chìm vào men rượu, hủy diệt cuộc đời. Một bức thư để lại của nghệ sĩ Huỳnh Háo khi đang diễn ở Nam Vang gửi cho người chú họ năm 1952, hỏi thăm: “Ở nhà bây giờ ra sao? Ba cháu có bớt uống rượu không?”. 
Tất cả những điều đó không khỏi gieo nỗi niềm cho bà Kim Thoa và góp phần dẫn đến sự chia tay từ trước năm 1954, cho dù hai người đã sống cùng nhau nhiều năm. Đến năm 1959, cô con gái Bửu Trân mất khiến ông suy sụp hẳn. Từ đó, chỉ có men rượu khiến ông quên lãng mọi điều. 
Sau khi chia tay ông Tư Chơi, bà Kim Thoa sống đến cuối đời với một bác sĩ ở cư xá Chu Mạnh Trinh. Hữu Thạnh nghĩ rằng bà nội mình cũng có những buồn hận ông chồng quá nặng tình người cũ, nên đối với con trai Huỳnh Háo, bà không gần gũi chỉ vì ông Háo quá giống cha từ diện mạo đến tài năng. 
Trong trí nhớ của Hữu Thạnh, hình ảnh của ông nội những năm cuối đời thật buồn. Lúc đó, ông sống với người vợ cuối cùng ở Thủ Thiêm, thỉnh thoảng về thăm con trai và những đứa  cháu nội ở căn nhà số 809/47 đường Trần Hưng Đạo, quận 1. Không biết ông đi bằng gì, luôn xuất hiện bất ngờ trước nhà, dáng người tầm thước, tóc hoa râm, bỏ áo vô quần tươm tất. Có lúc tỉnh, nhiều lúc say, không mấy khi thấy vui.  Phía sau nhà là khu hẻm Cao Đạt, đất sống của nhiều người trong giới giang hồ. Dầu dữ dằn với ai chứ đối với nghệ sĩ, họ quý trọng và cư xử đàng hòang. Nghệ sĩ Huỳnh Háo là người rộng rãi cũng giống như cha mình, đối đãi mọi người rất tốt. Cơm ở nhà nấu sẵn, ai muốn đến ăn cũng được. Một số thanh niên trốn quân dịch, bí quá xin ở nhờ cũng cho, mà ở nhà Huỳnh Háo thì an tòan vì cảnh sát vốn nể nghệ sĩ, không dám tự tiện khám xét. Cả xóm quý Huỳnh Háo, càng quý ông Tư Chơi vì ông soạn tuồng hay, lại thân tình với bà con. Thời gian cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960 tuy không còn làm thầy tuồng, ông vẫn được trả tiền khi có đoàn hát nào diễn vở của ông. Nhận được khoản nào, ông cầm đến hai quán cà phê quen thuộc của ông Tám Nhỏ và ông Sáu Đức trong hẻm, gửi lại một số tiền. Rồi mỗi lần đến thăm con cháu, ông ra ngồi quán, uống trừ dần. Ông còn bảo chủ quán trừ vào tiền cà phê của những người ông quen trong xóm. Đó là kiểu sống hào sảng phong lưu của một nghệ sĩ luôn yêu quý bạn bè, chòm xóm nhưng thu nhập thất thường lúc có lúc không có đồng nào, luôn muốn chắc rằng mình có thể đãi đằng bạn bè. Kiểu xài tiền này không chỉ để dành riêng để ông uống rượu dài dài như mọi người vẫn nghĩ. Hai quán cà phê trở thành chỗ ấm áp tình chòm xóm. Mỗi lần đến quán, ông Tư Chơi kêu cà phê vợt, đổ vào dĩa cho cháu nội húp, thêm chút bơ Bretel cho thơm. Quán quen thuộc như ở nhà, đến độ một lần năm 1957, khi ra quán cùng với Huỳnh Háo, ông nói chuyện phải quấy với con về một chuyện gì đó. Huỳnh Háo khi đó đã 28 tuổi, có con lên ba nhưng vẫn bị ông bắt quỳ ngay tại quán để chuộc lỗi và Huỳnh Háo làm ngay không dám cãi lời. Ông làm điều đó, đôi khi để chỉ thể hiện cho mọi người biết gia đình mình dù thế nào vẫn giữ phép tắc, trên dưới. 
(lược một đoạn)
Ông Huỳnh Háo từng nói với Hữu Thạnh: “Ông nội con muốn ba giữ chữ hiếu, nên đặt tên ba là Thủ Hiếu !”. Huỳnh Háo thực sự xứng đáng với hào quang của cha mình. Bản thân ông cũng là một ngôi sao trong giới nhạc sĩ trong nhiều thập niên. Muốn được điều đó, ông được ông Tư Chơi dạy dỗ rất kỹ lưỡng. Quan niệm về cách lập thân của ông Tư Chơi truyền cho con, và từ Huỳnh Háo truyền tiếp tục cho Hữu Thạnh là:“Học và không chơi, có học mới thay đổi cuộc đời”, dù hoạt động trong ngành giải trí cũng phải khổ công học hành luyện tập. Nhờ vậy, Huỳnh Háo tuy không được đến trường ngày nào, nhưng có thể nói tới năm ngoại ngữ, vốn kiến thức khá rộng nhờ thường đọc sách tiếng Pháp, tiếng Anh, mê đọc tạp chí Reader’s Digest. Ông học đánh trống với các nhạc sĩ người Philippines ở Cambodia, dùng tiếng Anh. Ông biết tiếng Pháp, tiếng Khơ-me nhờ sống hai năm bên Cambodia, biết tiếng Quảng Đông và Quan Thoại… Trong thời gian Tư Chơi và Kim Thoa lập gánh Kim Thoa trước 1945, Huỳnh Háo tuy còn nhỏ vẫn đi theo cha mẹ lưu diễn khắp nơi trên ghe bầu. Tư Chơi dạy tiếng Pháp, tiếng Anh và dạy đàn, hát cho con nếu đêm trước không uống say. Ông Tư Chơi nghiêm khắc, thấy con lui cui chơi cá cảnh, ông bắt đem liệng đi. Bà Kim Thoa mua cho chiếc xe đạp, ông cũng không cho con chơi vì phải lo học. Ý chí của ông mạnh đến nỗi trong thời gian đoàn lên bờ, không lưu diễn bằng ghe, ông Bénito, thầy dạy trống cho Huỳnh Háo tuân thủ đến mức tát vào mặt cậu bé chỉ vì mới tắm xong, Háo đứng trước gương săm soi chảy đầu xức brilliantine mà chậm trễ việc tập đàn. 
Thương cha, Huỳnh Háo lớn lên tuy không gần gũi nhưng thấu cảm được nỗi lòng cha mình. Họ đều là những nghệ sĩ nếm trải nhiều vinh quang trong nghề, nhạy cảm và được người đời thương yêu nhưng hiểu được những cay đắng của đời nghệ sĩ ăn quán ngủ đình, lang thang trên đường lưu diễn ở một đất nước nghèo khó và chiến tranh liên miên. Ông Tư Chơi theo Nho học, luôn giữ khoảng cách, thậm chí lạnh lùng với con để dễ bề dạy dỗ. Ông dạy con: “Có tài nhưng đừng đi xa quá, chỉ vượt lên người khác một chút thôi. Vượt xa quá, người ta không hiểu mà còn đánh cho tơi tả!”.  Về chuyện người ta viết trên báo rằng ông Tư Chơi thuê hẳn một chiếc xích lô cho cây gậy của mình, ông giải thích với con: “Ở đời, tao thân nhất là cây gậy, vì là chỗ dựa. Quý nhất, thương nhất là đứa con gái Bửu Trân, bằng chứng của tình yêu với Phùng Há. Cái tao quý nhất không giữ được bên mình. Cái tao gần nhất là cây gậy, nên cho nó ngồi riêng môt chiếc xích lô cũng xứng đáng…”. 
Tuy vậy, Tư Chơi hiểu rằng cái gì mình cần, có lúc cũng không giữ được, nên ở tuổi già ông dứt khoát không dùng gậy.  Khi đã già yếu, ông thường nói “Lão lai, tài tận”. Ông hiểu luật đời, không muốn phiền con cháu. Bệnh hoạn, ông rút về Thủ Thiêm sống với người vợ cuối. Nhiều lần Huỳnh Háo muốn đưa ông về nhà nuôi nhưng ông cương quyết từ chối. Có lần nhớ con, ông viết thư trách con từ ngày đi Nam Vang chơi ban nhạc bên đó, cha con ít gặp nhau, trách xong rồi căn dặn: “Về gặp nhau, tao đưa cái nhà cho mày…”.
Sau khi nghệ sĩ Tư Chơi mất năm 1964, có một người đàn ông đến gặp Huỳnh Háo, tự giới thiệu là Huỳnh Thủ Tâm, con riêng của soạn giả Tư Chơi với người vợ cuối, rất giống cha. Anh ta nói: “ Ba biểu em nếu gặp khó khăn thì đến gặp anh nhờ dạy nghề !”. Huỳnh Háo đã hướng dẫn tận tình người em cùng cha khác mẹ. Huỳnh Thủ Tâm học đàn guitar, giỏi nghề và tự kiếm sống, không thành gánh nặng của anh mình. Anh chơi nhạc ở các nhà hàng nhỏ, bar rượu ở Sài Gòn trước 1975 và đã mất sớm.    
PHẠM CÔNG LUẬN
(Trích trong cuốn SÀI GÒN – CHUYỆN ĐỜI CỦA PHỐ tập IV. Công ty sách Phương Nam xuất bản 2017.
Ảnh tư liệu của Huỳnh Hữu Thạnh

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top