Trước sự yêu chuộng Chocolate trên toàn thế giới, dự tính đến năm 2020 cần tăng thêm 30% sản lượng, khoảng 4,5 triệu tấn, nhưng ngành công nghiệp ngọt ngào đang chật vật lắm mới đáp ứng được nhu cầu hiện tại.
Sứ mệnh ngọt ngào từ cây Cacao
Giống như những thực phẩm đã gây nghiện cả thế giới như trà, cafe, cây Cacao trở thành món ăn thường ngày và xuất hiện qua nhiều sự sáng tạo pha trộn. Riêng những ngày đặc biệt như Valentine, Chocolate và các thực phẩm từ Chocolate – một loại kẹo ngọt chế biến từ cacao – trở thành món quà tặng lãng mạn và ngọt ngào nhất. Thế nhưng rất ít người biết đến quá trình gian nan từ cây Cacao trở thành thanh Chocolate. Thậm chí, một nền nông nghiệp từ loại cây này luôn cháy hàng vì không cung cấp đủ nhu cầu cho cả thế giới.
Khoảng từ năm 205 đến năm 900 trước Công Nguyên, cây Cacao được phát hiện từ hoang sơ, người Maya đưa về trồng trong ruộng nhà. Khi phát minh ra cách phơi sấy và nghiền quả Cacao làm bột để có được vị thơm đặc biệt cũng là lúc Cacao trở thành đơn vị tiền tệ của người Maya. Từ đó, quả Cacao bắt đầu hành trình chinh phục thế giới.
Vào khoảng năm 1400, Đế chế Aztec thống trị nhiều khu vực trong vùng Mesoamerica và giao thương với người Maya qua việc trao đổi hạt Cacao. Nhà thám hiểm người Tây Ban Nha, Cortes được coi là sứ giả đầu tiên mang chocolate đến với mảnh đất châu Âu vào năm 1528. Bằng cách làm ngọt hơn cho thức uống Xocoati và đôi khi còn cho thêm quế, hồi,vỏ chanh, bột hoa hồng khô, người dân xứ sở bò tót đã biến socola thành thức uống thịnh hành tại triều đình. Đến thời điểm này thì mùi vị của thức uống được chế biến từ hạt ca cao trở nên gần hơn với hương vị ngày nay.
Từ loại bột nghiền dùng pha nước uống, Chocolate tiến bước dài thành thanh chocolate rắn mất 300 năm. Sản phẩm Chocolate loại thanh rắn được phát minh bởi người Đức vào năm 1828. Quốc gia đứng đầu về ngành công nghiệp sản xuất chocolate thành phẩm này được đánh giá ngon thuộc hàng bậc nhất thế giới phải kể đến là Thụy Sỹ.
Nền nông nghiệp thịnh vượng từ cây Cacao
Năm 2013 cũng là năm phát triển vũ bão của các hãng sản xuất Chocolate. Dẫn đầu thị trường thế giới có Mars (Mỹ) với doanh số 17,640 triệu USD, Mondelēz International Inc (USA) đạt doanh số 14,862 triệu USD, Nestlé SA (Thụy Sĩ) 11,760 triệu USD, Meiji Holdings Co Ltd (Nhật) 11,742 triệu USD… Dự báo từ đây đến năm 2020, nền nông nghiệp Cacao dự tính cần đến thêm 30% sản lượng, khoảng 4,5 triệu tấn trên toàn thế giới mới có thể xoa dịu được cơn khát ngọt ngào.
Theo tổ chức WCF (World Cocao Foundation) mỗi năm nền nông nghiệp trồng và sản xuất Cacao tạo công ăn việc làm cho 40-50 triệu người trên toàn thế giới. Năm 2013 vừa qua được đánh dấu là năm hết sức quan trọng của tổ chức này với những hành động chú trọng phát triển về chiều sâu trong kỹ thuật trồng và sản xuất tại các nước Tây Phi, Mỹ Latin và Đông Nam Á. Đồng thời, WCF tăng cường quan hệ và nhận tài trợ từ các quỹ nổi tiếng trên thế giới như Quỹ Ford, Quỹ Wallmart và Quỹ Bill & Melinda Gates nhằm tìm kiếm sự tài trợ cho nền nông nghiệp Cacao và những lao động nữ tham gia.
Trên bước đường chinh phục cả thế giới, cây Cacao đã đóng góp vào sự phát triển và thịnh vượng của rất nhiều quốc gia. Một trong những quốc gia thành công về nông nghiệp trồng cây Cacao ở châu Á là Philippine. Vào thế kỷ 17, cây Cacao đầu tiên được trồng bởi một thủy thủ người Tây Ba Nha. Có thời kỳ các trang trại trồng cây Cacao ở đất nước Philippine có thể tạo ra 35.000 tấn hạt Cacao mỗi năm. Những năm gần đây sản lượng hạt Cacao tại Philipine sụt giảm do nhiều yếu tố. Trước nhu cầu quá lớn của thị trường, với sự hỗ trợ hết mình từ Hiệp hội phát triển nông nghiệp Cacao Mindanao, Philippine đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 phải đạt 100.000 tấn hạt Cacao/năm, chiếm khoảng 25% thị trường tại châu Á.
Tại châu Á, Indonesia là đất nước có sự phát triển dẫn đầu về sản lượng hạt Cacao và đứng thứ ba trên thế giới, sau Bờ Biển Ngà và Ghana. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Suswono từng khẳng định Indonesia nhắm mục tiêu trở thành nước sản xuất Cacao lớn nhất thế giới, dự định sẽ tăng sản lượng Cacao khoảng 650.000 đến 700.000 tấn/năm, thay thế Bờ Biển Ngà bằng cách đưa ra chương trình đẩy mạnh sản xuất và bảo hộ Cacao của quốc gia. Tuy nhiên, năm 2013 đã diễn biến thời tiết quá phức tạp với lượng mưa lũ lớn, làm sụt giảm 14% sản lượng tương đương khoảng 140.000 tấn hạt, đã chậm đà phát triển ngôi vương của Indonesia.
Quả đắng từ cây Cacao Việt Nam
Nền nông nghiệp trồng cây Cacao khắp thế giới ít nhiều đều mang đến những giá trị ngọt ngào thì ngược lại, nông dân Việt Nam luôn dè chừng nhận quả đắng.
Cây Cacao cũng giống như cây Cà phê khá kén thổ nhưỡng và khí hậu, lại dễ nhiễm bệnh từ sâu và mục rỗng gốc. Vì vậy, rất nhiều nước trên thế giới có thể trồng được cây Cacao nhưng không phải vùng đất nào cũng cho ra chất lượng quả ngon. Thật bất ngờ, những trái Cacao xuất thân từ Bến Tre đã mang đến cho Puratos Grand-Palace VN giải thưởng Cacao tốt nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Paris (Pháp), sánh vai cùng các nước có sản lượng hàng đầu trên thế giới. Puratos Grand-Place Việt Nam cũng vừa khánh thành Nhà máy Lên men hạt ca cao (CCFP) với tổng giá trị đầu tư 8 triệu USD và Trung tâm Phát triển ca cao (CDC) với sự hợp tác cùng Mars.tại Khu công nghiệp Giao Long, tỉnh Bến Tre.
Hiện tại các quốc gia trồng Cacao trong châu Á góp tổng sản lượng khoảng 500.000 tấn hạt Cacao mỗi năm. Trong đó, VN chỉ đạt sản lượng 5.000 tấn hạt/năm, đóng góp quá nhỏ. Thế nhưng, VN lại là nơi được các nhà sản xuất và chế biến Cacao tin tưởng và quyết liệt đầu tư. Các nhà chế biến Cacao tại châu Âu luôn kỳ vọng Việt Nam sẽ là nước sản xuất hạt Cacao như Indonesia. Bởi họ đã chứng kiến nền nông nghiệp Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới, chỉ trong thời gian ngắn đã trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, hạt điều nhất nhì thế giới.
Gần đây, Tập đoàn Cargill toàn cầu và tổ chức WCF đã cùng triển khai chương trình “Cargill Cocoa Promise” nhằm phát triển bền vững cây Cacao trên toàn thế giới. Tại VN, Cargill đã thành lập hơn 100 trang trại trình diễn Cacao tại Việt Nam để đào tạo nông dân trồng cây Cacao tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.
Trong kế hoạch đề ra của Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ước tính đến cuối năm 2011 tổng diện tích ca cao đạt 26.732 ha, tăng thêm 6.143 ha so với thời điểm hiện tại và đến năm 2015 diện tích ca cao trên cả nước sẽ đạt 53.580 ha, tăng 26.848 ha , chiếm 89,3% so với kế hoạch của đề án phát triển Cacao đưa ra.
Tuy nhiên 2013 là năm có sự biến động mạnh về diện tích. So với năm 2012, diện tích ca cao giảm hơn 3.500ha do trồng một số nơi không thích hợp như nhiễm mặn, thiếu nước tưới và không có điều kiện đầu tư. Ở Bến Tre, nơi mang đến ngôi vị chất lượng cho Cacao Việt Nam có diện tích cây Cacao chết do nhiễm mặn nhiều nhất: 536ha. Hiện nay, theo số liệu cuối năm 2013, ca cao chỉ có hơn 22.000ha, tập trung nhiều ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hơn 11.000ha, còn lại ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ.
Vậy thì, ước mơ của Ban Điều phối Phát triển cacao Việt Nam (VCC) năm 2005 diện tích cacao cả nước sẽ đạt 60.000 ha và nâng lên 80.000 ha vào năm 2020, đạt được sản lượng hạt khô 52.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 50 – 60 triệu USD… có phải là nhiệm vụ bất khả thi không?
Mặc dù nền nông nghiệp Cacao rất thịnh vượng nhưng không phải lúc nào cũng mang đến quả ngọt. Năm 2009, Hiệp hội các nhà chế biến ca cao của Nigeria (COPAN ) đã công bố rằng Nigeria lỗ sơ sơ trên 32 tỷ Naira do đầu tư vào lĩnh vực chế biến Ca cao do hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này. Nhiệm vụ bức thiết nhất hiện nay của các ban ngành, hiệp hội, tổ chức trong nước phải làm sao cho người nông dân tin tưởng vào việc trồng loại cây khó tính này sẽ ổn định và phát triển.
Tại VN, do tâm lý người dân không ổn định, chỉ cần giá cả giảm chục ngàn đồng/kg hạt Cacao thô có thể dẫn đến việc chặt phá cây Cacao và trồng ngay các loại cây ngắn ngày khác. Bên cạnh việc khuyến khích và chuyển giao áp dụng công nghệ và giống cây con mới trong sản xuất, hơn bao giờ hết, để đạt được kết quả như mong muốn vào năm 2020, thay vì hô hào khẩu hiệu “trồng Cacao như trồng… vàng”, phải tìm kiếm và vận động từ những Quỹ và hiệp hội phát triển bền vững để hỗ trợ người nông dân giải quyết hoặc chia sẻ những khó khăn kinh tế trước mắt. Ví dụ bảo trợ toàn phần cho con em nông dân học hành, bảo trợ về chăm sóc sức khỏe y tế cho phụ nữ… Chỉ có những chính sách đãi ngộ đặc biệt như vậy mới mong người nông dân không xốn xang nhìn giá Cacao lên xuống, dù lên nhiều hơn xuống.
Nguồn: Thanh Chung- Congluan.vn