Làm sao để bờ sông Sài Gòn không là “của riêng” người giàu?
(Dân trí) – Sông Sài Gòn là một trong số ít không gian mở tự nhiên còn lại của thành phố nhộn nhịp và đông dân nhất cả nước. Nhưng bờ sông Sài Gòn ở hàng loạt khu vực đã không còn của số đông người dân như tính chất vốn có.
Ông Kỷ (70 tuổi, cư dân sinh sống lâu năm tại khu vực phường Thảo Điền) kể, khoảng 20 năm về trước, khu vực này thuộc quận 2 cũ (nay là thành phố Thủ Đức) có hầu hết diện tích ven sông là không gian xanh, những công trình kiên cố chưa xuất hiện dày đặc. Buổi chiều, những cư dân khu vực “bán đảo ngọc” có thể men theo những con đường mòn ra phía bờ sông dạo mát, câu cá.
Những hình ảnh ấy dần bị mờ đi trong trí nhớ người dân tại Thảo Điền, khi những người cũ chuyển đi, những người mới chuyển tới. Quá trình đô thị hóa đem lại cho khu vực bán đảo này không gian hiện đại với những tòa nhà cao tầng, những khu biệt thự, resort cao cấp, nhưng những lối đi ven sông khi ấy giờ nằm gọn trong bức tường ngăn cách, tấm vách tôn lạnh lẽo.
Biệt thự, bến du thuyền chiếm bờ sông Sài Gòn làm của riêng
Bờ sông Sài Gòn đoạn qua phường Thảo Điền (TP Thủ Đức) bị những dãy biệt thự khủng bịt kín, gần như không còn lối ra. Các khu biệt thự biến mặt sông thành bến du thuyền, chiếm trọn không gian chung.
Những năm gần đây, vấn đề các công trình xây dựng xây dựng vươn sát mặt sông Sài Gòn là thực trạng chưa có lời giải của TPHCM. Trong đó, khu vực sông Sài Gòn đoạn qua khu vực phường Thảo Điền (thành phố Thủ Đức) là điểm nóng của vấn nạn công trình, biệt thự bao vây đường bờ sông, người dân khó để tìm nơi tiếp cận, hóng gió trời hay tập thể dục.
Để được tận hưởng không khí của mặt sông, người dân buộc phải chọn phương án đi bộ xa hơn về đầu hoặc cuối đường Nguyễn Văn Hưởng, một con hẻm nhỏ nằm giữa đường hoặc trả tiền để vào nhà hàng, quán cà phê ven sông.
Đường bờ sông Sài Gòn với chiều dài 80km, chảy qua nhiều quận, huyện là lợi thế để TPHCM phát triển du lịch, kinh tế sông và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, việc quy hoạch không đồng bộ khiến thành phố chưa tận dụng được lợi thế này.
Khu vực phường Thảo Điền là một ví dụ cho việc quy hoạch không đồng nhất. Phía bên trái một bờ kè nhánh sông Sài Gòn, hành lang, lối đi bộ chung của người dân vẫn được để lại. Phía đối diện, các công trình, biệt thự tư nhân đã chiếm hữu.
Tại một khu vực khác gần đó, hồ bơi, sân tennis đã được hình thành tại đường ven bờ sông. Công trình này được sử dụng để phục vụ dân cư, du khách của một dự án trên đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền (TP Thủ Đức).
Theo Quyết định 150 của UBND TPHCM về ban hành quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn, khu vực bờ sông thuộc phường Thảo Điền có hành lang bảo vệ sông là 50m. Các công trình cần thực hiện đúng mục đích quy định, phù hợp quy hoạch chi tiết được phê duyệt.
Đồng thời, các công trình như quán cà phê, giải khát ngoài trời, điểm kinh doanh phục vụ du lịch, khu thể dục, thể thao… phải đảm bảo yếu tố bảo vệ bờ sông, kết hợp không gian, cảnh quan và có thời hạn tối đa 3 năm.
Các đoạn đường bờ sông Sài Gòn, phía cuối những con hẻm trên đường Nguyễn Văn Hưởng thường được các chủ sở hữu công trình xây dựng thiết kế theo ý riêng. Trong hình là đoạn hàng rào bờ sông được thế kế lắp kính cuối con hẻm 189C đường Nguyễn Văn Hưởng.
Việc xây lên những vách kính che chắn mặt sông có thể phù hợp với kiến trúc, ý định của chủ nhà liền kề. Tuy nhiên, đa số người dân cho rằng việc làm trên vô hình tạo sự ngăn cách của người dân với bề mặt, không khí sông Sài Gòn. Đáng ra đây phải là không gian chung của cộng đồng.
Một khu vực khác để người dân tiếp cận khu vực bờ sông Sài Gòn tại khu vực này là đoạn bờ kè dài khoảng vài chục mét cuối đường Nguyễn Văn Hưởng. Khu vực này nằm sâu trong một con hẻm dài, khó tìm kiếm. Đây là nơi để người dân có thể tản bộ, dạo mát, tập thể dục, câu cá mỗi buổi chiều.
Là một người trẻ thuộc thế hệ mới, đam mê xê dịch và cảnh đẹp, anh Nguyễn Minh Lực (21 tuổi) chọn Thảo Điền là nơi cư trú từ năm 2019. Sau khoảng 3 năm ở đây, anh cho rằng, vấn đề bờ sông không còn là của chung chỉ có tăng chứ không có giảm. Để có “view” bờ sông hút mắt tại nơi mình sống, anh và nhiều người khác chỉ có lựa chọn đi xa hơn về phía bờ kè đầu đường Nguyễn Văn Hưởng, hoặc một con hẻm nhỏ ở giữa con đường. Phương án còn lại, anh và mọi người phải bỏ tiền để vào các quán cà phê, nhà hàng ven sông.
Không nên lấy vấn đề của lịch sử làm cớ cho hiện tại
Năm 2004, UBND TPHCM ban hành Quyết định 150 về ban hành quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn. Tuy nhiên, trước khi quyết định trên có hiệu lực, nhiều dự án đã được cấp phép xây dựng.
Sau khi tiếp nhận phản ánh của phóng viên Dân trí về thực trạng nhiều công trình xây sát bờ sông, không còn chỗ cho người dân đi bộ, Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố cho biết, yếu tố lịch sử là một trong những yếu tố dẫn đến thực trạng trên. Nhiều khu vực do quá trình đô thị hóa khiến hình thành những công trình, nhà ở sát bờ sông Sài Gòn.
TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, phân tích rõ hơn, Quyết định 150 thời điểm đó do Sở Giao thông Công chính biên soạn, lấy cơ sở hành lang an toàn bờ sông theo mép bờ cao từng khu vực. Trước thời điểm đó, việc cấp phép, quy hoạch bờ sông dù cần xét duyệt, căn cứ các quy hoạch nhưng chỉ mang tính cục bộ, không có quy định chung.
Tuy nhiên, vị phó kiến trúc sư trưởng ngày ấy cho rằng, không có bản quy hoạch nào hoàn chỉnh tuyệt đối, cũng không thể đòi hỏi vị trí của mọi công trình đều đúng chỗ. Việc giải quyết các vấn đề đồng loạt cùng lúc là không thể, nhưng tùy theo ý nghĩa, tầm quan trọng công trình mà thành phố có thể đưa ra giải pháp hợp lý, không có gì quá khó khăn.
Đồng quan điểm này, KTS Ngô Viết Nam Sơn, người từng tham gia công tác quy hoạch tại nhiều thành phố trên thế giới có nhiều điểm tương đồng với TPHCM, nhận xét, khu vực bờ sông Sài Gòn hiện tại chưa xứng tầm với đô thị hơn 10 triệu dân. Đây là điều cấp bách, đã để quá lâu nhưng chưa có chuyển biến.
“Không nên lấy lý do bởi các công trình lấn chiếm mà không thực hiện. Những tồn tại của lịch sử không phải chuyện khó để giải quyết. Cần bắt tay làm luôn, chứ không nên nói rồi để đấy nữa”, ông Ngô Viết Nam Sơn góp ý.