Vietnam chỉ có 23 công ty đa cấp được cấp phép nhưng biến tướng đa cấp vô cùng vi diệu

Theo đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, tính đến nay, trên thị trường Việt Nam chỉ có 23 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định tại Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Trường hợp người dân phát hiện các doanh nghiệp không thuộc danh sách trên nhưng có dấu hiệu tiến hành hoạt động bán hàng theo phương thức đa cấp, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị người dân cung cấp thông tin về cho Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hoặc Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường tại địa phương để tiến hành xác minh và chuyển cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định.
Đánh vào tâm lý mong muốn làm đẹp, trẻ lâu
Về hoạt động đa cấp biến tướng, theo đại diện Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục đã nhận được nhiều thông tin liên quan, trên internet có đăng tải các nội dung giới thiệu sản phẩm thực phẩm chức năng được quảng cáo như các loại thần dược chữa bách bệnh. Trong đó phải kể đến loại thực phẩm có tên “Vital Enzyme” có khả năng chữa “bách bệnh” từ bệnh ngoài da, nấm đến đau cơ, xương, khớp, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, huyết áp cao …và cả bệnh nan y như ung thư.
Bên cạnh các hoạt động bán các loại thần dược kiểu mới, nhiều tổ chức cũng đánh vào tâm lý mong muốn làm đẹp, trẻ lâu của người tiêu dùng. Điển hình trong số này là các loại thần dược dùng công nghệ tế bào gốc của Jeunesse được các hội nhóm tung hô là có khả năng điều trị được nhiều loại bệnh, từ viêm phế quản, suy thận sơ gan đến cả bệnh nan y như ung thư. Dù là loại thực phẩm chức năng nhưng với đủ chiêu đánh bóng hình ảnh, quảng cáo trên internet, trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, youtube cũng lan truyền những video clip hướng dẫn việc tham gia mạng lưới của Jeunesse cùng kinh doanh để nhận được những nguồn thu nhập thụ động hàng ngàn đô la mỗi tháng.
Xuất hiện nhiều công ty Trung Quốc hoạt động kiểu đa cấp
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho hay, cùng với các mô hình kinh doanh đa cấp kiểu mới như huy động tài chính, kinh doanh tiền ảo, cho vay ngang hàng, những đối tượng, tổ chức kinh doanh đa cấp đang chuyển hướng nhằm vào những con mồi với những biến thể mới hoàn toàn.
Mới đây nhất, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã phải lên tiếng cảnh báo về hoạt động của hàng loạt hệ thống đa cấp hoạt động theo hình thức huy động vốn trái phép, lôi kéo tuyển dụng thành viên cùng tham gia đầu tư để nhận tiền thưởng và hoa hồng. Trong đó rầm rộ nhất là hệ thống các website dạy cách làm giàu và kiếm tiền online như: kiemtienfuturenet.com; futurenet.vn; getrich.vn; futurenet.edu.vn; meodautu.com/cach-kiem-tien-thu-dong-voi- futurenet… 
Hoạt động của các thành viên FutureNet còn bao gồm việc đầu tư FuturoCoin, một đồng tiền kỹ thuật số được giới thiệu hoạt động dựa trên các công nghệ y hệt BitCoin và có khả năng phát triển như BitCoin. Các hoạt động tuyển dụng người tham gia FutureNet thường được tổ chức thông qua hình thức hội thảo đầu tư hoặc chia sẻ kinh nghiệm làm giàu.
Các mô hình kinh doanh đa cấp mới xuất hiện 
Cùng với sự xuất hiện của hệ thống FutureNet, công ty có tên Dự án Hoàng Gia (còn có tên Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dự án Hoàng Gia hoặc Công ty Cổ phần Tập đoàn Dự án Hoàng Gia) cũng là một hệ thống “có số má” hoạt động rầm rộ ở nhiều tỉnh, thành phố. Hệ thống này chuyên cung cấp giải pháp hỗ trợ tiêu dùng cho cộng đồng, đồng thời gia tăng thu nhập cho người tham gia.
Dự án Hoàng Gia có dấu hiệu huy động vốn theo hình thức đa cấp thông qua cung cấp dịch vụ gọi là “Giải pháp tiêu dùng hoàn vốn” với các gói đầu tư đủ mệnh giá…
Tại cuộc họp mới đây về hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), đại diện Ngân hàng Nhà nước đã cảnh báo về việc các hoạt động cho vay ngang hàng biến tướng kiểu đa cấp đã xuất hiện tại Việt Nam. “Trong 40 công ty P2P Lending đang hoạt động ở Việt Nam, có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty từ Indonesia và Singapore. Một số công ty trong số 40 doanh nghiệp này đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng”, đại diện NHNN cho biết.

Một biến tướng của đa cấp thế hệ mới khác được cơ quan quản lý nhắc đến là việc các hội nhóm cá nhân, có sự tham gia của người Hàn Quốc có dấu hiệu tiến hành các hoạt động hội thảo, hội nghị trực tiếp hoặc qua ứng dụng Internet như: Zoom Meeting, Zalo… để quảng cáo và bán sản phẩm mang tên Atomy. Các hội nhóm này ra sức tuyển dụng, xây dựng đội nhóm người tham gia mạng lưới; và đào tạo, hướng dẫn về kế hoạch trả thưởng mang tên Atomy cùng với những lời hứa hẹn sẽ được tham gia kinh doanh cùng Atomy Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

 Đa cấp Bất động sản

Hơn 6.700 khách hàng sập bẫy, cơ quan điều tra xác định Công ty CP Địa ốc Alibaba hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, núp bóng hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) nhưng thực chất là lừa đảo theo phương thức đa cấp.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho biết không chỉ Công ty Alibaba mà trên thị trường cũng đang có nhiều công ty hoạt động kinh doanh kiểu đa cấp bất chính như vậy chưa bị phát hiện. Cần nhìn ra những dấu hiệu bất ổn để nhận diện kiểu đầu tư BĐS đa cấp.
Chuyên gia tài chính kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra thủ đoạn kinh doanh đa cấp BĐS là dùng mồi cam kết lợi nhuận cao ngất ngưởng để thu hút nhà đầu tư bỏ tiền. Nguy hiểm hơn là các công ty này bán sản phẩm không có thật, trái với quy định của pháp luật.

Hình thức kinh doanh đa cấp là lấy tiền người này để trả cho người khác, lấy tiền của nhà đầu tư trước trả cho người sau. Bên bán sẽ quảng cáo dự án với lợi nhuận khủng, đánh vào lòng tham của nhà đầu tư bằng thủ thuật bánh vẽ dự án, bánh vẽ quy hoạch, viễn cảnh hạ tầng hoàn thiện. Nhiều người mua bị những thông tin như vậy gây nhiễu, quên mất phải xem xét giấy tờ pháp lý của dự án. Hơn nữa, vì ham lợi nhuận, chiết khấu cao nên họ càng nhiệt tình giới thiệu thêm nhiều khách hàng đến mua qua bán lại, làm cái loa quảng cáo thay cho chủ đầu tư.
Tránh bẫy đa cấp Bất động sản
Ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh khách hàng để tránh rơi vào bẫy của kinh doanh BĐS đa cấp phải xem xét cơ sở pháp lý của dự án thật rõ ràng. Một dự án phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được cho phép làm nhà ở như chung cư, nhà phố, biệt thự hoặc dự án nhà ở nhưng ở dạng phân lô, bán nền. Thứ hai là dự án phải có giấy phép xây dựng. Thứ ba là dự án phải đủ điều kiện huy động vốn theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS.
Ngoài yếu tố pháp lý ở trên, đối với dự án phân lô, bán nền phải xây dựng xong cơ sở hạ tầng, bao gồm đường giao thông, hệ thống cấp nước, thoát nước, điện, chiếu sáng công cộng. Dự án đó phải có ngân hàng bảo lãnh, nếu có thế chấp thì phải giải chấp, nếu chưa giải chấp thì phải có văn bản đồng ý của ngân hàng nhận thế chấp cho phép huy động vốn. 
“Văn bản quan trọng cuối cùng là dự án phải có quyết định của Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện được phép bán nền nhà hình thành trong tương lai. Đối với chung cư thì thêm điều kiện phải xây dựng xong phần móng” – ông Châu nhắc nhở.
Không chỉ kinh doanh BĐS theo hình thức đa cấp, một số doanh nghiệp còn tổ chức những khóa đào tạo môi giới đầu tư BĐS theo kiểu bán hàng đa cấp biến tướng, vẽ ra những chuyên gia hàng đầu để dễ dàng dẫn dụ người mua cả tin tham gia vào đường dây của mình.
Nguồn: 24h, Zing

Tổng hợp danh sách các dự án lừa đảo bất động sản Sài Gòn – TPHCM và các tỉnh

Bán 2 triệu một bộ sản phẩm, “thần dược xứ Mường” trả thưởng nhiều để làm gì?

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top