Thành lập liên doanh theo Luật đầu tư năm 2005 và 2014

Theo quy định tại Điều 52 Luật đầu tư năm 2005 thì Thời hạn hoạt động của dự án có vốn đầu tư nước ngoài phù hợp với yêu cầu hoạt động dự án và không quá năm mươi năm; trường hợp cần thiết, Chính phủ quyết định thời hạn dài hơn đối với dự án nhưng không quá bảy mươi năm.


Theo Luật Đầu tư 2005, nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế; 
Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho nhà đầu tư nước ngoài đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. 
Quy định về Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhằm mục tiêu đơn giản hóa thủ tục cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng trên thực tế đã dẫn đến rất nhiều khó khăn cho nhà đầu tư bởi đây là hai loại giấy tờ hoàn toàn khác nhau về bản chất pháp lý. 
Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có nội dung ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư, trong khi đó Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lại ghi nhận thông tin về đăng ký doanh nghiệp. 

Do đó, việc quy định Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã tạo ra khó khăn, bất cập cho các nhà đầu tư khi thực hiện điều chỉnh các thông tin liên quan đến pháp nhân trong quá trình hoạt động.

Nhằm khắc phục hạn chế nêu trên, Luật Đầu tư 2014 đã tách bạch thủ tục đăng ký đầu tư và thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, sau khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh như nhà đầu tư trong nước. 
Đồng thời, theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 thì trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài phải có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Như vậy, nội dung đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do cơ quan đăng ký đầu tư cấp và quản lý. Còn nội dung về pháp nhân được ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan đăng ký doanh nghiệp cấp và quản lý.

Quy định này đã phân biệt rõ địa vị pháp lý của pháp nhân và của hoạt động đầu tư cụ thể, đồng thời, giảm phiền hà cho nhà đầu tư khi thực hiện điều chỉnh các thông tin liên quan đến pháp nhân trong quá trình hoạt động và đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (từ 45 ngày theo Luật đầu tư 2005 xuống còn 15 ngày theo Luật Đầu tư 2014).


Chủ đầu từ dự án  khu đất vàng Lê Duẩn  đã bị bắt

 Nhà đầu tư nước ngoài có cần phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi đăng ký thành lập doanh nghiệp hay không? 

Theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư thì nhà đầu tư được thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật. Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Khoản 1, Khoản 2 Điều 23 Luật Đầu tư quy định:

“1. Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;

c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên”.

“2. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC”.

Đồng thời, Khoản 14, Khoản 16, Khoản 17 Điều 3 Luật Đầu tư quy định:

“14. Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”.

“16. Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và các tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh”.

“17. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”.

Căn cứ quy định vào các quy định nêu trên, các trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi đăng ký thành lập doanh nghiệp bao gồm:

a) Nhà đầu tư nước ngoài đăng ký thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.

b) Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh đăng ký thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.

c) Tổ chức kinh tế có tổ chức kinh tế thuộc trường hợp nêu tại Điểm b nắm giữ từ 51 % vốn điều lệ trở lên đăng ký thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.

d) Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế thuộc trường hợp nêu tại Điểm b nắm giữ từ 51 % vốn điều lệ trở lên đăng ký thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

Do vậy, trường hợp bạn là nhà đầu tư nước ngoài dự kiến chỉ chiếm 5% vốn của tổ chức kinh tế thì bạn vẫn phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước khi đăng ký thành lập doanh nghiệp.

các điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế

Theo quy định tại Luật Đầu tư 2014 thì trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và phải đáp ứng các điều kiện:

a)   Về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ

Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong tổ chức kinh tế, trừ các trường hợp sau đây:

•    Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán;

•    Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;

•    Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc quy định tại nêu trên thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

b)   Hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

“Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” và “Điều kiện đầu tư kinh doanh” có phải là một hay không?

“Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” và “Điều kiện đầu tư kinh doanh” là hai khái niệm khác nhau. Theo đó, theo quy định tại Khoản 6 Điều 2 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động đầu tư trong những ngành, nghề đầu tư có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định, điều ước quốc tế về đầu tư. Còn theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì điều kiện đầu tư kinh doanh là điều kiện mà cá nhân, tổ chức phải đáp ứng theo quy định của luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế về đầu tư khi thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các ngành, nghề quy định tại Phụ lục 4 Luật Đầu tư.

“Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” và “Điều kiện đầu tư kinh doanh” là hai loại điều kiện khác nhau về cả đối tượng và thời điểm áp dụng điều kiện. Cụ thể như sau:

a) Đối với “Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài”

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 2 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP thì Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng đối với hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế;

b) Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế;

c) Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh;

d) Nhận chuyển nhượng dự án đầu tư hoặc các trường hợp tiếp nhận dự án đầu tư khác;

đ) Sửa đổi, bổ sung ngành, nghề đầu tư kinh doanh của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư thì Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hợp đồng BCC thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;

b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;

c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên.

Như vậy, đối tượng áp dụng của “Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” là nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức kinh tế quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư. Còn thời điểm áp dụng của “Điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” đối với nhà đầu tư nước ngoài là 5 trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều 2 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP; đối với tổ chức kinh tế quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Đầu tư là 3 trường hợp: (i)đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; (ii) đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế và (iii) đầu tư theo hợp đồng BCC.

b) Đối với “Điều kiện đầu tư kinh doanh”

Khoản 8 Điều 7 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định: “Doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động”.

Như vậy, đối tượng áp dụng của “Điều kiện đầu tư kinh doanh” bao gồm doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp và được áp dụng khi doanh nghiệp tiến hành quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.


Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top