Sài Gòn – Quận 1 có gì vui? Check in những điểm đến không thể bỏ qua

Bản đồ Quận 1
Rất nhiều người Sài Gòn xưa vẫn thường gọi khu vực trung tâm quận 1, quận 3 là Sài Gòn. Còn Thành phố Hồ Chí Minh là một chỉ danh rộng lớn mà những nơi như quận Bình Thạnh, Quận 4… dù liền kề quận 1 và quận 3 vẫn không được gọi là Sài Gòn. 
Nếu chọn quận 1 và quận 3 là trung tâ, Sài Gòn, từ khu vực Hồ Con Rùa bắt đầu chuyến đi dạo chơi, bạn sẽ có một tour như ý qua các địa điểm nổi danh của Sài Gòn xưa.
Hồ Con Rùa 

Hồ Con Rùa ở trung tâm TP HCM có tên chính thức là Công trường Quốc tế, là nút giao của các tuyến đường Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân và Võ Văn Tần. Xung quanh hồ tập trung rất nhiều nhà hàng, quán bar, cà phê nên khu vực này luôn nhộn nhịp từ sáng đến khuya.
Nguyên thủy vị trí Hồ Con Rùa vào năm 1790 là cổng thành Khảm Khuyết của thành Bát Quái (còn gọi là thành Quy) được xây theo lệnh vua Gia Long. Tuy nhiên, sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (1833-1835), vua Minh Mạng đã cho phá thành Bát Quái và xây một ngôi thành nhỏ hơn mang tên là thành Phụng (thành Gia Định). Vị trí cửa Khảm Khuyết trở thành một điểm ở ngoài thành và nối thẳng con đường ngoài mặt tây thành xuống bến sông (đường số 16 – Catinat và bây giờ là Đồng Khởi).
Sau khi chiếm được Sài Gòn năm 1859, người Pháp đã cho phá hủy toàn bộ thành Gia Định. Năm 1878, một tháp nước được xây tại vị trí Hồ Con Rùa ngày nay để phục vụ nhu cầu cung cấp nước uống cho cư dân trong vùng. Đến năm 1921, tháp nước bị phá bỏ và con đường được mở rộng nối dài đến đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu). Từ đó, vị trí này trở thành giao lộ của các tuyến đường như ngày nay.
Cũng tại vị trí này, người Pháp cho xây một tượng đài ba binh sĩ bằng đồng với hồ nước nhỏ, để đánh dấu cuộc xâm chiếm và biểu tượng của người Pháp làm chủ Đông Dương. Do đó, người dân thường gọi nó là Công trường Ba hình. Các tượng đài này tồn tại đến năm 1956 thì bị Chính quyền Việt Nam Cộng hòa phá bỏ, chỉ còn lại hồ nước nhỏ. Giao lộ cũng được đổi tên thành Công trường Chiến sĩ.
Sau khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, địa điểm Công trường Chiến sĩ trở thành vòng xoay giao thông của đường Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch) và Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần – Trần Cao Vân). Thời điểm xây Hồ Con Rùa chưa được xác định chính xác, song một số tài liệu cho là nó được xây năm 1965-1967. Người thiết kế là kiến trúc sư Nguyễn Kỳ.
Trong những năm 1970 đến 1974, Hồ Con Rùa được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trùng tu và chỉnh trang. Trong đó có việc dựng thêm và điều chỉnh 5 cột bêtông cao có dạng năm bàn tay xòe ra giống như các cánh hoa đón đỡ một nhụy hoa.
Công trình mới này còn bao gồm một vòng xoay giao thông với đường kính khoảng gần 100 mét, được trang trí bởi cây xanh và hồ phun nước hình bát giác lớn với 4 đường đi bộ xoắn ốc đồng hướng đến khu vực trung tâm và hình tượng con rùa bằng hợp kim đội trên lưng bia đá lớn. Do đó, mới có tên gọi dân gian là Hồ Con Rùa.
Ban đầu, khu giao lộ này được đặt tên là Công trường Chiến sĩ Tự do, đến năm 1972 thì đổi tên thành Công trường Quốc tế. Tuy nhiên, đầu năm 1976, tấm bia và con rùa bị phá hủy trong một vụ nổ, dù con rùa không còn nhưng người dân vẫn quen cách gọi cũ thay vì tên chính thức.
Do có kiến trúc khá kỳ lạ, Hồ Con Rùa được gắn với giai thoại trấn yểm long mạch của tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu. Theo lời thuật của tác giả Huỳnh Bá Thành trong cuốn sách Vụ án Hồ Con Rùa (Nhà xuất bản Tuổi Trẻ 1982), có giai thoại truyền miệng kể là vào năm 1967 khi tướng Nguyễn Văn Thiệu lên làm tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, đã cho mời một thầy phong thủy người Hoa nổi tiếng đến coi thế đất tại dinh Độc Lập.
Ông thầy phong thủy này khen dinh được xây trên long mạch. Con rồng này có đầu nằm ngay dinh Độc Lập (vì vậy Dinh Độc lập còn có tên gọi là Phủ Đầu Rồng) và đuôi rồng nằm tại vị trí Công trường Chiến sĩ. Tuy phát hưng vượng nhưng do đuôi rồng hay vùng vẫy nên sự nghiệp không bền, cần phải cúng yểm bùa bằng cách đúc một con rùa lớn để trấn đuôi rồng không vùng vẫy, mới giữ được ngôi vị tổng thống lâu dài.
Vì vậy, ông Nguyễn Văn Thiệu đã nghe theo và cho xây dựng một hồ nước có hình bát giác, phỏng theo bát quái trận đồ, một biểu tượng phong thủy thường dùng để trấn yểm của người xưa, và cho đặt một con rùa lớn đúc bằng đồng ngay chính giữa hồ. Cũng vì thế, nhiều người cho rằng kiến trúc tháp cao giống như hình một thanh gươm hoặc một cây đinh khổng lồ đóng xuống hồ nước để giữ chặt đuôi rồng, và khuôn viên hồ nước có hình bát quái, bên giữa có hình âm dương.
Nhà Văn Hóa Thanh Niên
Trụ sở số 4 Phạm Ngọc Thạch của Nhà văn hóa Thanh niên hiện nay từng là trụ sở số 4 Duy Tân nổi tiếng của Tổng hội Sinh viên, Tổng đoàn học sinh, Hội đồng đại diện sinh viên Sài Gòn trước đây. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nơi đây là điểm hội tụ của 5 cánh quân Thành Đoàn. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 9/1975, Ban Thường vụ Thành Đoàn quyết định chọn số 4 Duy Tân làm Câu lạc bộ Thanh niên, đến năm 1979 nâng cấp thành Nhà văn hóa Thanh niên.
Trong giai đoạn 1963 – 1975, trụ sở số 4 Duy Tân là trụ sở hoạt động của những tổ chức công khai do Thành Ðoàn lãnh đạo: Tổng đoàn học sinh Saigon, Tổng hội sinh viên Saigon, Hội đồng đại diện sinh viên Saigon, Hội sinh viên sáng tác, Ðoàn văn nghệ học sinh – sinh viên Saigon, Ban tổ chức đêm văn nghệ mừng Tết Quang Trung năm 1968.
Trưa ngày 30/4/1975, các mũi tiến công và năm cánh quân khởi nghĩa ở nội thành của Thành đoàn đã vào tiếp quản số nhà 4 Duy Tân. Lời hẹn gặp nhau ở 4 Duy Tân của các cánh quân Thành đoàn, các chiến sĩ của phong trào, những người con yêu của thành phố, vừa từ nhà tù, từ rừng sâu, từ những nơi trú ẩn bí mật đã kéo về đây.
Sáng ngày 1/5/1975, các đồng chí lãnh đạo Thành đoàn đã họp phiên đầu tiên. Trụ sở Tổng Hội Sinh Viên số 4 Duy Tân đã trở thành trụ sở Ðoàn trong những ngày đầu giải phóng.
Tháng 9/1975, Ban thường vụ Thành Ðoàn đã quyết định chọn số 4 Duy Tân làm Câu lạc bộ Thanh niên.
Ngày 15/8/1979, Câu lạc bộ Thanh niên được quyết định nâng cấp thành Nhà văn hóa Thanh Niên. Tiếp tục kế thừa truyền thống của 4 Duy Tân, Nhà văn hóa Thanh Niên là nơi diễn ra các hoạt động Ðoàn, hoạt động Văn hóa thể thao-khoa học kỹ thuật, công tác xã hội phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi giải trí cho thanh niên.
Trong 43 năm qua, Nhà văn hóa Thanh niên đã thu hút hàng chục triệu lượt thanh niên đến tham gia sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí. Hiện nay, Nhà văn hóa Thanh niên được tổ chức thành ba khối với tám phòng chức năng. Khối hoạt động bao gồm Phòng Văn hóa – Nghệ thuật, phòng Khoa học – Giáo dục, Phòng Thể dục thể thao – Kỹ năng thực hành xã hội. Khối đào tạo và dịch vụ gồm Phòng Đào tạo, Phòng Khai thác dịch vụ và Tổ chức sự kiện. Khối đảm bảo gồm các Phòng Tổ chức – Hành chính, Phòng Tài chính – Kế toán, phòng Quản trị.
Đặc biệt, Nhà văn hóa Thanh niên hiện là nơi sinh hoạt của hơn 30 câu lạc bộ, đội, nhóm, thu hút hàng ngàn hội viên đến tham gia sinh hoạt. Nội dung sinh hoạt của các câu lạc bộ, đội, nhóm trải rộng trên nhiều lĩnh vực, nổi bật là câu lạc bộ Lý luận trẻ, câu lạc bộ Dẫn chương trình, câu lạc bộ Tuổi trẻ về nguồn… Bên cạnh việc tổ chức hoạt động chuyên môn, sở thích, các câu lạc bộ, đội nhóm Nhà văn hóa Thanh niên cón tích cực tham gia các hoạt động xã hội như hiến máu nhân đạo, diễn văn nghệ và phát quà cho bà con ở các nơi vùng sâu vùng xa…
Trung tâm thương mại Diamond Plaza

Tọa lạc tại số 34, Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. Hồ Chí Mính, cách Nhà văn Hóa Thanh Niên bởi con đường ngắn Nguyễn Văn Chiêm.
♦ Cách nhà thờ Đức Bà 2 phút
♦ Cách công viên Thống Nhất 3 phút
♦ Cách bến xe Buýt 1 phút
♦ Cách bệnh viện Nhi Đồng 2 khoảng 2 phút lái xe
♦ Cách bưu điện khoảng 5 phút
Tòa cao ốc này gồm 22 tầng, chia làm 2 bên: Khu thương mại và Khu căn hộ. Tòa nhà được xây xong vào năm 1999, tọa lạc ở góc đường Lê Duẩn và Phạm Ngọc Thạch, nằm phía sau lưng Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, ngay trung tâm thành phố.
Trung tâm thương mại và cao ốc văn phòng Diamond Plaza liền kề khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn . Ảnh chụp ngày 21/10/2019. Ảnh: lovesaigon1698@gmail.com 
Được đầu tư xây dựng bởi chủ đầu tư danh tiếng IBC, tòa văn phòng Diamond Plaza Lê Duẩn hiện diện nhanh chóng đáp ứng nhu cầu thuê không gian làm việc hạng A cao cấp. Đồng thời, tòa nhà cũng là khu phức hợp căn hộ và trung tâm thương mại chuẩn quốc tế sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Mang dáng dấp thanh lịch với gam màu xanh chủ đạo của kính xen kẽ chút màu trắng và đỏ của đá ốp, Diamond Plaza Sài Gòn trở thành tổng thể hiện đại và thoáng đãng.
Với tuần suất duy trì chất lượng dịch vụ luôn ở hạng A, tòa nhà luôn đạt tỷ lệ lấp sàn trống lý tưởng (trên 90%) bởi những danh hiệu tập đoàn uy tín trong bối cảnh những năm sau thị trường luôn có nguồn cung vượt cầu.
Khối Diamond Plaza Office bao gồm 7 tầng từ tầng 6 đến 12 với tổng diện tích ước chừng hơn 14.400m2. Trong đó, diện tích cho thuê luôn linh hoạt và đa dạng góp phần đáp ứng nhu cầu khắt khe của bất kỳ doanh nghiệp nào. Diện tích chào thuê dao động từ 150m2 tới 3500m2.
Tòa nhà nằm lền kề khu đất dự tính sẽ trở thành tòa tháp hoa sen 36 tầng dự án Lavenue Crown tại 8-12 Lê Duẩn. Thế nhưng, cũng vì khu đất này mà nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài bị bắt vì giao đất không qua đấu giá rồi rơi vào tay tư nhân. Tháng 9/2019 vừa qua, đại diện Công ty Hoa Tháng Năm – bà Lê Thị Thanh Thúy (còn có tên Hà Sen)  lại là nhân vật giữ vị trí quan trọng – Chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật của Lavenue đã bị bắt. 
Khu đất kế bên Diamond đang sử dụng làm bãi giữ xe chính là số 8-12 Lê Duẩn của dự án Lavenue Crown 

Nhà thờ Đức Bà
Tọa lạc tại số 1 Quảng trường Công xã Paris, Quận 1. Nhà thờ Chính tòa còn được gọi là nhà thờ Đức Bà, được xây dưới thời Đức Giám mục Colombert, phụ trách giáo phận. Giám mục là người đặt viên đá đầu tiên (07/10/1877) và cũng là người cử hành lễ khánh thành (11/8/1880). Nhà thờ được xây theo đồ án của kiến trúc sư Bourard, một chuyên gia về các công trình kiến trúc tôn giáo. Đồ án này là một trong số 18 đồ án xây dựng được đệ trình từ tháng 8/1876.
Nhà thờ Chính tòa là một công trình kiến trúc theo phong cách Roman có chiều dài 91 m, rộng 35m5, vòm mái cao 21m, chiều cao của hai tháp vuông kể từ đất là 36m6, nếu tính cả hai chóp tháp chuông do kiến trúc sư Gardes thêm vào năm 1885, thì chiều cao này sẽ là 57,6 m. Nhà thờ được trang trí với 56 cửa kính mầu mô tả các nhân vật hay sự kiện trong Thánh Kinh, 31 hình bông hồng tròn và 25 cửa sổ mắt bò, tất cả bằng hình trang trí ghép mảnh. 
Trong chiến tranh của Thực dân Pháp tại Việt Nam, ngay sau khi chiếm được Sài Gòn, Pháp đã cho lập nhà thờ để làm nơi hành lễ cho tín đồ Công giáo trong đoàn quân viễn chinh. Ngôi nhà thờ đầu tiên được lập ở đường số 5 (nay là đường Ngô Đức Kế). Đây là một ngôi chùa nhỏ của người Việt bị bỏ hoang do chiến tranh, cố đạo Lefebvre đã biến ngôi chùa này thành nhà thờ. Nhà thờ đầu tiên đó quá nhỏ nên vào năm 1863, Đô đốc Bonard đã quyết định cho khởi công xây dựng ở nơi khác một thánh đường bằng gỗ bên bờ “Kinh Lớn” (còn gọi là kinh Charner, thời Việt Nam Cộng hòa là trụ sở Tòa Tạp tụng). Cố đạo Lefebvre tổ chức “Lễ đặt viên đá đầu tiên” xây dựng nhà thờ vào ngày 28 tháng 3 năm 1863. Nhà thờ được xây cất bằng gỗ, hoàn thành năm 1865, ban đầu gọi là Nhà thờ Sài Gòn. Về sau, do nhà thờ gỗ này bị hư hại nhiều vì mối mọt, các buổi lễ được tổ chức trong phòng khánh tiết của “dinh Thống đốc” cũ, về sau cải thành trường học Taberd, cho đến khi nhà thờ lớn xây xong.
 Tháng 8 năm 1876, Thống đốc Nam kỳ Duperré đã tổ chức một kỳ thi vẽ đồ án kiến trúc nhà thờ mới. Vừa có chỗ thờ phụng, hành lễ cho tín đồ, vừa đẩy mạnh đạo Công giáo và sự vĩ đại của nền văn minh Pháp trước người dân thuộc địa. Vượt qua 17 đồ án thiết kế khác, đồ án của kiến trúc sư J. Bourad với kiến trúc theo kiểu Roman cải biên pha trộn nét Gotich đã được chọn.
Ban đầu, địa điểm xây cất được đề nghị ở 3 nơi: Trên nền Trường thi cũ (nay là góc đường Lê Duẩn và Hai Bà Trưng, tức vị trí tòa Lãnh sự Pháp); Ở khu Kinh Lớn (tại vị trí nhà thờ cũ, nay thuộc đường Nguyễn Huệ) và vị trí hiện nay.
Sau cùng vị trí hiện nay đã được chọn.
Sau khi đề án thiết kế được chọn, Đô đốc Duperré cho đấu thầu việc xây dựng thánh đường và cũng chính kiến trúc sư J. Bourad là người trúng thầu và trực tiếp giám sát công trình này. Mọi vật liệu từ xi măng, sắt thép đến ốc vít đều mang từ Pháp sang. Đặc biệt mặt ngoài của công trình xây bằng loại gạch đặt làm tại Marseille (Pháp) để trần, không tô trát, (đến nay vẫn còn màu sắc hồng tươi), không bám bụi rêu.
Ngày 7 tháng 10 năm 1877, Giám mục Isidore Colombert đặt viên đá đầu tiên trước mặt Phó soái Nam Kỳ và đông đủ nhân vật có ảnh hưởng thời ấy. Thánh đường được xây dựng trong 3 năm. Lễ Phục sinh, ngày 11 tháng 4 năm 1880, lễ cung hiến và khánh thành được cố đạo Colombert tổ chức trọng thể với sự có mặt của Thống đốc Nam Kỳ Le Myre de Vilers. Hiện nay, trên bệ phía trên, bên trong cửa ra vào nhà thờ, có chiếc bảng cẩm thạch gắn trong hành lang (transept) ghi ngày khởi công, ngày khánh thành và tên vị công trình sư. 
Tất cả mọi chi phí xây dựng, trang trí nội thất đều do Soái phủ Nam Kỳ đài thọ, với số tiền 2.500.000 france Pháp theo tỷ giá thời bấy giờ. Ban đầu, thánh đường có tên gọi là Nhà thờ Nhà nước vì thánh đường do nhà nước Pháp bỏ tiền xây dựng và quản lý. 
Năm 1895, nhà thờ xây thêm hai tháp chuông, mỗi tháp cao 57,6m và hai tháp có 6 chuông đồng lớn nặng 28,85 tấn. Trên đỉnh tháp có đính một cây thánh giá cao 3,50m, ngang 2m, nặng 600 kg. Tổng thể chiều cao từ mặt đất lên đỉnh thánh giá là 60,50m.
Bên trong Nhà thờ Đức Bà – Sài Gòn
Trên vườn hoa trước nhà thờ, năm 1903, người Pháp cho dựng tượng đồng Pigneau de Béhaine (còn gọi là Giám mục Adran vì vị này làm Giám mục hiệu tòa Adran) dẫn hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long) để ca ngợi công lao của nước Pháp “bảo hộ”, “khai hóa” cho Việt Nam. Tượng đài này bao gồm một bệ bằng đá hoa cương đỏ hình trụ tròn và bên trên là bức tượng tạc hình đức Giám mục Adran với phẩm phục giám mục, tay trái dẫn hoàng tử Cảnh. Tượng làm bằng đồng, được đúc tại Pháp, giới bình dân thời đó thường gọi là tượng “Hai hình” để phân biệt với tượng “Một hình”, là bức tượng của Đô đốc Hải quân Pháp Genouilly ở phía công trường Mê Linh (cuối đường Hai Bà Trưng, gần bờ sông Sài Gòn). Năm 1945, tượng này bị phá bỏ, nhưng cái bệ đài bằng đá hoa cương đỏ thì vẫn còn tồn tại ở đó mà không có bất cứ một bức tượng nào ở trên.
Năm 1958, Linh mục Giuse Phạm Văn Thiên (sau làm Giám mục giáo phận Phú Cường, nay đã qua đời), cai quản giáo xứ Sài Gòn bấy giờ, đã đặt tạc một tượng Đức Mẹ Hòa Bình bằng loại đá cẩm thạch trắng Carrara của Ý. Tượng được tạc tại Pietrasanta cách Roma khoảng 500km. Khi tượng hoàn tất đã được đưa xuống tàu Oyanox vào ngày 8/1/1959 và từ hải cảng Gênes tàu chở tượng qua Việt Nam và tới Sài Gòn ngày 15/2/1959, sau đó công ty Société d’Entreprises đã dựng tượng Đức Mẹ lên bệ đá trước cửa nhà thờ Sài Gòn, bệ đá này vẫn còn để trống kể từ năm 1945. Tự tay linh mục viết câu kinh cầu nguyện “Xin Đức Mẹ cho Việt Nam được hòa bình” rồi đọc trước đông đảo quan khách có mặt hôm ấy. Ngày hôm sau, Hồng y Aganianian từ Roma qua Sài Gòn để chủ toạ lễ bế mạc Đại hội Thánh Mẫu, đã làm phép bức tượng này vào buổi chiều ngày 17 tháng 2 năm 1959. Do bức tượng này mà từ đó Nhà thờ có tên gọi là Nhà thờ Đức Bà. 
Ngày 05/12/1959, nhà thờ Chính tòa được Tòa thánh Vatican nâng lên hàng Vương cung Thánh đường và Đức Hồng Y Agagianian, đặc sứ của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, đã làm phép tượng Nữ Vương Hòa Bình đặt trong công viên trước nhà thờ, nhân dịp ngài tới Sài Gòn. Từ đó, tên gọi chính thức của thánh đường là Vương cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn. 
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn kế bên Bưu điện trung tâm thành phố. Ảnh chụp ngày 21/10/2019. Ảnh: lovesaigon1698@gmail.com
Năm 1960, Tòa Thánh thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam với ba tòa Tổng Giám mục tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Nhà thờ trở thành nhà thờ chính tòa của vị Tổng giám mục Sài Gòn cho đến ngày nay.
Mặt trước thánh đường là một công viên với bốn con đường giao nhau tạo thành hình thánh giá. Trung tâm của công viên là bức tượng Đức Mẹ Hòa bình (hay Nữ vương Hòa bình). Tượng do nhà điêu khắc G. Ciocchetti thực hiện năm 1959. Tên của tác giả được ghi trên tà áo dưới chân, phía bên trái của bức tượng. Bức tượng cao 4,6m, nặng 8 tấn, bằng đá cẩm thạch trắng của Ý, được tạc với chủ đích để nhìn từ xa nên không đánh bóng, vì vậy mà toàn thân tượng, kể cả vùng mặt vẫn còn những vết điêu khắc thô. Tượng Đức Mẹ trong tư thế đứng thẳng, tay cầm trái địa cầu, trên trái địa cầu có đính cây thánh giá, mắt Đức Mẹ đăm chiêu nhìn lên trời như đang cầu nguyện cho Việt Nam và cho thế giới được hoà bình. Chân Đức Mẹ đạp đầu con rắn (mà hiện nay, đầu con rắn đã bị bể mất cái hàm trên). Trên bệ đá, phía trước bức tượng, người ta có gắn một tấm bảng đồng với hàng chữ Latinh:
Bót Catinat – Trụ sở Sở Văn hóa – thể thao và du lịch TP.HCM

“Lô đất vàng” 6.700 mét vuông ở đầu đường Đồng Khởi – nơi lâu nay là trụ sở của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM (số 164 Đồng Khởi, quận 1) từng là bốt cảnh sát Catinat. 
Bót cảnh sát Catinat nhìn từ nhà thờ Đức Bà 
Bót Catinat là nơi trứ danh mà bất kỳ người Sài Gòn nào cũng từng ít nhất một lần được nghe nhắc tới: “…Cách nhau một bức tường thành/ Mà đây vẽ lấy vạn hình đau thương/ Catinat, một khám đường/ Mà sừng sững trước giáo đường Giêsu”.
Sài Gòn hơn 300 năm tuổi thì đường Đồng Khởi đã mang ngót nghét 2/3 lịch sử ấy. Do người Pháp xây vào thế kỷ 19, đường từng mang tên đường số 16, Catinat, Tự Do và giờ là Đồng Khởi. Trong phạm vi chỉ 630 thước, chạy thẳng từ sông Sài Gòn lên đến nhà thờ Đức Bà, thời Pháp thuộc gọi là “rue Catinat” in đầy dấu chân các tướng tá, chính trị gia, thương nhân, ngôi sao điện ảnh, văn sĩ, nhà báo.

Trụ sở Sở Văn Hóa – Thể Thao TP.HCM. Ảnh chụp ngày 21/10/2019. 
Ảnh: lovesaigon1698@gmail.com
Bót Catinat – tiền thân của 164 Đồng Khởi chiếm gần 10.000 m2 ngày nay vốn là 164 Catinat, là Sở Thu thuế, nằm ngay góc ngã tư với đường Taberd (Nguyễn Du). Khảo cứu niên giám của TS Nguyễn Đức Hiệp cho thấy địa chỉ này được ghi là “Recette locale” (thu thuế địa phương) trong các năm 1905-1906 và “Receveur spécial” (thu ngân đặc biệt) từ năm 1907-1911, từ năm 1912 trở đi là “Trésor public” (ngân khố, kho bạc). Đến năm 1917, khi kho bạc mới được xây ở đại lộ Charner (đường Nguyễn Huệ), chính quyền thực dân Pháp bố trí cho Sở Mật thám Nam Kỳ và Sở Cảnh sát Trung tâm sử dụng công trình này làm nơi bắt giữ, tra khảo những người yêu nước. Do nằm trên đường Catinat nên người dân thường gọi cơ quan này là “bót Catinat”.
Bót Catinat được xây dựng kiên cố vào năm 1881 và đã trải qua một lần được trùng tu vào năm 1933. Sau năm 1954, bót Catinat khét tiếng thời thực dân được chính quyền Sài Gòn sử dụng làm trụ sở Bộ Nội vụ. Sau năm 1975, bót Catinat, lúc này là tòa nhà 164 Đồng Khởi, được sử dụng làm trụ sở của Sở VH-TT&DL TP.HCM. Công trình này từ lâu cũng đã có mặt trong danh sách khu vực sẽ bị phá bỏ và tái phát triển.
Tòa nhà 164 Đồng Khởi này thời Pháp thuộc là “bót cảnh sát Catinat”, nơi từng giam cầm và tra tấn nhiều người yêu nước. Từ 1975 đến nay đây là trụ sở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM. Khi thành phố có chủ trương gọi đầu tư, khoảng 70 tập đoàn trong và ngoài nước đã nộp đơn dự thầu 
“Kế bên thiên đàng có địa ngục”
Bót Catinat có căn hầm sâu dưới mặt đất, các xà lim lớn, nhỏ nơi mật thám Pháp giam giữ nhiều tù nhân chính trị. Nơi đây khét tiếng ác ôn, người bị tình nghi, khi bị bắt đều bị đưa vào đó để tra tấn, khai thác làm biên bản rồi giải qua Khám Lớn. Do nằm kế bên nhà thờ Ðức Bà nên người dân Sài Gòn gọi châm biếm: “Kế bên thiên đàng có địa ngục”.
Nhà văn quá cố, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng viết trong hồi ký: “Ông trời ở Catinat vuông vức, vì tù nhân ngó lên trên chỉ thấy một khoảng mây xanh vuông. Trời càng trưa, trong khám càng nóng dữ dội. Hơi nóng từ sân xi măng bốc lên hừng hực, 400 con người nép sát vào tường, tìm một miếng bóng mát mỏng manh, ba culoa đen nghẹt. Từ trong hai phòng công cộng 7 và 12, hơi người nồng gắt dội ra. Người ta nằm sấp như cá mòi trong đó, mồ hôi tuôn ra như tắm.
(…) Tiếng chuông nhà thờ Đức Bà khoan thai báo 10 giờ đêm. Không biết anh bạn tù nào cất giọng ngâm bài thơ của Hồ Hải, tôi còn nhớ, lẩm bẩm: “Catinat, Catinat/ Dã man, bỉ ổi, xót xa não nùng/ Hỡi ai dạ sắt lòng trung/ Đứng lên! Uất hận thấm dòng máu tươi/ Ngoài kia dưới ánh mặt trời/ Ngoài kia thành phố của người văn minh/ Cách nhau một bức tường thành/ Mà đây vẽ lấy vạn hình đau thương/ Catinat, một khám đường/ Mà sừng sững trước giáo đường Giêsu!””.
Hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thì tả: “Bót nằm ngay ở đầu đường Catinat, con đường sang trọng nhất Sài Gòn, có nhiều cửa hàng cao cấp, những khách sạn lớn nhất. Ngay trước mặt là nhà thờ Đức Bà, lớn và đẹp nhất của thành phố. Không hiểu thực dân Pháp, chính xác hơn là mật thám Pháp nghĩ gì khi đặt bót Catinat ở đây? Trong đêm khuya, từ những phòng biệt giam, phòng tra tấn, sau những trận đòn dã man khủng khiếp của kẻ thù, lại nghe văng vẳng bên tai tiếng chuông nhà thờ Đức Bà, như muốn làm dịu bớt nỗi đau của chúng tôi! Thật mỉa mai thay!”.
Còn bà Thu Trang – Hoa hậu Việt Nam 1955, người từng tham gia hoạt động nội thành từ rất sớm, từng bị bắt, bị tra tấn dã man và giam giữ ở bót Catinat thì rùng mình nhớ lại: “Ngục trần gian Catinat. Câu ấy vang lên trong đầu càng làm tôi lạnh xương sống. (…) Và tôi bị lôi đi sang phòng kế bên. Chúng ra lệnh cho tôi cởi hết quần áo, rồi trói tôi trên một tấm ván dài, buộc một miếng giẻ trên miệng và lấy nước đổ từ từ vào hai lỗ mũi. Tên cò đứng cạnh đó. Hắn nhấn mạnh: “Nói thiệt đi, nếu không thì còn được đi máy bay nữa”. Tôi cảm thấy từng giọt nước chảy xuống mũi, xuống cổ ngột ngạt kinh khủng, cảm giác hết sức là tê dại, nghẹt thở. Tôi vẫy vùng và ú ớ vì miệng bị bịt.
Một lúc sau bụng tôi phùng lên, óc ách đầy nước, chúng nhìn tôi ra dấu gì tôi không rõ, mắt tôi mờ đi và thình lình tôi cảm thấy nước trào lên đau đớn cùng cực vì những cú đấm trên bụng. Tôi ngất đi và không rõ bao lâu tôi tỉnh lại, thấy mình nằm trên sàn gạch trần truồng và run lên vì lạnh, vì đau ê ẩm khắp người. Tôi khóc thành tiếng nức nở”.
Tổ hợp khách sạn hơn 7.000 tỉ đồng
Năm 2013, UBND TP.HCM đã duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án tại “khu đất vàng” 164 Đồng Khởi, với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 7.000 tỉ đồng, chiếm một nửa mức đầu tư này là chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời. Theo tính toán, việc đấu thầu chọn nhà đầu tư khu đất này (sau khi trừ chi phí bồi thường thu hồi đất) sẽ giúp ngân sách TP thu về 1.600 tỉ đồng. Khi hoàn thành, công trình sẽ có chức năng là tòa nhà thương mại, dịch vụ, văn hóa, văn phòng, khách sạn cao cấp, tài chính, khu trưng bày triển lãm.
Trước dư luận luyến tiếc di sản bót Catinat, UBND TP đã điều chỉnh quy hoạch khu đất này. Theo điều chỉnh này, các chỉ tiêu bảo tồn di tích lịch sử bót Catinat, mảng xanh… được nới rộng hơn giúp nhà đầu tư dễ dàng triển khai dự án hơn. Ở khu đất này, thành phố chỉ yêu cầu bảo tồn di tích bót Catinat theo hướng không phục dựng di tích mà chỉ lưu giữ hiện vật nếu có, xây dựng sa bàn, mô hình về Catinat, làm bia gắn bảng sự kiện di tích tại khu đất trên… Tuy nhiên, nhiều người vẫn mong số phận của bót Catinat chí ít cũng được như nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội, một phần của nó được giữ lại như một di tích lịch sử, như ký ức của một thành phố trẻ. 

Đầu tháng 3/2015, nhà đầu tư Hongkong Land và Sumitomo & Development (thuộc tập đoàn Jardine của Anh) và Sumitomo (Nhật Bản) đã xin trả lại dự án tại khu đất vàng 164 Đồng Khởi. Thông tin được xem là lạ và bất ngờ bởi trước đó khu đất vàng này đã thu hút gần 70 nhà đầu tư xếp hàng xin được tham gia, trong đó có không ít doanh nghiệp tiềm lực rất mạnh. 

TP đồng ý với đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc nhà đầu tư xin rút khỏi dự án, đồng thời giao sở này tham mưu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ thu hồi chủ trương chỉ định hai đơn vị thực hiện dự án tại khu đất này.

Theo giới đầu tư, yếu tố thị trường bất động sản đóng băng, đặc biệt là phân khúc cho thuê văn phòng nên dự án này không còn đủ sức hấp dẫn, quyến rũ để nhà đầu tư tiếp tục rót tiền vào. Ngoài ra, mặc dù với vị trí vô cùng đắc địa, bên phải là nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP và quảng trường…, dự án này lại gặp bất lợi về chiều cao và không có chức năng căn hộ kinh doanh. Tất cả yếu tố trên dẫn đến tỉ suất sinh lợi rất thấp, khả năng thu hồi vốn chậm nên nhà đầu tư cân nhắc trước khi xuống tay đổ núi tiền vào.

Những ngày này, đi qua dãy tường dài của Sở Văn Hóa Thể Thao TP.HCM là hàng dài những tranh ảnh, áp phích được thay đổi liên tục theo nhiều chủ đề gắn với các hoạt động trong thành phố.

Bưu điện Trung Tâm Thành phố

Bưu điện Trung tâm TP Hồ Chí Minh hiện là một điểm đến tham quan không thể thiếu của du khách nước ngoài khi đến thành phố này. Họ đến để chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc cổ gần 130 năm tuổi.
Ðể thiết lập hệ thống thông tin liên lạc ngay sau khi chiếm thành Gia  Ðịnh, ngày 11-11-1860, Pháp đã cho khởi công xây dựng Nhà dây thép Sài Gòn, ngay vị trí trung tâm thành phố. Kiến trúc sư thiết kế tòa nhà này là Guy-xtáp Ép-phen, một kiến trúc sư danh tiếng đã thiết kế Tháp Eiffel, tượng Nữ thần Tự do, cầu Long Biên, cầu Tràng Tiền… 

Bưu điện trung tâm thành phố. Ảnh chụp ngày 21/10/2019. Ảnh: lovesaigon1698@gmail.com

 Ông Nguyễn Văn Trung đã trở thành người Việt Nam đầu tiên là Giám đốc Sở dây thép Sài Gòn. Ngày 13-1-1863, Nhà dây thép Sài Gòn chính thức khánh thành, đồng thời phát hành “con cò” (người Sài Gòn xưa gọi con tem là con cò), đây là con tem đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. “Con cò” Ðông Dương in hình con Phượng Hoàng, biểu tượng của Vua Na-pô-lê-ông Ðệ Tam, có giá từ 0,1 đến 4 phờ-răng. Năm 1864, những lá thư đầu tiên có dán “con cò” đã được gửi từ Sài Gòn ra thế giới. 
Vào ngày 22-3-1888, đường dây thép (điện tín) dài 2.000 km, xuyên Bắc Nam, nối Sài Gòn – Quy Nhơn – Ðà Nẵng – Huế – Vinh – Hà Nội đã được thông suốt. Ðến năm 1889, thêm một đường dây điện báo nối Sài Gòn – Băng Cốc (Thái-lan), chuyên phục vụ giới thương gia buôn bán, khai thác thuộc địa. Chưa khai thác được bao lâu, bưu điện đã bị quá tải và năm 1886, 
Bưu điện Sài Gòn được cho khởi công xây dựng lại theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Vin-lơ-đi-ơ (người Pháp). Năm 1891, trụ sở mới (như ngày nay ta thấy) chính thức khánh thành. Bắt đầu từ ngày 1-7-1894, những máy điện thoại đầu tiên của người dân Sài Gòn xuất hiện, liên lạc qua tổng đài Nhà dây thép, và hệ thống thông tin liên lạc này được khai thác, nâng cấp liên tục cho đến tận ngày nay.
Vẻ đẹp lộng lẫy của tòa nhà đã cuốn hút mọi người ngay sau khi khánh thành, gây ấn tượng mạnh với công chúng và là niềm tự hào của người dân Sài Gòn. Hệ thống mái vòm bên trong bưu điện có phong cách kiến trúc và trang trí rất đặc sắc. Mái vòm lớn được đỡ bởi bốn trụ sắt, vòm cung dài được chịu lực bởi hai hàng trụ sắt hai bên, các điểm giao tiếp giữa trụ và các kèo sắt được chạm khắc những họa tiết rất đẹp. Trên vòm tiền sảnh còn có hai bản đồ nói về lịch sử hình thành hệ thống viễn thông Sài Gòn. 
Bưu điện TP Hồ Chí Minh hiện có hơn 170 bưu cục trên địa bàn. 
Nhà hát thành phố 
Từ Bưu điện Sài Gòn đi theo đường Đồng Khởi sẽ đến Nhà hát Thành phố.
Nhà hát thành phố thuộc loại di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo được xây dựng từ năm 1863.  Diện tích 2016m².
Năm 1863, để giúp vui cho quân viễn chinh, một đoàn diễn viên từ Pháp sang biểu diễn tại nhà của thủy sư đô đốc Bonard ở công trường Đồng Hồ (Place de l’ horloge, khu vực Nguyễn Du, Đồng Khởi ngày nay). Đến năm 1898, theo lệnh của thống soái Hoeffet, một nhà hát được khởi công xây dựng.
Công trình do kiến trúc sư Eugène Feret thiết kế, Ernest Guichard thi công mang phong cách kiến trúc baroque. Mặt tiền nhà hát chịu ảnh hưởng nghệ thuật khá rõ nét của nhà hát Petit Palais được xây cất cùng năm tại Paris. Ngày 1/1/1900, nhà hát được khánh thành. Nhà hát được xây dựng tại khu vực đẹp nhất Sài Gòn lúc bấy giờ và được đánh giá là một công trình văn hóa tiêu biểu và tốn kém nhất Sài Gờn thời Pháp thuộc lúc bấy giờ. Ngày 17/1, nhà hát tổ chức buổi trình diễn đầu tiên.
Nhà hát thành phố. Ảnh chụp ngày 21/10/2019. Ảnh: lovesaigon1698@gmail.com
Nhà hát Thành phố thường xuyên hoạt động với nhiều chương trình nghệ thuật phong phú, chương trình biểu diễn thiết kế thời trang của các nhà tạo mẫu. Ngoài ra, chủ nhật hàng tuần, chương trình hòa tấu nhạc kèn thường xuyên được tổ chức tại khu vực trước tiền sảnh Nhà hát.
Với hai lầu và hơn 470 ghế, nơi đây thường xuyên tổ chức các chương trình âm nhạc đa thể loại, nhất là dòng hàn lâm, nghệ thuật dân tộc, múa ballet đòi hỏi những tiêu chuẩn nhất định về hệ thống âm thanh, ánh sáng… Một nhân viên gắn bó lâu năm với nhà hát cho hay lịch diễn kín quanh năm. Đơn vị nào muốn tổ chức chương trình phải đặt lịch trước nhiều tháng.
Cấu trúc hình mái vòm của nhà hát mang đậm phong cách kiến trúc “flamboyant” của Pháp. Lần đại tu gần nhất cách đây hơn 10 năm, đến nay hầu như không cần phải sửa sang nhiều, thỉnh thoảng chỉ thay thế nội thất hư tổn như ghế, đèn… Ngoài chức năng biểu diễn nghệ thuật, nhà hát còn được cho thuê để tổ chức các sự kiện, các buổi trao giải, hội thảo lớn.

Khách sạn Grand Hotel Sài Gòn
Địa chỉ: số8 Đồng Khởi, Bến Nghé, Quận 1,  TP Hồ Chí Minh

Được khởi công xây dựng vào năm 1929 nhưng cho đến nay thì Grand Hotel Saigon vẫn giữ được cho mình nét đẹp cổ kính và sang trọng của lối kiến trúc Pháp xưa. Một trong những khách sạn cung cấp chỗ nghỉ ngơi tốt nhất dành cho du khách khi đi du lịch tại Sài Gòn.

Grand Hotel Saigon thời Pháp
Khách sạn Grand được đưa vào hoạt động từ năm 1930 với vị giám đốc đầu tiên tên là De Lachevrotière. Ban đầu khách sạn  thiết kể tổng cộng có 68 phòng nằm tại số 8 Rue Catinat (nay là đường Đồng Khởi). Nhưng sau 2 năm thì khách sạn lại được bán cho một người Pháp lai Corse là Patrice Luciani. Trong thời kì này, khách sạn Grand đã phát triển một cách thành công và rực rỡ khi được đề cử “lựa chọn hạng nhất” của các khách sạn ở Sài Gòn.
Nổi bật nhất là những quán cà phê sân thượng luôn đáp ứng được mọi nhu cầu từ những buổi tiệc, hội họp lớn của thành phố. Đến năm 1939 thì khách sạn lại tiếp tục đổi chủ khi được bán cho Antoine Giorgetti. Tuy nhiên, do tác động của chiến tranh mà khách sạn lúc đó chỉ chủ yếu hoạt động cho thuê các căn hộ hạng sang mà thôi.

Những đường nét kiến trúc cầu kỳ tinh xảo vẫn giữ nguyên đến ngày nay. Ảnh chụp ngày 21/10/2019. Ảnh: lovesaigon1698@gmail.com


Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top