Sài Gòn đã làm mất 18 di tích lịch sử văn hóa như thế nào?

Giới chuyên môn về đô thị và di sản vừa gặp nhau tại hội thảo khoa học Di sản đô thị ở TP.HCM trong quá trình hiện đại hóa: Bảo tồn để phát triển bền vững để “góp thêm một tiếng nói” về hướng đi cho công cuộc phát triển đô thị song hành với bảo tồn di sản.
Cầu Ba Cẳng đã biến mất
Hội thảo được ba đơn vị: khoa sử Trường đại học Khoa học, xã hội và nhân văn TP.HCM, Bảo tàng TP.HCM và Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa TP.HCM cùng phối hợp tổ chức sáng 18-10 tại TP.HCM, thu hút hơn 50 tham luận.

TS Nguyễn Minh Hòa “gây choáng” hội thảo khi đưa ra một danh sách gồm 18 công trình đã biến mất trong quá trình chúng ta xây dựng và phát triển TP.HCM.

Có thể kể ra những cái tên quen thuộc một thời: địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son và ụ tàu, cầu sắt trong Thảo cầm viên, cầu Ba Cẳng độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á trên kênh Hàng Bàng (quận 6), tháp quan sát phòng cháy chữa cháy đầu tiên của TP ở khuôn viên Sở Cảnh sát PCCC, trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất, công viên Chi Lăng, quán cà phê Givral, thương xá Tax, Nhà đèn Chợ Quán, cầu Nhị Thiên Đường, vòng xoay Quách Thị Trang cùng tượng Trần Nguyên Hãn…
Lãnh đạo Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với một số cán bộ, chiến sĩ tại Trại Davis ngày 1-5-1975. Ảnh tư liệu
Và ông Hòa đề xuất cách làm của các nước, khi xây dựng phát triển đô thị nếu vì bất khả kháng phải chấp nhận đánh đổi di sản để đem lại “lợi ích lâu dài và lớn gấp nhiều lần” thì cũng cần làm “phụ lục” di sản bị phá hủy ở ngay tại công trình mới (bảng giới thiệu, hình ảnh, một chút hiện vật còn sót lại, mô hình thu nhỏ của công trình/di sản lúc còn tồn tại…).

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top