Cổng thành Gia Định vừa khoác lên chiếc áo mới, màu trắng trang nhã khác với màu vàng cũ bao nhiêu năm qua. Ảnh chụp tháng 4 năm 2021
Theo các tài liệu lịch sử, thành Gia Định mà vua Gia Long và Minh Mạng cho xây dựng đã bị phá hủy hoàn toàn. Tuy nhiên có thông tin cho rằng một cổng thành Gia Định xưa vẫn còn tồn tại ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM đã gây nên những thắc mắc.
Thành Gia Định có một vị trí đặc biệt không chỉ về mặt quân sự của Sài Gòn xưa mà còn là di tích quan trọng từng gắn bó với những thăng trầm của lịch sử. Vì vậy, việc phát hiện ra cổng thành Gia Định sẽ có ý nghĩa rất lớn trong công tác nghiên cứu và bảo tồn các giá trị văn hóa cho TP.HCM.
Đối diện với lăng tả quân Lê Văn Duyệt, ngay góc đường Đinh Tiên Hoàng – Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) mỗi khi có dịp đi ngang qua đây, hẳn nhiều người sẽ… giật mình trước kiến trúc lạ của một đoạn tường thành cũ kỹ, cùng chiếc cổng nhỏ đắp nổi hai chữ Gia Định (chữ quốc ngữ). Công trình này hiện được một số trang mạng và một vài nhà nghiên cứu cho rằng chính là cổng thành Gia Định còn sót lại.
Theo các tài liệu lịch sử, thành Gia Định đã trải qua nhiều biến động thời vua Gia Long và Minh Mạng. Năm 1790, Gia Long cho triển khai xây thành Bát Quái (còn gọi là thành Quy, hay thành Phiên An) tại đất Gia Định. Sĩ quan công binh Pháp Olivier de Puymanel đảm nhận việc giám sát thi công tòa thành theo thiết kế phong cách Vauban của kỹ sư người Pháp Théodore Lebrun. Thành Phiên An có chu vi 4.000 m, nằm trong giới hạn các đường: Lê Thánh Tôn, Nguyễn Đình Chiểu, Đinh Tiên Hoàng và Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay.
Đến đời vua Minh Mạng, năm 1830, Lê Văn Khôi, con nuôi của Lê Văn Duyệt, nổi loạn, đánh chiếm lấy thành Bát Quái và biến nơi đây thành căn cứ chính cho cuộc nổi dậy của mình từ năm 1833 – 1835. Sau khi đánh bại Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng đã cho phá thành Bát Quái để lập thành Gia Định mới. Thành mới này nhỏ hơn thành cũ (chu vi 1.900 m), được gọi là thành Phụng và gần như nằm trong phạm vi thành cũ, với trung tâm là nhà thờ Đức Bà hiện nay. Thành đã bị Pháp đánh chiếm và phá hủy vào năm 1859.
Thiếu cơ sở khoa học
Đến tận nơi xem “cổng thành Gia Định”, nhiều ý kiến cho rằng quy mô kiến trúc quá nhỏ bé so với một cổng thành thường thấy. Và đặc biệt, hai chữ Gia Định được đắp bằng chữ quốc ngữ liệu có hợp lý?
Nhà nghiên cứu An Chi kể: “Những năm 1952 – 1955, ngày nào tôi đi học đều đạp xe qua chỗ này mà không hề thấy bóng dáng cái “cổng thành Gia Định”. Hồi đó, vỉa hè hai bên đường Đinh Tiên Hoàng hiện nay, đoạn từ lăng tả quân Lê Văn Duyệt đến cầu Bông rất rộng, mà người đi bộ cũng thưa thớt, nên ngành giao thông quy định xe ngựa và xe đạp phải chạy trên vỉa hè. Sau này từ miền Bắc trở về tôi thỉnh thoảng có đi qua lại chỗ đó thì ngạc nhiên khi thấy cái “di tích lịch sử lâu đời bậc nhất” như một số người nhận định lù lù tại khúc quanh này. Tôi thắc mắc không hiểu nó mọc lên từ lúc nào, nhưng đành để bụng vậy thôi”.
Ông Đỗ Tấn Sổ, hiện đã ngoài 90 tuổi, dân chính gốc của đất Bà Chiểu (Gia Định), hiện đang là cố vấn Ban Quý tế lăng tả quân Lê Văn Duyệt, cho biết: “Cái “cổng thành” này thực ra là một cái mirador mặt đất, tức là một cái trạm gác, do đội công binh thuộc Trung đoàn địa phương 135 (của chính quyền Sài Gòn) xây dựng vào nửa sau thập niên 1950, sau khi Pháp rút khỏi VN. Chỉ huy trung đoàn này là thiếu tá Ngô Tấn Nghiệm cho người trình bản vẽ lên tòa hành chính tỉnh thì tỉnh trưởng không duyệt vì mặt tiền của cái trạm gác này nhìn thẳng vào nơi làm việc của mình. Vì thế nên phải vẽ lại cho nó nhìn qua phía lăng Ông. Mặt tiền của nó rộng khoảng 3 m, có lắp một cái cửa hình vòm, ghép bằng sáu miếng gỗ, nhưng không bao giờ mở; chỉ có cửa ở mặt sau để ra vào, tường hai bên có khoét mỗi bên một khoảng trống để cho lính quan sát. Lúc bấy giờ nó nằm ngay góc đại lộ Lê Văn Duyệt – Chi Lăng (nay là Đinh Tiên Hoàng – Phan Đăng Lưu)”.
Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn, tác giả với nhiều tác phẩm nổi tiếng về Sài Gòn, lập luận: “Một điều gần như hiển nhiên là với thành Gia Định xây dựng năm 1836, sẽ chẳng bao giờ có chữ quốc ngữ ghi trên cổng, tất cả đều phải ghi, đắp bằng chữ Hán như cha ông ta đã làm với tất cả những công trình xây dựng trước thời Pháp thuộc”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, chuyên gia Lương Chánh Tòng (Bảo tàng Lịch sử TP.HCM), khẳng định: “Căn cứ vào bản đồ thành Gia Định vẽ 1795 của Dayot và bản vẽ thành Gia Định của Giám thành sứ Trần Văn Học năm 1815 thì khuôn viên tường thành không chạy ra xa tới đó. Khu vực bên đó là xã Bình Hòa, nơi dân cư sinh sống và mộ của một số quan lại, được xem là phần giới hạn bảo vệ cho thành mà thôi nên việc cho rằng cổng thành Gia Định đối diện với lăng tả quân Lê Văn Duyệt là hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học”.
Nguồn: Báo Thanh Niên
Ảnh: Ilovesaigon.net