Sáng ngày 30/9, TPHCM đón trận mưa lớn từ sáng sớm. Khi hết mưa, nắng vừa lên, cũng là lúc hàng loạt hàng rào kẽm gai, chốt chặn đồng loạt được tháo dỡ để chuẩn bị cho nhịp sống đô thị trở lại sau gần 4 tháng phong tỏa cứng.
Từ sau ngày 30-9, TPHCM tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội theo lộ trình tương ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Sau 30-9, người dân không phải sử dụng giấy đi đường
Người dân khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vaccine (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động).
Trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ sau: 1 – là F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; 2 – đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với vaccine yêu cầu tiêm 2 mũi và sau 14 ngày) khi được cơ quan chức năng yêu cầu hoặc tại các địa điểm đến (cơ quan, công sở, cơ sở khám chữa bệnh, quán ăn, nhà hàng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, phương tiện công cộng, công ty, nhà máy…).
Người dân thực hiện nghiêm 5K, không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác; trường hợp cấp thiết phải đi lại liên tỉnh phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Mục II của Chỉ thị.
Người dân có những triệu chứng (ho, sốt, khó thở…) hoặc cần cấp cứu y tế, liên hệ ngya với số điện thoại đường dây nóng của Tổ phản ứng nhanh Covid-19 tại địa phương hoặc Tổng đài cấp cứu 115.
Người nước ngoài khi nhập cảnh vào TPHCM phải khai báo y tế tại cửa khẩu và sử dụng mã QR hoặc giấy tờ thay thế cho các hoạt động tại TPHCM.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình nhấn mạnh, sau ngày 30-9, người dân không sử dụng giấy đi đường.
Trong một diễn biến khác, chính quyền TPHCM chính thức “Thu hồi 22 tấn gạo hỗ trợ chung cư Vinhomes gặp khó khăn“. Lý do: Vấn đề chi hỗ trợ này khiến nhiều cư dân sống tại đây thấy phản cảm.
Trao đổi vấn đề này với quận Bình Thạnh, đại diện quận cho biết khi nhận được thông tin về vụ việc trên, quận đã chỉ đạo phường 22 dừng chi hỗ trợ. Yêu cầu phường giải trình vụ việc và xem lại danh sách người khó khăn gồm những ai. Theo đó, tại chung cư Vinhomes vẫn có người khó khăn cần hỗ trợ, nhưng số gạo phải chi đến 22 tấn là quá nhiều.
Ngày 24-9, Phòng LĐTB-XH quận Bình Thạnh có công văn số 990 về việc phân bổ số lượng gạo hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 (đợt 2) trên địa bàn. Theo công văn, mỗi người dân khó khăn sẽ nhận 15kg gạo/tháng.
Theo tìm hiểu của PV Báo SGGP, rất nhiều người dân sống tại các khu nhà trọ, khu dân cư đông lao động khó khăn, từ đầu dịch đến nay chỉ nhận được 10kg do địa phương hỗ trợ. Thậm chí, nhiều nhà không nhận được. Riêng phần hỗ trợ 15kg gạo như công văn, nhiều người khó khăn chưa được phát.
Kinh tế quý 3/2021 giảm sâu, “tăng trưởng” GDP âm 6,17%
Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay…
Tại buổi công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý 3 và 9 tháng năm 2021 ngày 29/9, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết đợt dịch Covid-19 bùng phát cuối tháng 4/2021 đánh thẳng vào các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ…đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.
GDP quý 3/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ giảm rất sâu, lần lượt ở các mức giảm 5,02% và giảm 9,28%.
“Với mức giảm của quý 3/2021, GDP 9 tháng năm 2021 chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước do dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh”, bà Hương nhận định.
GDP tăng trưởng âm sẽ phản ánh xu hướng hay suy giảm của nền kinh tế so với cùng kỳ năm trước.
Việc đánh giá mức độ suy giảm kinh tế cần được xem xét trên cùng một hệ quy chiếu (so với quý trước đó hoặc so với cùng kỳ năm trước).
GDP Tăng trưởng âm là sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế diễn ra trong hơn một vài tháng. Nó có thể nhìn thấy trong sản xuất công nghiệp, việc làm, thu nhập thực tế và thương mại bán lẻ.
Tuy GDP tăng trưởng âm không đạt đến mức độ nghiêm trọng như suy thoái, nhưng vẫn liên quan đến sự gia tăng thất nghiệp và một nền kinh tế đang hoạt động dưới mức tiềm năng của nó.