Quỹ đất công khổng lồ được giao cho các doanh nghiệp Nhà nước sử dụng, chỉ bằng vài thủ thuật chuyển đổi đã biến thành đất tư nhân. Nhiều vụ việc được phát hiện, lộ rõ những khoản thất thoát cực kỳ nghiêm trọng cho nguồn lực quốc gia. Trong thời gian qua, cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh đã ngăn chặn không ít các khu đất công trình biến thành đất tư. Vấn đề đặt ra, làm sao để quỹ đất công khổng lồ trở thành nguồn lực của quốc gia, không rơi vào tay của các doanh nghiệp.
The Tresor, số 39 – 39B, Đường Bến Vân Đồn, Phường 12, Quận 4
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xử lý hơn 6.000m2 đất sở hữu Nhà nước tại 39-39B Bến Vân Đồn (Q.4, TP.HCM) được DN xây chung cư The Tresor
Hơn 6.000m2 đất thuộc sở hữu Nhà nước tại số 39-39B Bến Vân Đồn (Q.4, TP.HCM) được doanh nghiệp xây chung cư bán.
Kết luận thanh tra số 757/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ xác định: 6.202m2 đất ở số 39-39B Bến Vân Đồn (Q.4, TP.HCM) là đất có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước. Trớ trêu là đất này được doanh nghiệp tư nhân xây dựng chung cư để bán.
Đất này trước đó do 2 đơn vị là Tổng công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN quản lý.
Hai đơn vị trên sau đó góp vốn lập Công ty TNHH Phú Việt Tín (công ty Phú Việt Tín).
Ngày 25/3/2010, UBND TP.HCM có quyết định thu hồi và giao khu đất trên cho công ty Phú Việt Tín.
Đến ngày 31/3/2017, Công ty Phú Việt Tín sáp nhập vào Công ty TNHH Đầu tư và phát triển bất động sản Phúc Nguyên thành Công ty TNHH Đầu tư và phát triển bất động sản N. Phúc Nguyên.
Kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy: Công ty Phú Việt Tín không lập dự án đầu tư là vi phạm Nghị định số 12/2009 của Chính phủ bởi: “Khi đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư phải tổ chức lập dự án đầu tư và trình người quyết định đầu tư thẩm định, phê duyệt”.
Thanh tra Chính phủ cũng nhận định: UBND TP.HCM ra quyết định về việc thu hồi, giao đất và chỉ định Công ty Phú Việt Tín làm nhà đầu tư thực hiện dự án tại vị trí nói trên không thông qua đấu giá là không đúng với Luật Đất đai năm 2003. Đồng thời sai so với Thông tư số 03/2009 về việc hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất của Bộ Kế hoạch đầu tư.
Đến ngày 25/3/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, yêu cầu Thanh tra Chính phủ bổ sung một số nội dung liên quan như: Phương án sắp xếp, xử lý nhà đất; việc đầu tư dự án của Công ty Phú Việt Tín; việc sáp nhập Công ty Phú Việt Tín và Công ty N. Phúc Nguyên…
Tuy nhiên, theo báo cáo của các sở, ngành thuộc UBND TP.HCM, vị trí đất này đã được chuyển đổi chủ sử dụng nhiều lần, chuyển nhượng cổ phần từ các Công ty Cao su Đồng Nai và Bà Rịa cho một số doanh nghiệp khác qua thời gian dài.
Đến nay, dự án đã đầu tư xây dựng hoàn thành và bán hết cho người sử dụng. Qua đó, Thanh tra Chính phủ nhận thấy, vị trí nhà đất trên là tài sản công, việc giải quyết phải được thực hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được phê duyệt.
Vì vậy, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát để có biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định của pháp luật, tránh thất thoát tài sản Nhà nước tại dự án trên. Trong đó có nội dung liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp và phương án xử lý, sắp xếp nhà đất trước đó.
Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự gây thiệt hại tài sản Nhà nước thì chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không để thất thoát tài sản Nhà nước.
Dự án Khu du lịch sân golf Sài Gòn 156 ha
Từ dự án sân golf thành khu đô thị dân cư
Uỷ ban kiểm tra (UBKT) Thành uỷ TP.HCM vừa công bố kết luận của Ban Thường vụ Thành uỷ đối với Đảng uỷ Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – TNHH MTV (Saigontourist) nhiệm kỳ 2010 – 2015 và nhiệm kỳ 2015 – 2020 khi thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước; chậm thực hiện khắc phục các kết luận thanh tra về việc thực hiện, chuyển nhượng dự án Sài Gòn Gôn sai quy định.
Ban Thường vụ Thành uỷ kết luận phê bình Đảng uỷ Saigontourist hai nhiệm kỳ nói trên. Đồng thời, UBKT Thành uỷ kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Việt Hùng, nguyên Phó Bí thư Đảng uỷ, nguyên TGĐ Saigontourist; phê bình 5 cán bộ khác.
Tìm hiểu của VietNamNet, sai phạm của tập thể và cá nhân Saigontourist xảy ra tại dự án 156ha thuộc khu vực Nông trường Dừa, phường Long Trường, quận 9. Đây là khu đất hoang hoá, nhiễm phèn, bỏ hoang nhiều năm trước khi giao cho Saigontourist quản lý từ năm 2002.
Đến năm 2004, UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương cho Saigontourist làm chủ đầu tư dự án Khu du lịch sân golf Sài Gòn. Một năm sau, Thành phố cho phép Saigontourist cùng với Công ty Du lịch Thủ Đức và một công ty tư nhân thành lập pháp nhân mới là Công ty CP Sài Gòn Gôn.
Công ty CP Sài Gòn Gôn có vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Trong đó, Saigontourist và Công ty Du lịch Thủ Đức góp bằng một phần chi phí bồi thường đất với tỷ lệ lần lượt là 35% và 15%; hai cổ đông còn lại là công ty tư nhân nói trên và VinaCapital góp bằng tiền mặt, tỷ lệ góp lần lượt là 30% và 20%.
Tháng 2/2007, Saigontourist có quyết định giao cho Công ty CP Sài Gòn Gôn làm chủ đầu tư dự án. Lấy lý do khu đất có lợi thế cảnh quan sông nước phù hợp phát triển du lịch sinh thái, Saigontourist xin chuyển đổi dự án thành Khu hội nghị và du lịch sinh thái Sài Gòn. Năm 2010, UBND TP.HCM chấp thuận việc nghiên cứu, điều chỉnh chức năng quy hoạch sử dụng đất tại khu Nông trường Dừa như đề nghị của chủ đầu tư.
Tuy nhiên, ngày 23/5/2014 Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã ký quyết định thu hồi khu đất 156ha Nông trường Dừa đã giao cho Saigontourist sử dụng; giao UBND quận 9 tiếp nhận và quản lý khu đất, không để lấn chiếm, xây dựng trái phép.
Sau đó, trên cơ sở đề nghị của Tổ Chuyên gia lựa chọn chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố của Sở Xây dựng, tháng 12/2015 cũng chính Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín ký văn bản công nhận Công ty CP Sài Gòn Gôn làm chủ đầu tư dự án giai đoạn 1 – đầu tư hạ tầng kỹ thuật chính khu dân cư đô thị tại khu vực Nông trường Dừa.
Thành viên cổ đông của Công ty CP Sài Gòn Gôn lúc này đã có sự thay đổi lớn khi chỉ còn Saigontourist và một công ty tư nhân, mỗi cổ đông góp 50% vốn điều lệ. Theo chỉ đạo của UBND Thành phố, Saigontourist không được tham gia góp thêm vốn tại Công ty CP Sài Gòn Gôn.
Vì sao Saigontourist thoái toàn bộ vốn tại Sài Gòn Gôn?
Từ việc sở hữu 35% rồi sau đó là 50% vốn điều lệ tại Công ty CP Sài Gòn Gôn, Saigontourist đã thoái toàn bộ vốn tại pháp nhân này, dẫn đến dự án Khu đô thị dân cư Nông trường Dừa rơi vào tay tư nhân một cách khó hiểu.
Sau khi chỉ còn 2 cổ đông, tháng 10/2015 Công ty CP Sài Gòn Gôn chuyển đổi loại hình từ công ty cổ phần sang Công ty TNHH Hai thành viên trở lên, thành Công ty TNHH Sài Gòn Gôn.
Theo thẩm định giá, giá trị phần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này thời điểm tháng 12/2015 là 1.290 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ sở hữu của Saigontourist tại Công ty TNHH Sài Gòn Gôn là 50%, tương đương 645 tỷ đồng.
Tháng 12/2016, TGĐ Saigontourist Trần Hùng Việt ký văn bản trình UBND TP.HCM và các sở ngành đề nghị bán toàn bộ 50% vốn góp tại Công ty TNHH Sài Gòn Gôn với giá 645 tỷ đồng.
Về lý do thoái vốn, Saigontourist cho rằng căn cứ theo quyết định ngày 16/12/2013 của UBND TP.HCM về phê duyệt Đề án tái cơ cấu Saigontourist giai đoạn 2013 – 2015.
Ngày 13/1/2017, Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Sở Tài chính TP.HCM có ý kiến rằng, Công ty TNHH Sài Gòn Gôn thuộc nhóm doanh nghiệp do Saigontourist tự đầu tư và thực hiện thoái vốn 100%.
Việc thành lập công ty này có liên quan đến phương án sử dụng đất tại phường Long Trường và Trường Thạnh, quận 9 và UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn công ty thực hiện thủ tục giao, thuê đất theo quy hoạch, thực hiện nghĩa vụ tài chính. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư vẫn chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với khu đất.
Hội đồng Thành viên Saigontourist chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh kế hoạch thoái vốn tự đầu tư và ngoài ngành nghề sản xuất kinh doanh chính; tiềm năng, khả nănhg sinh lợi để xem xét, quyết định.
Trên cơ sở đề nghị của Saigontourist và ý kiến của Chi cục Tài chính doanh nghiệp, ngày 24/1/2017 Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến ký văn bản chấp thuận chủ trương, cho phép Saigontourist chuyển nhượng vốn góp tại Công ty TNHH Sài Gòn Gôn cho một công ty tư nhân.
Song, trong một diễn biến khá thầm lặng, ngày 26/11/2018, CTCP Địa ốc Thành Nhơn và Saigontourist bất ngờ ký thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng vốn tại Sài Gòn Gôn mà hai bên đã ký và hoàn tất chuyển nhượng trong năm 2017.
Theo thỏa thuận hủy bỏ, các bên đồng ý “giao trả cho nhau toàn bộ những gì đã nhận từ bên còn lại”. Đồng thời, các bên phối hợp thực hiện thủ tục điều chỉnh điều lệ và giấy chứng nhận kinh doanh của Sài Gòn Gôn.
Đến ngày 9/1/2019, Saigontourist đã chuyển hoàn lại cho CTCP Địa ốc Thành Nhơn khoản tiền chuyển nhượng vốn góp là 645,44 tỷ đồng. Ngày 26/6/2019, Saigontourist cũng cử người đại diện phần vốn góp tại Sài Gòn Gôn theo như thỏa thuận hủy bỏ.
Việc hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng phần vốn tại Sài Gòn Gôn cũng khiến cho ban lãnh đạo Tập đoàn Novaland – Công ty mẹ của CTCP Địa ốc Thành Nhơn – quyết định thực hiện điều chỉnh hồi tố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 và 2018.
Trong đó, Novaland không hợp nhất nhất kinh doanh Sài Gòn Gôn do không phải là công ty con, mà xác định là công ty liên kết nên được trình bày theo phương pháp vốn chủ sở hữu trên BCTC hợp nhất của tập đoàn trong các năm 2017 và 2018.
Trong thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất Quý 4/2019, phía Novaland cho biết các thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng phần vốn tại Sài Gòn Gôn vẫn đang tiếp tục được thực hiện. Tính đến cuối năm 2019, tập đoàn này chỉ còn ghi nhận quyền sở hữu tại Sài Gòn Gôn là 49,86%.
Báo Kinh tế Đô thị kết luận: Một khu đất diện tích 156ha, được TP Hồ Chí Minh giao cho Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), sau đó một pháp nhân được dựng lên để khai thác khu đất. Từ một dự án sân golf lần hồi biến thành dự án bất động sản, Saigontourist thoái vốn, khu đất công biến thành đất tư với cái giá “mềm mại” vô cùng. Rất may, “âm mưu” biến đất công thành đất tư với giá “mềm mại” đã bị chặn đứng.
Khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng bị cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng chuyển nhượng trái luật
Khu đất 6.080 m2 số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM có vị trí đắc địa bậc nhất Sài Gòn khi có 3 mặt tiền. Khu đất do Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) quản lý, nộp tiền thuê đất hàng năm và dùng để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Sabeco là doanh nghiệp nhà nước do Bộ Công Thương trực tiếp quản lý.
Theo đề nghị của Sabeco, tháng 12/2007, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín đồng ý chủ trương cho công ty này làm chủ đầu tư thực hiện dự án xây dựng khu phức hợp khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại hội nghị, cao ốc văn phòng cho thuê tại khu đất này.
Để có pháp nhân thực hiện dự án, Sabeco cùng nhiều doanh nghiệp tư nhân thành lập Công ty liên doanh Sabeco Land. Năm 2011, UBND TP HCM duyệt giá trị quyền sử dụng đất để Sabeco thực hiện nghĩa vụ tài chính khi được chuyển mục đích sử dụng đất theo giá thị trường là 1.236 tỷ đồng.
Do số tiền quá lớn, Sabeco không bố trí được nên báo cáo Bộ Công Thương gửi công văn xin thành phố gia hạn thời gian nộp tiền. Công ty liên doanh Sacbeco Land cũng giải thể sau đó bởi không đủ năng lực tài chính.
Cùng thời gian này, Chính phủ ban hành nghị quyết yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung vốn đầu tư vào các ngành kinh doanh chính, không đầu tư ngoài ngành nhất là các lĩnh vực tài chính, bất động sản. Đối với tổng công ty đã đầu tư vào các lĩnh vực này phải sớm có kế hoạch thoái vốn, chấm dứt kinh doanh.
Tuy nhiên ba lãnh đạo Bộ Công Thương là ông Hoàng, bà Thoa, ông Dũng đã không thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ mà vẫn giao Sabeco thực hiện đầu tư dự án bất động sản, VKSND Tối cao cáo buộc.
Tháng 4/2014, Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco do ông Phan Đăng Tuất (chủ tịch HĐQT, phụ trách Bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco) và nhiều thành viên ký công văn đề xuất Bộ Công thương cho hợp tác với nhóm nhà đầu tư mới, thành lập công ty cổ phần để tiếp tục thực hiện dự án.
Phương án đề xuất là Sabeco sẽ góp 26% vốn điều lệ (18% tiền mặt và 8% giá trị lợi thế), các cổ đông còn lại góp vốn bằng tiền mặt và nộp 1.236 tỷ đồng tiền sử dụng đất cùng tiền nộp phạt quá hạn. Hơn nữa, Sabeco không phải góp vốn đầu tư dự kiến khoảng 3.000 tỷ đồng, các cổ đông còn lại cam kết thu xếp nguồn tiền cho việc triển khai dự án theo đúng tiến độ. Sabeco sau đó sẽ chuyển quyền sử dụng khu đất cho công ty cổ phần này để triển khai dự án.
Tháng 6/2014, ông Dũng tham mưu cho bà Thoa ký công văn trả lời phương án đề xuất của Sabeco thì được yêu cầu gửi dự thảo công văn xin ý kiến chỉ đạo của ông Hoàng trước khi ký phát hành. Bộ trưởng Hoàng sau đó trực tiếp ghi thêm vào dự thảo văn bản với nội dung: “Việc lựa chọn nhà thầu đầu tư cụ thể, Tổng công ty phải báo cáo Bộ để được xem xét quyết định”.
Ba ngày sau, bà Thoa ký công văn và bổ sung ý kiến của Bộ trưởng vào văn bản: Bộ Công thương đồng ý với đề nghị của Bộ phận quản lý vốn nhà nước về việc lựa chọn nhóm nhà đầu tư mới thay thế nhà đầu tư cũ để triển khai dự án.
Được lãnh đạo Bộ chấp thuận chủ trương, đại diện của Sabeco đã hợp tác với Công ty Attland, Công ty đầu tư thương mại và dịch vụ Hà An, Công ty đầu tư Mê Linh để thành lập Công ty cổ phần Sabeco Pearl, vốn điều lệ gần 485 tỷ đồng. Công ty Attland, Hà An và Mê Linh sẽ thực hiện nộp tiền sử dụng khu đất 2-4-6 và tiền phạt do chậm nộp cho nhà nước.
Theo cáo buộc, giá trị quyền sử dụng khu đất 2-4-6 đưa vào liên doanh để đầu tư thực hiện dự án nhưng không được định giá theo quy định pháp luật để tính vào phần vốn góp của Sabeco.
Từ công văn đề nghị của Sabeco, tháng 4/2015, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP HCM, ký quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng khu đất 2-4-6 là hơn 997 tỷ đồng. Cùng lúc, ông Tín chỉ đạo lãnh đạo các sở đề xuất UBND thành phố xem xét quyết định với đề nghị của Sabeco về việc chuyển quyền sử dụng khu đất cho pháp nhân mới của Sabeco là Sabeco Pearl.
Sau khi lấy ý kiến tham mưu của các cơ quan, tháng 6/2015, ông Tín ký công văn chấp thuận cho Sabeco Pearl thuê khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng với giá hơn 997 tỷ đồng (thấp hơn giá UBND TP HCM duyệt trước đó là 1.236 tỷ đồng), thời hạn 50 năm. Một tuần sau, ông Đào Anh Kiệt (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM) ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với khu đất cho Sabeco Pearl.
Sau đó theo đề xuất của ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc, ông Tín tiếp tục ký công văn chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc xây dựng, bổ sung thêm chức năng officetel (văn phòng cho thuê và khách sạn) và căn hộ ở cho dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng.
Ngay sau đó, nhóm các nhà đầu tư của Sabeco Pearl cùng ký công văn gửi Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề xuất ông chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp tại Sabecon Pearl. Khi chưa có phản hồi, nhóm nhà đầu tư này tiếp tục ký công văn gửi ông Hoàng đề nghị được mua lại toàn bộ phần vốn góp 26% của Sabeco.
Tiếp nối đề xuất của nhóm nhà đầu tư, ông Dũng ký báo cáo gửi ông Hoàng, bà Thoa cho rằng thoái vốn là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và đề nghị Bộ Công thương có công văn yêu cầu bộ phận quản lý vốn nhà nước tại Sabeco xây dựng phương án. Tổ thoái vốn sau đó được Sabeco thành lập theo chỉ đạo của Bộ Công thương.
14,7 triệu cổ phần (tương đương 26% vốn nhà nước) của Sabeco sau khi được điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch bổ sung chức năng căn hộ ở có giá 14.433 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, ông Hoàng cho rằng giá 14.433 đồng/cổ phần là giá giả định trong tương lai khi khu đất có chức năng căn hộ ở và quyết định giá khởi điểm để thực hiện thoái vốn là 13.247 đồng/cổ phần.
Ông Hoàng và bà Thoa sau đó đều phê duyệt giá sàn là 13,247 đồng/cổ phần. 26% vốn của Sabeco tại Sabeco Pearl đã được Công ty Attland mua lại với giá 196,645 tỷ đồng. Từ đó, Sabeco rút khỏi liên doanh Sabeco Pearl.
Tháng 10/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đổi tên Sabeco Pearl thành Công ty cổ phần đầu tư Quảng trường Mê Linh. Cùng lúc, những người đại diện phần vốn góp nhà nước tại Sabeco hết nhiệm vụ nên dự án tại khu đất 2-4-6 lúc này được chuyển toàn bộ sang nhà đầu tư là doanh nghiệp tư nhân.
Sabeco phải nộp tiền và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xong thì mới dược dùng quyền sử dụng đất để góp vốn vào Sabeco Pearl. Trường hợp Sabeco không có khả năng thực hiện dự án thì UBND TP HCM phải thu hồi khu đất và tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín vẫn ký văn bản cho Sabeco Pearl nộp tiền và làm chủ đầu tư trong khi đây không phải là doanh nghiệp nhà nước.
Theo kết quả giám định, giá trị quyền sử dụng khu đất 2-4-6 tại thời điểm khởi tố vụ án hình sự (8/11/2018) là hơn 3.800 tỷ đồng; giá trị 26% vốn góp của Sabeco tại thời điểm ngày 1/4/2016 là hơn 465 tỷ đồng (trong khi Sabeco bán hơn 196 tỷ đồng). Việc định giá, thoái vốn là thủ đoạn cuối cùng làm mất tài sản và là cơ sở để tư nhân chiếm tài sản nhà nước. Thiệt hại ước tính hơn 2.700 tỷ đồng.
Hành vi của ông Tín và 8 đồng phạm là cán bộ thuộc UBND TP HCM trong việc phê duyệt cho Sabeco Pearl thuê và cấp giấy chứng nhận khu đất thay cho Sabeco là không đúng quy định. Các bị can thừa nhận hành vi là trái quy định pháp luật nhưng “không có động cơ tư lợi”.
Ông Hoàng, Dũng bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, theo khoản 3 điều 219 Bộ luật Hình sự; khung hình phạt 10-20 năm tù. Bà Thoa đã bỏ trốn, cơ quan điều tra đã tạm định chỉ điều tra bị can và phát lệnh truy nã để khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Ông Nguyễn Hữu Tín cùng 7 nguyên cán bộ, lãnh đạo TP HCM bị truy tố về tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai, theo khoản 3 điều 229; khung hình phạt 5-12 năm.
6.300 m2 đất vàng dự án “The Goldmark Preminum Tower” – Khu đất tại số 34 – 36 – 42 đường Chu Mạnh Trinh và 33 Nguyễn Du, P.Bến Nghé, Q.1 rơi vào tay tư nhân như thế nào?
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), bất động sản tại số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh có tổng diện tích hơn 6.200 m2 thuộc sở hữu Nhà nước được giao cho Tổng Cty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) làm trụ sở và nhà ở tập thể cho cán bộ, nhân viên từ năm 1993. Đến năm 2004, Vinafood 2 được các cấp có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng tại các cơ sở nhà đất nêu trên từ đất sản xuất kinh doanh sang xây dựng cao ốc văn phòng và nhà ở cao tầng…
Mặc dù Vinafood 2 chưa lập dự án đầu tư, chưa lập phương án bồi thường di dời các hộ dân, chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt song vào năm 2010, Tổng công ty này vẫn được UBND TP Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với 3 cơ sở nhà, đất tại số 33 Nguyễn Du, số 34-36 Chu Mạnh Trinh để lập thủ tục đầu tư Dự án khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại với thời hạn giao đất 50 năm.
Sau khi được giao các cơ sở nhà đất nêu trên, Vinafood 2 đã liên kết, góp vốn với Công ty TNHH Quảng cáo, xây dựng, địa ốc Việt Hân (Công ty Việt Hân) thành lập Công ty TNHH 2 thành viên thương mại, dịch vụ, xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Công ty Việt Hân Sài Gòn) để thực hiện dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại trên khu đất hơn 6.200 m2 được UBND TP Hồ Chí Minh giao theo dạng nộp tiền sử dụng đất một lần.
Đáng chú ý, quá trình hợp tác giữa Vinafood 2 và Công ty Việt Hân trong chuyển nhượng đất đai, thoái vốn nhà nước, 4 cơ sở nhà đất nêu trên đã được chuyển nhượng với giá trị thấp hơn cả giá trị quyền sử dụng đất đã nộp. TTCP xác định, sau khi chuyển hóa tài sản Nhà nước sang tư nhân, Vinafood 2 mới báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chấp thuận cho triển khai nhanh việc xử lý các cơ sở nhà đất tại 33 Nguyễn Du và 34-36-42 Chu Mạnh Trinh nhằm khắc phục thua lỗ trong hoạt động kinh doanh.
Gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước
TTCP cho rằng việc Vinafood 2 hợp tác với Công ty Việt Hân để thực hiện chuyển hóa tài sản Nhà nước sang tư nhân, gây thất thoát tài sản lớn của Nhà nước là làm trái quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2014.
Ngoài ra, TTCP còn phát hiện dấu hiệu gian lận thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân thông qua việc chuyển nhượng vốn góp lòng vòng tại Công ty Việt Hân Sài Gòn qua các cá nhân.
Kết quả kiểm tra của TTCP cũng chỉ rõ Công ty Việt Hân Sài Gòn đã lợi dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại 4 lô đất trên để thế chấp ngân hàng vay hàng nghìn tỷ đồng trái luật. Điển hình là việc lập hồ sơ dự án đầu tư khống đối với 4 cơ sở nhà đất nêu trên và lấy tên là “The Goldmark Preminum Tower” để vay tiền ngân hàng.
Xin hợp tác khai thác đất vàng công sản rồi bán đứt
Khu đất vàng tại số 33 đường Nguyễn Du và 34 – 36 – 42 đường Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1 có tổng diện tích 6.274,5m2 là tài sản Nhà nước giao cho Công ty TNHH Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) quản lý, sử dụng, từ sau giải phóng đến nay. Vinafood 2 là doanh nghiệp Nhà nước về kinh doanh lúa gạo, thuộc Bộ NN&PTNN.
4 cơ sở nhà, đất thuộc khu đất vàng này được Vinafood 2 sử dụng bố trí làm nhà ở cán bộ – công nhân viên.
Xuất phát từ đề xuất của Vinafood 2, năm 2010, UBND TP.HCM giao 4 cơ sở nhà, đất cho đơn vị này để lập thủ tục đầu tư dự án xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại, với thời hạn giao đất 50 năm. Thực tế, Vinafood 2 chưa hề lập dự án để trình các cấp có thẩm quyền, chưa lập phương án bồi thường, di dời các hộ dân gồm 150 nhân khẩu đang sinh sống trên đất.
Trước đó, năm 2008, UBND TP.HCM có quyết định duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình hiện hữu trên khu đất là 643 tỷ đồng, để làm căn cứ yêu cầu Vinafood 2 nộp tiền chuyển quyền sử dụng đất.
Giai đoạn năm 2010 – 2015 Vinafood 2 không hề triển khai dự án nào trên khu đất vàng, mà sử dụng giấy tờ để thế chấp ngân hàng vay hơn 518 tỷ đồng, trả nợ cho các công ty con.
Đến năm 2015 Vinafood 2 họp HĐTV, ban hành nghị quyết, thống nhất chủ trương liên kết với Công ty TNHH Thương mại – Quảng cáo – Xây dựng – Địa ốc Việt Hân (gọi tắt la công ty Việt Hân) của đại gia Đinh Trường Chinh, để thực hiện dự án theo công năng đã được phê duyệt.
Hai bên thoả thuận cho ra đời một liên doanh là Công ty TNHH thương mại – dịch vụ – xây dựng Việt Hân Sài Gòn (gọi tắt là Công ty Việt Hân Sài Gòn). Liên doanh này có vốn điều lệ 800 tỷ đồng. Trong văn bản gửi UBND TP.HCM, Bộ NN&PTNN, Vinafood 2 đề xuất góp 20% vào dự án, 80% còn lại Công ty Việt Hân góp bằng tiền mặt.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, quá trình đó Vinafood 2 “đánh lận con đen”. Cụ thể, có lúc Vinafood 2 xin chủ trương góp 20% vốn này bằng toàn bộ giá trị tài sản trên đất và một phần quyền sử dụng đất. Nhưng có lúc “đánh tráo” câu chữ, 20% là một phần giá trị tài sản trên đất và giá trị quyền sử dụng đất.
Đáng nói, năm 2015 tổng giá trị khu đất vàng chỉ được tính là 730 tỷ đồng.
Đến ngày 25/12/2015 Vinafood 2 đã ký bán 4 cơ sở nhà, đất nói trên cho Công ty Việt Hân. Điều kỳ lạ, đại diện pháp luật của Công ty Việt Hân Sài Gòn (tức công ty liên doanh có 20% vốn của Vinafood 2), lại dùng chính tiền vốn góp điều lệ để mua và chi trả cho Vinafood 2 số tiền 570 tỷ đồng, sau khi cấn trừ 160 tỷ đồng vốn góp của Vinafood 2 vào công ty liên doanh.
Chỉ 4 ngày sau, Vinafood 2 ký hợp đồng với Công ty Việt Hân bán luôn 20% vốn góp trong công ty liên doanh, lấy 160 tỷ đồng.
Và như thế, bằng chiêu xin chủ trương hợp tác đầu tư, góp vốn thành lập liên doanh thực hiện dự án, Vinafood 2 đã bán trót lọt đất vàng công sản cho tư nhân với giá rẻ.
Nhiều lần làm trái chỉ đạo Thủ tướng
Thêm chiêu thức mua bán lòng vòng kỳ lạ xung quanh khu đất vàng này cũng được làm rõ.
Ngay sau khi được cấp giấy CNĐKKD lần 1, ngày 30/1/2016 Công ty Việt Hân bán 99% vốn góp, tương đương 792 tỷ đồng trong Công ty Việt Hân Sài Gòn cho một cá nhân là bà Hoàng Ngọc Cẩm Hồng.
Vừa được cấp giấy CNĐKKD lần 2, ngày 3/2/2016 bà Hồng bán 99% vốn góp, trong Công ty Việt Hân Sài Gòn cho Công ty CP Bất động sản Mùa Đông. Nhưng giá trị 99% vốn góp này bỗng dưng vài ngày tăng vọt từ 792 tỷ đồng lên 1.980 tỷ đồng. Và ngay trong ngày hôm đó, Sở KHĐT cấp giấy CNĐKKD thay đổi lần 3.
Về nhân vật Hoàng Ngọc Cẩm Hồng trong giao dịch này có nhiều nghi vấn. Khi chuyển nhượng vốn góp và thủ tục đăng ký thành viên, bà Hồng dùng tư cách công dân Việt Nam. Nhưng khi khai thuế thu nhập thì bà này dùng quốc tịch nước ngoài để được áp dụng thuế suất cho cá nhân không lưu trú là 0,1% trên giá trị chuyển nhượng vốn góp.
Rất nhanh, Công ty Việt Hân và Công ty Bất động sản Mùa Đông chuyển nhượng 100% vốn góp trong liên doanh, và giá hợp đồng tăng từ 1.980 tỷ đồng thành 2.250 tỷ đồng. Hai công ty sở hữu là Công ty CP Saigon Dimension chiếm 60% và Công ty Đầu tư BOB chiếm 40%.
Kết luận Thanh tra chỉ ra, quá trình Vinafood 2 xin chủ trương đầu tư dự án, thành lập liên doanh thực hiện dự án rồi bán đứt lô đất vàng, thoái vốn trong công ty liên doanh, Bộ NN&PTNN, Bộ Tài chính, UBND TP.HCM… đều có những văn bản hướng dẫn. Nhưng Vinafood 2 đã không thực hiện.
Có 4 ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xung quanh vụ việc này, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, Vinafood 2 đều làm trái các ý kiến chỉ đạo này.
Trong đó có những nội dung quang trọng như: Vinafood 2 không lập phương án sắp xếp, bồi thường, hỗ trợ di dời các hộ dân sống trên khu đất để trình cơ quan có thẩm quyền. Hay như Vinafood 2 không xây dựng phương án góp vốn, thoái vốn… trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, Kết luận thanh tra chỉ ra, Vinafood 2 và Công ty Việt Hân đã lợi dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để thế chấp khu đất vay hàng ngày tỷ đồng từ ngân hàng, trái quy định.
Như đã nêu ở trên, khi có giấy tờ của khu đất, Vinafood 2 thế chấp vay hơn 518 tỷ đồng, trả nợ cho các công ty con.
Sau này, Công ty Việt Hân có giấy tờ của khu đất và chứng thư xác định tài sản bảo đảm hơn 7.200 tỷ nên đã thế chấp vay của ngân hàng hơn 6.300 tỷ đồng. Khi đó, Việt Hân còn vẽ ra dự án khống, có tên là The Goldmark Preminum Tower trên chính lô đất vàng mua của Vinafood 2.
Trên cơ sở làm rõ các nội dung, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành liên quan tiến hành các bước, thủ tục pháp lý thu hồi 4 cơ sở nhà đất mà Vinafood 2 đã bán cho tư nhân.